Mộng thịt ở mắt có nguy hiểm?
Chào bác sĩ, mắt mẹ em khoảng 2 năm nay bị kéo màng mây ở góc trong của mắt, dạo này ngày càng đỏ và khó chịu. Mới đây khi đi bệnh viện khám thì được chẩn đoán là bệnh mộng thịt và có chỉ định phẫu thuật. Gia đình em khá lo và xin được bác sĩ tư vấn để biết thêm về sự nguy hiểm của loại bệnh này. Xin cám ơn bác sĩ. (Xuân Mai, TPHCM)
bMộng thịt (hay còn gọi là màng máu mắt) là một bệnh lý tăng sinh xơ mạch hay gặp ở phần tròng trắng hai bên khóe mắt. Đây là một tổn thương lành tính phát triển từ từ, có thể ngừng phát triển ở một số trường hợp hoặc tiến triển dần đến khi che qua con ngươi làm giảm thị lực đáng kể. Mộng thịt có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt.
Triệu chứng của mộng thịt
Mộng thịt có thể không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi tiến triển nó có thể gây đỏ mắt và viêm nhiễm. Mộng thịt từ khóe mắt khi xâm lấn dần vào trung tâm sẽ có thể làm biến đổi nhẹ hình dạng bề mặt tròng đen tạo nên độ loạn thị khiến người bệnh nhìn nhòe đi. Ngoài ra, mộng thịt cũng tạo nên một số các triệu chứng khác như nóng rát, ngứa nhẹ, hoặc cảm giác xốn mắt như có cát bụi bay vào.
Nguyên nhân của mộng thịt và những đối tượng dễ bị bệnh này
Nguyên nhân chính gây phát sinh mộng thịt hiện vẫn còn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ được chứng minh là sẽ gây tăng khả năng bị mộng thịt bao gồm: tình trạng khô mắt, yếu tố kích thích từ gió bụi hoặc tiếp xúc với tia cực tím trong thời gian dài
Do đó, mộng thịt thường gặp nhiều ở những người sống ở vùng xích đạo và những người có đặc điểm công việc đòi hỏi phải hoạt động thường xuyên dưới ánh nắng mặt trời. Lứa tuổi hay gặp từ 20 đến 40 tuổi. Xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ.
Cách điều trị mộng thịt
Mộng thịt thường không cần điều trị can thiệp nếu triệu chứng nhẹ. Chủ yếu người bệnh sẽ được cho sử dụng nước mắt nhân tạo dạng nước hoặc dạng keo bôi trơn để giảm yếu tố khô mắt gây tiến triển mộng thịt. Nếu có tình trạng viêm xuất hiện làm đỏ và kích thích mắt, có thể sẽ được bổ sung thêm các thuốc chống viêm, co mạch để giảm triệu chứng.
Khi bệnh lý gây giảm thị lực hoặc ảnh hưởng tâm lý người bệnh đáng kể do yếu tố thẩm mỹ thì có thể can thiệp phẫu thuật để cắt bỏ nó. Tuy nhiên, sau phẫu thuật mộng thịt vẫn có thể tái phát. Phẫu thuật thường làm là sử dụng kết mạc (lớp trong suốt phủ mặt trước tròng trắng) của chính mắt mổ hoặc màng ối để ghép vào chỗ trống nơi phần mộng bị cắt đi, mất khoảng 30-45 phút. Sau phẫu thuật, mẹ em sẽ cần đeo kính hoặc băng mắt trong 1 đến 2 ngày đầu. Có thể làm việc trở lại (tránh bơi lội và dụi mắt) sau vài ngày. Thuốc nhỏ sau phẫu thuật sẽ cần dùng trong vài tuần đến vài tháng và chế độ theo dõi cần được duy trì đến thời điểm 1 năm.
Cách phòng bệnh mộng thịt
Chúng ta có thể phòng tránh phần nào bệnh mộng thịt bằng cách hạn chế các yếu tô nguy cơ càng nhiều càng tốt. Do đó, cần đi khám mắt kiểm tra để điều trị vấn đề khô mắt nếu có. Ngoài ra, chúng ta nên đội nón rộng vành và đeo kính mát mỗi ngày khi đi ra nắng. Cần chọn loại kính ngăn được 99 – 100% tia cực tím cả A và B. Kính mát không chỉ có vai trò bảo vệ mắt khỏi tia cực tím mà còn giúp tránh được sự tác động của bụi và gió. Cho dù di chuyển bằng phương tiện ô tô, chúng ta vẫn cần đến kính mát vì đa số kính bên của xe không cản được tia cực tím.
Với những thông tin về bệnh của mẹ em như trên, mong gia đình sẽ bớt hoang mang lo lắng.
TS.BS. Trần Hải Yến (Phòng khám mắt HYEC – 31A Nguyễn ĐÌnh Chiểu, Q.1, TP.HCM)
Độc giả có thể trực tiếp đặt câu hỏi các bệnh về mắt và các phương pháp điều trị với TS.BS. Trần Hải Yến tại chuyên mục này: suckhoe@dantri.com.vn hoặc qua email info@haiyeneyecenter.com tại www.phongkhammathaiyen.com và theo số điện thoại 1800757576, 0913 666 665 và 08 66861396.