Mỗi người cao tuổi sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính
Đây là thông tin ở hội thảo đánh giá tình hình chăm sóc sức khỏe NCT, đáp ứng của ngành y tế do Bộ Y tế phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức tại Hà Nội.
Mỗi Người cao tuổi Việt Nam phải chịu 15,3 năm bị bệnh tật trong cuộc đời mình
Theo đánh giá của Qũy dân số Liên hợp quốc, Việt Nam đang ở trong thời điểm dân số vàng nhưng cùng lúc đó, đất nước cũng đã bước vào giai đoạn già hóa bắt đầu từ năm 2011.
Việt Nam là một trong số những quốc gia già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực. Trong năm 2013 tỷ lệ người cao tuổi (NCT) đã lên tới 10,5% tổng dân số. Với tỷ lệ này, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Theo các chuyên gia, già hóa dân số mang đến những cơ hội cũng như nhiều thách thức lớn, đòi hỏi các phương thức tiếp cận mới về y tế, tuổi nghỉ hưu và lương hưu, môi trường xã hội và hòa đồng giữa các thế hệ. Tuy nhiên, người cao tuổi nếu như được sự hỗ trợ đúng đắn có thể tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và đất nước.
Bà Ritsu Nacken, Phó trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, kết quả điều tra cho thấy tuổi thọ cả nam lẫn nhữ tại Việt Nam đang tăng lên (73 tuổi đối với nữ và 69 tuổi đối với Nam). Tuy nhiên, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam lại chưa cao, trung bình mỗi NCT Việt Nam phải chịu 15,3 năm bị bệnh tật trong cuộc đời mình. Con số này cao hơn hẳn so với nhiều quốc gia đã phát triển.
Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng
NCT Việt Nam phải chịu gánh nặng bệnh tật kép, trong đó đã có sự thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và các bệnh mạn tính, đồng thời các bệnh mới đang xuất hiện cùng với sự thay đổi trong cách sống đang ngày càng trở nên phổ biến như ung thư, căng thẳng, trầm cảm về thâm thần.
Già hóa dân số, mô hình bệnh tật cũng thay đổi
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, sau 3 năm thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BYT về thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi,hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT đang được hoàn thiện.
Cả nước có 4 bệnh viện nòng cốt chuyên chăm sóc và phục vụ sức khỏe NCT; 46/63 tỉnh thành đã thành lập được Khoa Lão khoa.
Hơn 2 triệu NCT được khám sức khỏe định kỳ; hơn 1,7 triệu người được lập sổ theo dõi sức khỏe. Hầu hết các bệnh viện đều có chính sách ưu tiên khám và chăm sóc sức khỏe đối với NCT…
Tuy nhiên, ông Khuê cũng thẳng thắn thừa nhận trong công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT hiện nay còn nhiều khó khăn như nhiều tỉnh chưa hướng dẫn và triển khai chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, chưa bố trí được kinh phí thực hiện thông tư cho NCT tại trạm y tế xã phường.
Thêm vào đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, bác sỹ, điều dưỡng còn thiếu và yếu nên khó khăn trong khám sức khỏe định kỳ, tư vấn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho NCT tại cộng đồng.
Trong tham luận trình bày tại hội thảo, GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc BV Lão khoa TW, với việc già hóa dân số, mô hình bệnh tật cũng thay đổi: một mặt người già phải đối phó với các bệnh lây nhiễm, mặt khác phải đương đầu với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh mạn tính và thoái hóa như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư các loại, COPD, thoái khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ…..Đa số các bệnh này ít nhiều liên quan đến lối sống và phải điều trị suốt đời.
Theo nghiên cứu của BV Lão khoa TW, trung bình một người già sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính. Với các bệnh nhân nhập viện tại BV Lão khoa TW, một bệnh nhân thường mắc 5-6 bệnh.
Do mắc nhiều bệnh cùng một lúc nên triệu chứng thường không điển hình, chẩn đoán phức tạp,phải dùng nhiều loại thuốc làm tăng nguy cơ tai biến do điều trị do vậy cách tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị có nhiều điểm khác với các nhóm tuổi trẻ.
NCT, đặc biệt là những người trên 80 tuổi thường mắc các hội chứng đặc trưng ở người già như hội chứng dễ bị tổn thương (frailty), lú lẫn, suy giảm nhận thức (bệnh Alzheimer), rối loạn đi và ngã, suy dinh dưỡng,trầm cảm, loét, mất nước…đòi hỏi phải được chăm sóc một cách đặc biệt.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất, phải tăng cường hơn nữa hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT từ TW đến địa phương; đồng thời Việt Nam cần thiết phải có các hành động cụ thể nhằm tăng cường hệ thống y tế, dịch vụ y tế, mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho NCT.
Bên cạnh đó, ngành y tế cần tăng cường dịch vụ y tế và mở rộng các dịch vụ chăm sóc NCT; xem xét hỗ trợ người cao tuổi mắc bệnh hiểm nghèo và 100% chi phí khám chữa bệnh cho NTC bằng thẻ bảo hiểm y tế từ 80 tuổi trở lên; phát triển các cơ sở chăm sóc tại nhà cho NCT, đào tạo kỹ năng chăm sóc NCT cho tình nguyện viên tại cộng đồng. …
Theo Thái Bình
Sức khỏe và Đời sống