1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mỗi ngày ngủ được 3 tiếng, người phụ nữ sợ không dám ngủ cùng chồng

Nam Phương

(Dân trí) - Theo nghiên cứu trên thế giới, có đến 1/3 dân số than phiền về chứng mất ngủ. Đây cũng là một tình trạng khá phổ biến tại nước ta.

Mất ngủ, người phụ nữ không dám ngủ chung với chồng

Chị Xuân (42 tuổi, Hải Dương) đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám vì bị mất ngủ. 

Là một giáo viên, chị Xuân có tiền sử khỏe mạnh. Gần một năm nay, chị có biểu hiện ngủ ít dần. Khoảng 3 tháng gần đây, tình trạng này càng nặng hơn, mỗi đêm chị chỉ ngủ được 2-3 tiếng, khó vào giấc ngủ hơn, ngủ chập chờn.

Tình trạng mất ngủ kéo dài khiến chị mệt mỏi nhiều, đau đầu, khó tập trung vào công việc hơn, hay lơ đãng, dễ nổi cáu, ăn kém ngon miệng, sụt mất 2 kg trong 2 tháng. Nhiều lần học sinh hỏi bài nhưng chị không chú ý. 

Vì tình trạng mất ngủ trầm trọng hơn, chị không dám ngủ chung giường với chồng vì anh ngủ ngáy. Chị đã đi khám ở tuyến dưới nhưng tình trạng không cải thiện. 

Mỗi ngày ngủ được 3 tiếng, người phụ nữ sợ không dám ngủ cùng chồng - 1

Rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính (Ảnh: N.P).

BSCK2 Phạm Công Huân, Phòng M8, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, bệnh nhân trở nên nhạy cảm hơn, cả tiếng động nhỏ cũng làm chị tỉnh giấc và không ngủ lại được. Có nhiều đêm, bệnh nhân bị mất ngủ trắng đêm, người mệt nhiều. 

Bệnh nhân được chẩn đoán bị mất ngủ không thực tổn, phải vào viện điều trị nội trú. 

"Sau 7 ngày được cho dùng thuốc kết hợp với liệu pháp thư giãn luyện tập, vệ sinh giấc ngủ, trị liệu tâm lý, tình trạng của bệnh nhân đã có cải thiện tốt. Bệnh nhân ngủ tốt hơn, mỗi tối ngủ được 5-6 tiếng, ngủ sâu giấc hơn", BS Huân nói.

Làm gì để có giấc ngủ ngon?

BSCK2 Đoàn Thị Huệ, Phó trưởng phòng M8, Viện Sức Khỏe Tâm Thần, Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho biết thêm, có nhiều rối loạn giấc ngủ khác nhau, trong đó mất ngủ là phổ biến nhất. Ngủ không đủ giấc, ngủ kém chất lượng tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng như mệt mỏi và giảm năng lượng, khó chịu và các vấn đề về tập trung…

Rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng gần 1/3 dân số nói chung than phiền về chứng mất ngủ nhưng chỉ 6-15% được chẩn đoán.

Mỗi ngày ngủ được 3 tiếng, người phụ nữ sợ không dám ngủ cùng chồng - 2

BSCK2 Đoàn Thị Huệ, Phó trưởng phòng M8, Viện Sức Khỏe Tâm Thần, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: B.V).

"Một người được chẩn đoán bị mất ngủ khi tình trạng này xuất hiện ít nhất 3 ngày trong 1 tuần, tồn tại ít nhất là 3 tháng. Đồng thời, cũng phải loại trừ các nguyên nhân gây mất ngủ khác như do sử dụng các chất tác động tâm thần, hay hậu quả của một bệnh tâm thần khác…", BS Huệ phân tích.  

Các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh mất ngủ cần xác định phải điều trị lâu dài, như một bệnh mãn tính. Còn nếu nó là triệu chứng của các bệnh khác thì phải điều trị bệnh gốc. 

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hường, Phòng M8, lưu ý vấn đề vệ sinh giấc ngủ để có giấc ngủ ngon. 

- Buổi trưa chúng ta không nên ngủ quá 30 phút. 

- Tạo thói quen đi ngủ vào một giờ cố định. 

- Chỉ sử dụng giường cho việc ngủ, tránh ăn uống, làm việc, xem tivi, điện thoại trên giường. Điều này giúp não bộ tạo mối liên hệ giữa giấc ngủ và giường. 

- Buổi tối không nên ăn quá no trước khi đi ngủ, nên ăn tối trước khi ngủ 3 tiếng. 

- Tránh ăn nhiều đồ dầu mỡ chiên rán vì dễ dẫn đến đầy bụng khó tiêu. 

- Tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia, trà. 

- Tránh ánh sáng xanh từ tivi, điện thoại vì có thể làm mất ngủ. 

- Cố gắng giảm áp lực căng thẳng, thực hành các hoạt động giúp thư giãn trước giờ đi ngủ như bài tập thở, thiền. 

- Thể dục thường xuyên hằng ngày cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. 

Bệnh nhân nên đi khám nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. 

* Tên nhân vật đã được thay đổi.