1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mở rộng mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình

(Dân trí) - Nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới Y học gia đình trong cả nước, ngày 29-30/3, Trung tâm Y học gia đình - Trường Đại học Y Dược Huế đã phối hợp với Phái đoàn Wallonie Bruxelles, Vương quốc Bỉ tổ chức “Hội thảo Nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo nguyên lý Y học gia đình”.

Phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng công bằng - hiệu quả - chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là một trong những mục tiêu hàng đầu của các hệ thống y tế trên thế giới. Trong đó, Y học gia đình được đánh giá là giải pháp căn cơ mang lại sức khỏe cho mọi người, góp phần tăng hiệu quả và thực hiện công bằng trong chăm sóc y tế.

Hàng trăm cán bộ trường ĐH Y Dược Huế cùng đội ngũ y – bác sĩ tại các tỉnh thành cũng như địa phương đã tham dự buổi hội thảo quốc tế
Hàng trăm cán bộ trường ĐH Y Dược Huế cùng đội ngũ y – bác sĩ tại các tỉnh thành cũng như địa phương đã tham dự buổi hội thảo quốc tế

Tại Việt Nam, Bộ Y tế triển khai thực hiện “Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020” và kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020. Nhu cầu phát triển Y học gia đình tại Việt Nam càng được thể hiện rõ trong chỉ thị 06 của Ban Bí thư TW Đảng và Nghị quyết 20- NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Theo GS.TS. Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Bác sĩ Gia đình Việt Nam, hiện nay mô hình Y học gia đình đã được triển khai trên 7 tỉnh thành trong cả nước bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế và để mô hình này ngày càng phát triển, nhiều địa phương tại các tỉnh thành đã thành lập hơn 2000 câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Tuy nhiên việc triển khai những mô hình này đang còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn là do ý thức người dân còn chưa cao trong việc tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cá nhân.

“Trong thời gian sắp tới, mô hình Y học gia đình sẽ được phổ biến rộng rãi hơn thông qua các hội nghị, hội thảo tại nhiều tỉnh thành trong cả nước để truyền bá kiến thức, kinh nghiệm về y học gia đình đồng thời thành lập thêm nhiều câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe bám sát theo cụm dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng.” – Ông Trọng cho hay.

GS.TS. Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Bác sĩ gia đình Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
GS.TS. Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Bác sĩ gia đình Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Trường Đại học Y Dược Huế là một trong những đơn vị tiên phong phát triển Y học gia đình tại Việt Nam. Nhà trường đã sớm đưa Y học gia đình vào chương trình đào tạo y đa khoa và các chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành Y học gia đình. Phòng khám Bác sĩ gia đình thuộc Trường ĐH Y Dược Huế là phòng khám Bác sĩ gia đình đầu tiên trong cả nước hoạt động theo mô hình độc lập, có chức năng khám chữa bệnh ban đầu, quản lý sức khoẻ theo nguyên lý Y học gia đình cho người dân và tiếp nhận người bệnh từ các phòng khám tuyến dưới chuyển lên.

Hội thảo lần này hướng đến xây dựng lộ trình triển khai và nhân rộng hoạt động của bác sĩ gia đình trong công tác quản lý bệnh mạn tính không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở, các vấn đề về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng như đề xuất xây dựng các chính sách và phát triển Y học gia đình trong thời gian tới.

​Ngày nay, mô hình bệnh tật trên thế giới và tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi, xu hướng chuyển dịch từ mô hình bệnh lây nhiễm sang mô hình bệnh tật kép của bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm trong bối cảnh của già hóa dân số gia tăng. Xuất phát từ thực tiễn triển khai Y học gia đình ở Việt Nam và kinh nghiệm ở các nước cho thấy mô hình bác sĩ gia đình và tích hợp nguyên lý Y học gia đình vào hoạt động của tuyến y tế cơ sở hoàn toàn phù hợp và đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện và chất lượng cao của người dân cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên.

Bạch Châu - Đại Dương