1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mô hình điểm phòng chống HIV/AIDS ở Tây Nguyên

(Dân trí) - Ngày 26/12, Vụ Tuyên truyền và Vụ Địa phương II, Uỷ ban Dân tộc đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk sơ kết mô hình điểm “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV dựa vào cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Tây Nguyên”.

Mô hình điểm được triển khai tại xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) theo Kế hoạch năm 2013 của Ủy ban Dân tộc (UBDT). Số người nhiễm HIV ở xã Hòa Xuân năm 2013 là 08 người tăng mới 5 người so với năm 2012 (trong đó 2 buôn có đông đồng bào dân tộc Ê đê sinh sống có người nhiễm HIV là: buôn Drai Hling: 3 người, buôn Buôr: 1 người). Nguyên nhân chủ yếu là lây qua sinh hoạt tình dục, lây từ mẹ sang con và ở lứa tuổi thanh niên.

Tình hình di dân tự do từ phía Bắc vào và từ địa phương đi nơi khác làm ăn rồi trở về đang là mối lo ngại về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm của chính quyền xã Hòa Xuân. Tình hình dịch HIV tại đây chưa phải là điểm nóng nhưng có diễn biến phức tạp và đang có xu hướng tăng nhanh. Hiện nay, xã chưa phát hiện ra người nghiện ma túy và hoạt động mại dâm, tuy nhiên các xã lân cận đã có các tệ nạn nói trên. Hòa Xuân lại là địa phương nằm cách không xa trung tâm TP Buôn Ma Thuột và tiếp giáp với khu vực 3 của địa phương khác nên có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao cho người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại đây.

Đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra việc triển khai thực hiện 
Đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra việc triển khai thực hiện 
mô hình tại Buôn Dray Hling.

Năm 2013, để triển khai mô hình có hiệu quả cao, Đảng ủy xã Hòa Xuân đã có Nghị quyết chỉ đạo UBND và các đoàn thể xã Hòa Xuân cùng các thôn, buôn phối hợp với UBDT trong quá trình triển khai thực hiện mô hình điểm; đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS của xã, bổ sung thêm một số thành viên như: già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo của 03 buôn (Drai Hling, Buôr, Cư Dluê) theo yêu cầu của Mô hình.

Xã đã phối hợp với Vụ Địa phương II UBDT triển khai các hoạt động: Tổ chức Hội nghị triển khai Mô hình; tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho nhóm cán bộ nòng cốt của xã và các hoạt động khác triển khai tại địa phương; Chỉ đạo Trạm Y tế xã và các buôn phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề phòng, chống HIV/AIDS tại 03 buôn với sự tham dự khoảng hơn 100 lượt người; phát các tờ rơi, các tài liệu tuyền truyền về phòng chống HIV/AIDS cho người dân trong 03 buôn trong các buổi nói chuyện chuyên đề; Chỉ đạo cán bộ truyền thanh viết bài và tuyên truyền trên loa truyền thanh của xã để bà con hiểu về HIV/AIDS; ký cam kết Buôn “Không có người nhiễm HIV/AIDS và mắc các tệ nạn xã hội” cho 03 buôn và các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS của xã Hòa Xuân ký cam kết Gia đình “Không có người nhiễm HIV/AIDS và mắc các tệ nạn xã hội”.

Đại diện của 3 buôn có đông đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống ký cam kết 
Đại diện của 3 buôn có đông đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống ký cam kết 
buôn không có và không tăng HIV/AIDS của tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền UBDT Chu Tuấn Thanh đánh giá cao sự nỗ lực vào cuộc của chính quyền địa phương xã trong việc triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Bước đầu Mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của HIV/AIDS, có ý thức tự phòng chống HIV/AIDS. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với những người bị lây nhiễm HIV/AIDS. Nhóm cán cán bộ nòng cốt sẽ là những tuyên truyền viên vận động người thân và những người xung quanh tham gia tích cực phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.

Vụ trưởng Chu Tuấn Thanh đề nghị UBND xã Hòa Xuân và các cơ quan liên quan của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo, triển khai Mô hình điểm để có thể nhân rộng mô hình này ra toàn khu vực Tây Nguyên và các khu vực khác.

Lê Thu Hà