TPHCM:

“Mở cửa” kết hợp y tế công - tư để giảm quá tải

(Dân trí) - Trong bối cảnh quá tải bệnh nhân đang ngày càng căng thẳng, ngành y tế thành phố chủ trương “mở cửa” kết hợp y tế công tư, phục vụ người bệnh. “Thương hiệu” các bác sĩ bệnh viện công sẽ gắn liền với nguồn vốn của tư nhân để mở thêm cơ sở khám và điều trị.

Đó là một trong những chủ trương mới với kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong nỗ lực giảm quá tải bệnh nhân tại hệ thông bệnh viện công lập đã được ngành y tế thành phố quyết định và ra thông báo vào chiều 15/4.

Nội trú, ngoại trú đều quá tải

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho gần 10 triệu dân sinh sống trên địa bàn, thành phố còn phải gánh thêm trách nhiệm khám chữa bệnh cho người dân các tỉnh khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và Nam Bộ. Năm 2015 các bệnh viện tại thành phố đã khám và điều trị cho hơn 34 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 1,7 triệu bệnh nhân điều trị nội trú.

Khu khám ngoại trú tại một bệnh viện công, người bệnh không còn chỗ chen chân
Khu khám ngoại trú tại một bệnh viện công, người bệnh không còn chỗ chen chân

Theo phân tích của TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, số lượt bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú tại các bệnh viện đang tăng dần hàng năm. Riêng trong quý đầu của năm 2016, số lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú đã tăng khoảng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng quá tải không chỉ khiến bệnh nhân ngoại trú phải đi từ sáng sớm, xếp hàng dài chờ đợi đến lượt để được khám chữa bệnh mà còn khiến nhiều bệnh viện như Nhi Đồng (1 và 2), Chấn thương Chỉnh hình, Ung Bướu, phụ sản Từ Dũ và Hùng Vương… công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức trên 100%. Cá biệt, tại bệnh viện Ung Bướu công suất sử dụng giường bệnh đã lên tới 170%.

Thời gian qua, ngành y tế thành phố đã nỗ lực triển khai các phương án giảm tải bằng hệ thống bệnh viện vệ tinh, phòng khám vệ tinh, tăng cường bác sĩ về tuyến cơ sở để chuyển giao kỹ thuật, triển khai phòng khám bác sĩ gia đình, lập hội đồng quản lý chất lượng, xây dựng phòng công tác xã hội hỗ trợ bệnh nhân, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng, đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh…

Bệnh nhân không thể hài lòng khi phải khám và điều trị trong cảnh chen lấn, nằm ghép
Bệnh nhân không thể hài lòng khi phải khám và điều trị trong cảnh chen lấn, nằm ghép

Tuy nhiên, quá tải bệnh viện vẫn là nguyên nhân chính khiến người bệnh chưa hài lòng với dịch vụ y tế; tạo sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa nhân viên y tế và bệnh nhân; gây sức ép lên đội ngũ y bác sĩ khi làm công tác chuyên môn…

“Mở cửa” để giảm tải

Trước thực tế đã nêu trên, TS.BS Tăng Chí Thượng cho rằng: “Nếu không có những giải pháp nào khác so với hiện nay thì không thể nào giảm tải trong khám và điều trị cho người bệnh được. Do đó, thành phố cần phải có những giải pháp mang tính đột phá.”

Thẳng thắn phân tích thực tế mô hình bệnh viện công và bệnh viện tư trên địa bàn thành phố hiện nay, đại diện Sở Y tế thừa nhận, trong khi các bệnh viện công quá tải thì nhiều bệnh viện tư với cơ sở hạ tầng mới xây dựng, trang thiết bị hiện đại nhưng đang hoạt động cầm chừng do chưa thu hút được bệnh nhân.

Dự kiến hai bệnh viện Nhi Đồng của thành phố sẽ thí điểm mô hình kết hợp công - tư
Dự kiến hai bệnh viện Nhi Đồng của thành phố sẽ thí điểm mô hình kết hợp công - tư

Mặc dù, Bộ Y tế đã chủ trương cho phép bác sĩ bệnh viện công sang bệnh viện tư làm việc trong giờ hành chính. Tuy nhiên, phương án trên mới giải quyết được một phần tình trạng thiếu nhân lực tại các bệnh viện tư. Mặt khác, khi nguồn vốn của y tế công hạn hẹp, không đủ để mở rộng hệ thống khám chữa bệnh thì nhiều đối tác tư nhân sẵn sàng đầu tư cho các dự án y tế. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực chuyên môn nên họ không thể triển khai.

Trong thông báo được phát đi vào chiều 15/4, ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, sở sẽ xúc tiến nhanh sự kết hợp y tế công - tư để giải quyết tình trạng quá tải. Trước mắt, việc giảm tải sẽ tập trung giải quyết ở khâu khám và điều trị ngoại trú trên cơ sở công - tư trở thành đối tác của nhau.

Cụ thể, bệnh viện công lập sẽ lấy “thương hiệu” từ các bác sĩ của mình kết hợp với nguồn vốn của tư nhân để mở thêm phòng khám tại nhiều cơ sở, chi nhánh. Dự kiến, trong năm 2016 kế hoạch trên sẽ có hai bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 thực hiện thí điểm. Bên cạnh đó, ông Thượng cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến trên nghiên cứu xây dựng đề án triển khai phòng khám vệ tinh của bệnh viện tại các trạm y tế tuyến phường xã để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Vân Sơn