Miền Bắc: Dịch sốt vi rút vẫn dai dẳng

(Dân trí) - Sốt vi rút bắt đầu tăng nhanh từ giữa tháng 4, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm mà số bệnh nhân tiếp tục tăng lên. Có nhiều gia đình, cả 5 - 6 người đều sốt vi rút, chưa kể, liên tục bị tái sốt do gặp nhiều chủng vi rút khác nhau.

Sáng 7/5, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, trước đó khoảng nửa tháng, bệnh sốt vi rút đã rất rầm rộ nhưng số trẻ đến khám vì sốt vi rút chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân. Đến nay, con số này đã tăng lên, chiếm tới 2/3 tổng bệnh nhân tới khám.
Miền Bắc: Dịch sốt vi rút vẫn dai dẳng  - 1
Rất nhiều trẻ bị sốt vi rút liên tục do gặp nhiều tuýp vi rút khác nhau. Vì thế, việc tăng cường
sức đề kháng bằng chế độ ăn khoa học, nghỉ ngơi hợp lý là rất quan trọng (Ảnh: H.Hải)
 
Theo TS Dũng, năm nay thời tiết chuyển mùa muộn hơn mọi năm, thời gian chuyển mùa kéo dài chính là nguyên nhân gây nên tình trạng sốt dịch tăng và kéo dài. Thời tiết như thế này khiến mật độ vi rút, vi sinh vật trong không khí tăng lên rất nhiều, là tác nhân gây bệnh. Khi bước vào mùa nắng nóng hẳn thì số trẻ sốt vi rút sẽ giảm đi.

“Một điểm khác biệt nữa, thường sốt vi rút chỉ gây dịch ở trẻ nhỏ, năm nay, vi rút này tấn công cả người lớn. Rất nhiều gia đình cả nhà lần lượt bị sốt. Ở các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo cũng có nhiều trẻ bị sốt vi rút”, TS Dũng nói.

Bình thường, sốt vi rút chỉ 3 - 7 ngày là khỏi bệnh. Chỉ cần điều, trị triệu chứng là hạ sốt và bổ sung các loại vitamin. Tuy nhiên, trong mùa dịch này, có những người bệnh hàng 2 - 3 tuần vẫn chưa khỏi dứt điểm. Theo TS Dũng, nguyên nhân là do không có điều kiện xác định nhiễm tuýp vi rút gì. Nên rất có thể, họ nhiễm cúm mà không biết. Vì sốt vi rút rất dễ nhầm với cúm vì triệu chứng không điển hình.

Nhiều người có quan điểm rất sai về sốt vi rút, cho rằng sốt vi rút tức là phải sốt hàng tuần, sốt cao… tuy nhiên biểu hiện bệnh như thế nào hoàn toàn khác nhau ở từng người và phụ thuộc vào tuýp vi rút nhiễm. Có những người sốt cao, có những người chỉ hơi hâm hấp sốt. Chính những người chỉ hơi sốt, không mấy mệt mỏi, nên chủ quan vẫn đi làm bình thường chính là đối tượng lây bệnh rất mạnh.

Ngoài ra, rất nhiều bà mẹ thắc mắc, con vừa mới bị sốt vi rút lại tái lại, điều này là hoàn toàn bình thường. Vì riêng loại vi rút gây bệnh đường hô hấp đã có trên 200 tuýp. Vì thế, sức đề kháng là rất quan trọng. Khi sức đề kháng tốt sẽ giúp thải vi rút ra nhanh hơn, hết bệnh nhanh. Còn ngược lại, bệnh sẽ lâu khỏi hơn.

“Sốt vi rút ở người lớn thường kéo dài và nặng nề hơn ở con trẻ, vì khi ốm, thấy đắng miệng, người lớn trở nên lười ăn uống. Họ không nghĩ lúc này, ăn là một nhiệm vụ, có ăn, sức đề kháng mới tốt lên, bệnh mới mau lành. Trong khi con trẻ bị ốm vẫn được bố mẹ ép ăn, uống nước hoa quả… nên sức đề kháng tốt lên, nhanh giảm bệnh. Vì thế, để cơ thể có sức đề kháng tốt, chống chọi với các tác nhân vi rút, vi khuẩn đang phát triển mạnh trong thời điểm này thì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt là rất quan trọng. Mọi người cần ăn uống phong phú, đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn dễ tiêu như cháo, súp... ngoài ra nên uống nhiều nước, nước lọc, nước hoa quả như cam, chanh…. để tăng cường sức đề kháng của cơ thể”, TS Dũng khuyến cáo.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm