Hà Nội:
Nắng nóng, dịch sốt vi rút hoành hành
(Dân trí) - Bác sỹ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi TƯ, cho biết: mấy ngày gần đây, số bệnh nhi đến khám tăng lên 1.800 - 2.200 trẻ/ngày. Trong đó, chiếm nhiều nhất là sốt vi rút, tiếp đó là bệnh viêm đường hô hấp, dị ứng, tiêu chảy...
Bùng phát sốt vi rút
Đến BV Nhi TƯ trong những ngày này, tại phòng khám bệnh luôn đông nghịt người. Mỗi trẻ đi khám lại kèm theo 2 người đưa đi nên khu vực khám bệnh càng trở nên đông đúc, chật chội. Hầu như bé nào đi khám cũng dán trên đầu miếng dán hạ sốt. Tiếng khóc của trẻ trong môi trường đông đúc, nóng nực khiến không gian như đặc quánh.
BS Nhuận cho biết thêm, trước đó khoảng 1 tuần, lượng bệnh nhi đến khám chỉ ở mức trung bình, từ 1.000 - 1.500 trẻ/ngày, nhưng mấy ngày trở lại đây, do thời tiết bắt đầu nắng nóng, khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi TƯ tiếp nhận lượng bệnh nhi tăng vọt, có ngày lên tới 2.000 bệnh nhân. Trong số tới khám, tỷ lệ sốt vi rút chiếm rất cao.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, bác sỹ Hoàng Minh Thu, Trưởng phòng Khám Nhi cho biết, lượng trẻ nhập viện luôn vào khoảng 600 - 700 trẻ/ngày, trong đó các bệnh đường hô hấp chiếm tới 60 -70%, tiếp đó là sốt phát ban, tiêu chảy.
Đáng cảnh báo là tình trạng các bà mẹ tự ý dùng thuốc sai cũng rất phổ biến. Riêng với các bệnh nhi bị sốt vi rút, thì có tới 70 - 80% số cháu bé bị sốt vi rút đến bệnh viện sau khi đã dùng các loại thuốc không hiệu quả. Nhiều bà mẹ cho rằng con bị sốt do viêm họng nên cho uống kháng sinh khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn, chưa kể nhiều bé bị thêm đi ngoài do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.
GS.TS Dũng chia sẻ, các bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp, cha mẹ đưa con đi khám bệnh vì sốt vi rút cũng nhờ bác sĩ khám luôn cho mình vì cũng có tình trạng bệnh tương tự. Cảnh cả nhà cùng sốt, hắt hơi, xổ mũi, chảy nước mắt... không là hiếm trong suốt một tuần qua.
Nguy cơ nhiều bệnh dịch
Thời điểm này, ngoài dịch sốt vi rút đang khá rầm rộ, các chuyên gia còn cảnh báo nhiều dịch bệnh khác có nguy cơ xảy ra như sốt xuất huyết, rubella, sởi, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, viêm màng nảo mủ, viêm não Nhật Bản…
Như tại BV Mắt TƯ, trung bình mỗi ngày, phòng khám của TS Phạm Ngọc Đông tại BV có khoảng 20 bệnh nhân bị đau mắt đỏ tới khám. Trong khi đó, tác nhân gây đau mắt đỏ là Adeno vi rút, nó rất dễ dàng lây qua đường tiếp xúc, đường hô hấp nên bệnh dễ lan rộng, nếu mỗi người không có ý thức phòng bệnh ngay từ đầu mùa dịch thì nguy cơ bệnh bùng phát là khó tránh khỏi.
Theo BS Nhuận, để cơ thể có sức đề kháng tốt, chống chọi với các tác nhân vi rút, vi khuẩn đang phát triển mạnh trong thời điểm này, thì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt là rất quan trọng. Nắng nóng khiến người ta mệt mỏi, không muốn ăn uống dẫn đến thể trạng yếu, dễ bị bệnh tật tấn công, nhất là ở trẻ em. Vì thế, mọi người cần ăn uống phong phú, đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn dễ tiêu như cháo, súp... ngoài ra nên uống nhiều nước, nước lọc, nước hoa quả như cam, chanh…. để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Nếu bé hơi hâm hâm sốt, kèm theo sổ mũi nhưng trẻ vẫn khỏe mạnh, tỉnh táo, mắt nhanh nhạy, không mệt mỏi thì không nên quá lo lắng hay vội tự ý cho trẻ dùng thuốc. Chỉ khi trẻ sốt đến 38,5oC mới nên dùng thuốc hạ sốt theo đúng cân nặng. Sau khi hết sốt bé lại ăn, chơi như bình thường thì không đáng ngại. Nhưng nếu trẻ có biểu hiện mệt mỏi, kém phản ứng, mắt lờ đờ, vẫn mệt li bì dù đã hạ sốt, cần đưa ngay đến bệnh viện vì lúc này, sốt có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác. GS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, trong đợt dịch sốt vi rút lần này nhiều trẻ có hiện tượng bị sốt lại. Sau 5 - 6 ngày sốt liên tục, bé đỡ được một ngày rồi lại bị sốt tiếp khiến phụ huynh hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, nếu bé bị sốt lại, sau khi hạ sốt mà vẫn ăn uống, vui chơi, sinh hoạt bình thường thì không đáng ngại. Cha mẹ cần cho con dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao, hoặc dùng các loại thuốc cảm để chữa triệu chứng đau nhức, sổ mũi, ho... Ngoài ra nên súc miệng nước muối và nhỏ mũi thường xuyên. Còn khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đưa trẻ đến thầy thuốc để được chăm sóc, điều trị tốt nhất. |