Men gan tăng cao là gì, dấu hiệu nhận biết
(Dân trí) - Men gan tăng cao là một trong những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ hình thành nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Do đó, việc sớm nhận biết dấu hiệu tăng men gan và chủ động biện pháp phòng ngừa có ý nghĩa quan trọng.
1. Gan có những chức năng cơ bản nào
Với vai trò là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể, gan thực một số chức năng như:
- Làm sạch máu, xử lý những chất thải dư thừa trong tế bào.
- Hỗ trợ quá trình sản sinh ra Glucose, Protein, chất dinh dưỡng.
- Ngoài ra, gan còn là cơ quan dự trữ một số nhóm Vitamin.
- Một hệ thống Enzym hoàn chỉnh để thực hiện việc tổng hợp và chuyển hóa chất trong gan được gọi là men gan.
2. Thế nào là chỉ số men gan cao
Thông thường, chỉ số men gan ở mức độ bình thường phải đảm bảo các yếu tố sau:
- Chỉ số ALT phải bé hơn 40 U/L.
- Chỉ số GGT phải bé hơn 60 U/L.
- Chỉ số AST phải bé hơn 40 U/L.
- Chỉ số ALP phải giao động ở mức 30 đến 115 U/L.
Ổn định các chỉ số trên là một trong những yếu tố biểu thị tình trạng sức khỏe ở mức ổn định, bởi nhiều người ví chỉ số men gan là "chỉ số vàng của sức khỏe". Thực chất, men gan là tên gọi của một hệ thống Enzym được thiết lập hoàn chỉnh để tổng hợp và chuyển hóa chất. Tuy nhiên, do thói quen sống không khoa học, gan bị tác động tiêu cực làm quá trình này diễn ra bất thường hay còn gọi là men gan tăng cao.
Quá trình men gan tăng cao diễn ra là do hàm lượng Enzyme bị rối loạn và di chuyển vào máu, gây nên những tác động xấu đến sức khỏe. Đây được coi là dấu hiệu cảnh báo tình trạng gan bị tấn công bởi những tác nhân gây hại và có nguy cơ hình thành tổn thương. Xét nghiệm chỉ số men gan càng cao thì tỉ lệ tổn thương càng ở mức báo động.
Trong giai đoạn đầu bị men gan cao, người bệnh thường không có những triệu chứng cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, khi tình trạng này kéo dài và không được kiểm soát có thể hình thành một số biến chứng như rối loạn hệ tiêu hóa, da bị mẩn đỏ, có màu vàng bất thường hoặc cảm giác ngứa ngáy khắp người,... Lúc này, người bệnh cần được thăm khám, làm những xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng.
3. Những đối tượng nên kiểm tra men gan
Thực hiện quy trình xét nghiệm men gan định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín là một trong những giải pháp bảo vệ sức khỏe. Kết quả xét nghiệm giúp chúng ta sớm nhận biết các tổn thương tại gan nếu có và kịp thời theo dõi, điều trị.
Dấu hiệu cảnh báo chỉ số men gan tăng cao
Như đã đề cập, không phải tất cả bệnh nhân men gan cao đều có dấu hiệu, triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên, bệnh nhân bị suy giảm chức năng ở gan thường sẽ có một số triệu chứng sau:
- Màu nước tiểu có màu sắc đậm hơn so với bình thường kèm mùi khai nồng khó chịu.
- Hệ tiêu hóa gặp một số đề như bụng đầy hơi, xuất hiện cảm giác chán ăn, phân có màu nhạt bất thường.
- Cơ thể thường xuyên rơi vào tình trạng mỏi mệt, không có sức lực, tính tình thay đổi và hay cáu gắt.
- Các vùng da trên cơ thể và mắt xuất hiện tình trạng hoàng đản (hay thường được gọi là vàng da, vàng mắt).
Đối tượng nên xét nghiệm phòng ngừa men gan cao
Những triệu chứng cảnh báo tình trạng men gan tăng cao nêu trên có thể trùng với một số bệnh lý khác. Do đó, những đối tượng sau nên tiến hành xét nghiệm men gan định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể bảo vệ tốt nhất sức khỏe bản thân.
- Đối tượng thường xuyên lạm dụng chất kích thích như: bịa, rượu, thuốc lá,...
- Đối tượng sống trong gia đình có người đã từng mắc các bệnh lý về gan hoặc bản thân có tiền sử mắc bệnh liên quan đến gan.
- Những người có cân nặng vượt quá mức cho phép, đặc biệt là trong trường hợp kèm theo một số bệnh lý như: huyết áp cao, tiểu đường,...
- Người có nguy cơ bị các vi khuẩn, virus có hại cho gan tấn công.
- Người đang trong quá trình điều trị có sử dụng một số loại thuốc có khả năng tác động lên gan (Acnotin, Methyldopa, Rosiglitazone,...).
4. Phương pháp phòng ngừa chỉ số men gan tăng cao
Men gan cao kéo dài không được kiểm soát sẽ gây nên những tác động xấu đến sức khỏe gan, tạo cơ hội thuận lợi cho việc hình thành các bệnh lý như: viêm gan, xơ gan,... Do đó, mỗi cá nhân nên chủ động ổn định chỉ số men gan và phòng tránh tăng men gan bằng những thói quen sau:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý
Bổ sung nhóm các chất dinh dưỡng sau đây thường xuyên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nói chung và chỉ số men gan nói riêng:
- Nhóm thực phẩm có tính oxi hóa có công dụng hữu hiệu trong ổn định nồng độ men gan, từ đó giúp gan thực hiện các chức năng của mình một cách hiệu quả.
- Nhóm thực phẩm có chứa chất xơ giúp phá vỡ những Cholesterol có hại, tăng hàm lượng mật tiết ra từ gan, hỗ trợ hiệu quả trong vấn đề kiểm soát men gan và giảm chất béo có trong cơ thể.
- Bổ sung Vitamin C là một trong những yếu tố quan trọng để có thể ngăn ngừa men gan tăng cao. Một hàm lượng Vitamin C phù hợp mỗi ngày sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch và khả năng phục hồi của gan do những tác động tiêu cực.
Hình thành thói quen sống khoa học
Thói quen sống lành mạnh là một trong các yếu tố quan trọng, tác động tích cực đến việc ổn định chỉ số men gan:
- Đối với người có cân nặng quá tải, nên có chế độ giảm cân khoa học, phù hợp. Bởi tình trạng mỡ thừa quá tải là yếu tố làm gia tăng khả năng men gan cao.
- Có thói quen rèn luyện sức khỏe mỗi ngày bằng các hoạt động thể dục thể thao. Đây không chỉ là phương pháp giúp bảo vệ chức năng gan mà còn hỗ trợ hiệu quả trong vấn đề suy trì và nâng cao sức khỏe.
- Chỉ số men gan của những đối tượng có thói quen cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày thường luôn ở mức ổn định. Bởi nước có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình đào thải các chất độc hại ra khỏi gan.
- Quá trình sử dụng thuốc điều trị bệnh nên tuân thủ hướng dẫn của y bác sĩ có chuyên môn và thực hiện xét nghiệm men gan định kỳ khi có chỉ định.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng bia rượu hay các chất kích thích có hại khác. Ngoài ra nên lưu ý lựa chọn môi trường làm việc an toàn, ít độc hại để tránh ảnh hưởng xấu đến gan.
Chỉ số men gan có thể được duy trì một cách ổn định nếu mỗi cá nhân duy trì thói quen sống khoa học và lành mạnh. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu men gan tăng cao, cần tiến hành kiểm tra để có thể kịp thời điều trị, tránh kéo dài thời gian ủ bệnh gây nên những hậu quả đáng tiếc.