1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mẹ nhiễm rubella: Thà bỏ thai còn hơn xét nghiệm chọc ối?

(Dân trí) - Giữa năm 2011, khi dịch rubella bùng phát ở miền Bắc, hàng nghìn thai phụ buộc phải bỏ thai vì lo nguy cơ dị tật… Nhưng ngay cả khi có phương pháp mới xác định chuẩn đến 95% thai nhi nhiễm rubella, tỉ lệ thai phụ chọn xét nghiệm này vẫn rất thấp.

Bác sĩ đau đầu ra chỉ định

PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, cho biết: Chưa năm nào số thai phụ bỏ thai lại nhiều như năm nay, chỉ từ tháng 1/2001 đến nay có hơn 2.000 sản phụ mắc rubella tới viện khám, trong đó hơn một nửa trường hợp chấp nhận bỏ thai.  Cùng với tình trạng quá tải phá thai thì cũng là hàng nghìn nỗi lòng của các thai phụ khi phải dứt lòng bỏ đi đứa con đã đủ hình hài đang lớn dần lên trong bụng mẹ…
 
Mẹ nhiễm rubella: Thà bỏ thai còn hơn xét nghiệm chọc ối? - 1
Thai phụ này phải bỏ thai nhi vì mắc rubella khi chưa tròn 12 tuần thai. Ảnh: H.Hải

TS Tuấn cho biết, thời điểm đó, có tuần 200 ca thai phụ rubella đến khám và tư vấn. Buổi trưa thứ 4 hàng tuần, phòng hội trường tại Trung tâm chẩn đoán trước sinh chật kín sản phụ bị rubella và người nhà đợi được hội chẩn. Cả hội đồng hội chẩn (gồm nhiều bác sĩ thuộc các chuyên ngành khác nhau như chẩn đoán hình ảnh, di truyền, huyết học…) khi tư vấn mỗi thai phụ đều phải dựa vào dịch tễ học, dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm sinh hóa miễn dịch.

Tuy nhiên do thai phụ thường đến muộn, nên dù kết quả dương tính cũng không xác định được thời điểm mắc rubella và liệu vi-rút rubella lây nhiễm cho thai nhi có gây hậu quả thai bất thường hay không (làm ngưng sự phát triển của tế bào hoặc phá hủy chúng). Bác sĩ chỉ có thể tư vấn phá thai dựa vào tần suất mắc ở từng độ tuổi thai mắc rubella đã được công bố trên thế giới.

Cụ thể, nếu thai phụ nhiễm vi rút rubella trong 3 tháng đầu thì có tới 70-100% trẻ sinh ra bị hội chứng rubella bẩm sinh (mắc các bệnh tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc, điếc, chậm phát triển tâm thần và trí tuệ…). Còn nếu mẹ mắc rubella ở tuần 13 - 16, trẻ bị hội chứng rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%. Khi thai được 17 - 20 tuần thì tỉ lệ này là 5%. Riêng với tổn thương tim và mắt thì vi-rút gây ảnh hưởng mạnh nhất ở tháng thứ 2, sau giảm dần đến tháng thứ 6 mới hết nguy cơ. Còn với biến chứng gây điếc, có những người nhiễm bệnh ở tháng thứ 8, con vẫn bị điếc.

BS Tuấn cho biết, với những ca thai dưới 12 tuần tuổi xét nghiệm rubella cả hai chỉ số IgG và IgM đều +, có biểu hiện lâm sàng (sốt, phát ban), có nguồn lây hội đồng, chuyên môn chỉ định phá thai là đương nhiên vì nguy cơ thai sinh ra mắc hội chứng rubella là quá cao. Còn với những thai phụ đến muộn, chỉ có IgG +, IgM - thì các bác sĩ trong hội đồng chẩn đoán đều phải rất đau đầu khi đưa ra tư vấn. Chỉ số này chỉ thể hiện thai phụ đã từng bị rubella, chứ không xác định được trong thời điểm trước hay mang thai nên không thể xác định được nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi, cho dù tỉ lệ % nguy cơ nhiều hay ít. Đây cũng là nguyên nhân khiến số ca xin phá thai là rất cao, đến hơn một nửa số thai phụ xin phá thai.
 
“Rất nhiều trong số thai phụ, khi hội đồng mới chỉ đưa ra tư vấn, chưa ra chỉ định đình chỉ thai và khuyên nên theo dõi thêm nhưng gia đình đã xin đề nghị bỏ thai vì họ muốn tuyệt đối, con mình sinh ra không có nguy cơ dị tật. Với những trường hợp này, chúng tôi không duyệt đơn, tức khắc, họ sẽ nghĩ ra một cách khác như phá thai vì uống thuốc, vì kế hoạch hóa gia đình… và sẽ được chấp nhận vì phá thai dưới 22 tuần là hợp pháp ở Việt Nam, thai phụ có quyền phá thai khi thai nhỏ dưới 22 tuần…

Từ khi bùng phát dịch rubella ở sản phụ, không bác sĩ nào dám đứng ra tự quyết định mà phải đưa vào hội đồng chẩn đoán. Bởi lẽ việc giữ hay đình chỉ thai trong những trường hợp này rất khó khăn, là cả một vấn đề đau đầu vì đây là những tư vấn dựa vào xác suất. Trong y học, xác suất mấy chục % là rất cao, nhất là đây là nguy cơ mắc hội chứng rubella bẩm sinh, đứa trẻ sinh ra mắc một loạt các bệnh như tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, điếc, chậm phát triển trí tuệ, thực sự là một đứa trẻ tàn phế, chứ không đơn thuần chỉ là bị sứt môi, hở hàm ếch”, BS Tuấn chia sẻ.

Một bệnh nhân ở Hà Nội rất khó khăn mới có con sau nhiều lần thụ tinh ống nghiệm bị sốt phát ban khi thai chưa được 12 tuần thai. Thời điểm đó, tại bệnh viện chưa triển khai phương pháp chọc dịch ối chẩn đoán thai nhi nhiễm vi rút rubella bằng kỹ thuật PCR real - times nên bệnh nhân này được bác sĩ khuyên sang Singapore khám (do có phương pháp chọc ối), nhưng rồi bệnh nhân này cũng đã quay lại bệnh viện phụ sản xin đình chỉ thai nghén vì tại Sing, các bác sĩ cũng đưa ra chỉ định này.
 
Dù tư vấn là thế, chỉ định chặt là thế nhưng tại viện từ đầu năm cũng có 28 trẻ mắc hội chứng rubella được sinh ra, trong đó 4 trẻ tử vong ngay sau sinh. Những đứa trẻ này khi sinh ra mắc hội chứng rubella bẩm sinh bao gồm dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc, chậm phát triển tâm thần và vận động do tổn thương não. Những di chứng này sẽ theo các bé suốt cả cuộc đời, khiến các bé trở thành những người tàn tật, chậm phát triển trí tuệ…

Vì thế, số liệu lấy máu cuống rốn xét nghiệm không điển hình (trong số 103 ca phá thai (dựa vào tần suất mắc và thai phụ làm đơn xin phá) được lấy máu cuống rốn xét nghiệm thì chỉ có 17 thai nhi khẳng định bị lây nhiễm vi rút rubella từ mẹ, còn lại, 86 trường hợp có IgG + và IgM -. Nhưng không hẳn IgM âm là không bị rubella, vì trong 28 trẻ sinh ra mắc hội chứng này, thì xét nghiệm chỉ có 23/28 trẻ có cả hai chỉ số IgG và IgM dương tính, 5 trẻ còn lại rõ ràng mắc hội chứng này nhưng xét nghiệm chỉ có IgG +, còn IgM -.

Xác định chuẩn đến 95% thai nhi nhiễm Rubella
 
Trước tình cảnh có quá nhiều ca bệnh Rubella mà không thể xác định được nguy cơ em bé bị lây nhiễm rubella từ mẹ, từ cuối tháng 6/2011, bệnh viện phụ sản TƯ đưa vào ứng dụng phương pháp chọc dịch ối chẩn đoán thai nhi nhiễm vi rút rubella bằng kỹ thuật PCR real – times. Phương pháp này cho kết quả chính xác tới 95%, xem thai nhi có bị lây nhiễm rubella từ mẹ hay không để có quyết định đình chỉ thai đúng nhất. Hiện, giá thành của một lần làm xét nghiệm này là 1,5 triệu đồng.

“Trong 5 ca thai phụ nhiễm rubella được thí điểm sử dụng phương pháp này thì cả 5 ca bệnh này khi khám lâm sàng bác sĩ đều đưa ra tư vấn đình chỉ thai nghén. Sau chọc ối chẩn đoán thai nhi nhiễm vi rút rubella thì có 3 trường hợp dương tính, hai trường hợp có IgG +, IgM -”, TS Tuấn nói.

Đã qua giai đoạn thí điểm và hiện đang đưa vào triển khai mở rộng hơn, nhưng đến nay mới có thêm 40 trường hợp được xét nghiệm bằng phương pháp này. “Vì thời điểm chọc ối phải ở giai đoạn 5 - 7 tuần sau khi thai phụ có dấu hiệu phát ban mới có kết quả chẩn đoán chính xác thai nhi nhiễm rubella, nhưng rất khó khăn với các trường hợp không biết thời điểm mẹ mắc bệnh. Hoặc biết giai đoạn mắc bệnh, nhưng thai phụ không đủ can đảm chờ 5 tuần để chọc ối, nếu có vấn đề phải đình chỉ thì thai đã quá to. Thường những thai phụ hiếm muộn, khó có con mới đành chấp nhận 5% nguy cơ còn lại, còn những người đã từng có con thì không chấp nhận xác xuất này, họ sợ con mình rơi 5% còn lại, nên đến nay, tỉ lệ chấp nhận chọc ối cũng không cao.

Hồng Hải