Mày râu cũng... ung thư vú

Nói đến ung thư vú nhiều người nghĩ chỉ có ở phụ nữ, thực tế ở nam giới vẫn xảy ra và một khi đã phát hiện thì tỉ lệ tử vong ở nam lại cao hơn nữ

Theo TS-BS Huỳnh Quang Khánh, Trưởng đơn vị tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, bệnh ung thư vú (UTV) không phân biệt nam hay nữ. Có những trường hợp bệnh nhân nam đi khám bệnh khác như gan, phổi mới phát hiện UTV đã di căn đến các cơ quan này.

Tưởng chẩn đoán lầm

Tại các bệnh lớn như Chợ Rẫy, Ung Bướu TP HCM thời gian gần đây, mỗi năm phát hiện hàng chục trường hợp đàn ông mắc bệnh ung thư mà cứ nghĩ chỉ xảy ra ở phái đẹp. Hầu hết quý ông sốc nặng, cứ nghĩ bị chẩn đoán lầm sau khi có kết quả chẩn đoán là UTV.

Mới đây, ông L.M.N (53 tuổi, ở TP HCM) thấy trên ngực trái có một khối nhỏ như hạt đậu, không đau, nằm ở phía dưới quầng vú. Cho rằng chỉ là chuyện bình thường của cơ thể nên ông chủ quan không đi khám. Theo thời gian, khối u vùng ngực trái lớn dần, rồi gây đau, ông đến bệnh viện kiểm tra thì mới phát hiện bị UTV.

Tương tự, ông N.V.H (57 tuổi, ở miền Tây Nam Bộ) cũng hoài nghi khi nghe bác sĩ thông báo về bệnh trạng của ông. Trong khi tắm rửa, sờ thấy một cục u nổi cộm dưới vú nhưng chỉ nghĩ là bệnh xoàng ngoài da nên không chữa trị. Dần dần núm vú co rút và nổi hạch ở nách nên mới đi khám thì mới hay ông bị UTV. Người vợ cứ hỏi đi hỏi lại liệu có sự nhầm lẫn hay không vì không thể hiểu nổi tại sao chồng mình mắc phải căn bệnh này.

Mày râu cũng... ung thư vú - 1

Nam giới khi phát hiện bất thường cơ thể, nhất là ở vùng vú, nên đi khám để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời nếu là những bệnh hiếm. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Giới chuyên môn cho rằng lâu nay, khi nói đến UTV, nhiều người thường nghĩ rằng đó là căn bệnh của phụ nữ, còn nam giới hầu như miễn nhiễm. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm, UTV ở đàn ông là bệnh hiếm nhưng rất nguy hiểm, một khi nam đã bị thì nguy cơ tử vong cao hơn phụ nữ.

PGS-TS-BS Phạm Hùng Cường, Trưởng Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho biết y văn thống kê cứ trong 100 người bị UTV thì có 99 người là nữ, chỉ có 1 người là nam. Tuổi thường gặp mắc bệnh UTV ở nam là trên 40 tuổi, phổ biến nhất là từ 50 - 70 tuổi. Biểu hiện sớm của bệnh UTV là bệnh nhân thấy xuất hiện một cục cứng ở vùng vú, các hạch này không đau, có thể đỏ da…

Đa phần phát hiện muộn

Theo BS Phạm Hùng Cường, đối với nữ, khối u có kích thước 1 cm là mới ở giai đoạn sớm; còn ở nam, khối u có kích thước 1 cm là đã ở giai đoạn muộn. Bởi vì mô vú của nam rất nhỏ, khối u với kích thước này đã "ăn" gần như hết mô vú, có thể xâm lấn ra da hoặc thành ngực và các cơ quan khác.

TS-BS Phan Thị Hồng Đức, Bộ môn Ung bướu - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM, cho biết UTV ở nam giới là dạng ít gặp, chiếm gần 1% trong tất cả bệnh lý ở vú và gần 1% trong tất cả các loại ung thư ở nam. Bệnh lý này thường chẩn đoán trễ ở nam, do tần suất hiếm gặp cũng như do ít ai nghĩ nam giới cũng bị UTV nên đến khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn.

Gần như các bệnh nhân nam bị UTV đến khám và phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, hạch di căn rõ (giai đoạn 3), hoặc sớm nhất thì cũng giai đoạn 2 (chưa có hạch di căn).

Theo các bác sĩ, những yếu tố như di truyền, tiền sử gia đình, biến đổi gien, thay đổi estrogen quá mức, những bệnh lý tinh hoàn là các nguyên nhân gây nên bệnh UTV ở nam giới. Ngoài ra, yếu tố nguy cơ mạnh nhất gây UTV ở nam giới là hội chứng Klinefelter, đây là một căn bệnh hiếm gặp khi có thừa một nhiễm sắc thể X. Những người đàn ông này có nguy cơ UTV cao gấp 50 lần so với những người đàn ông mang kiểu gien bình thường. Hầu hết nam UTV giai đoạn sớm sẽ được phẫu thuật đoạn nhũ, nạo hạch.

TS-BS Huỳnh Quang Khánh cho rằng bệnh UTV không phân biệt nam hay nữ. Do vậy, khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường hoặc trong gia đình có người bị ung thư nói chung hay UTV thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Di căn qua cơ quan khác

Tại Việt Nam, tỉ lệ UTV ở nam giới ngày càng có xu hướng gia tăng. Giống như nữ giới, nam giới bị UTV sẽ thêm nguy cơ về nhiều loại bệnh ác tính khác. Một nghiên cứu trên 3.000 bệnh nhân nam UTV còn sống, có 12,5% phát triển loại ung thư thứ 2 như đường tiêu hóa, tụy, da, tuyến tiền liệt... Nam giới bị UTV thường phải đối mặt với tâm lý trầm cảm, lo âu, giảm khả năng sinh lý...

Theo Người lao động