Máu người trẻ có thể chặn lão hóa người già?
(Dân trí) - Bất tử, trẻ mãi không già và cải lão hoàn đồng là những khát vọng muôn đời của con người. Gần đây, ở nước Mỹ tiên tiến, một phương pháp được cổ xúy là truyền máu của người trẻ để chậm lão hóa người già.
Lão hóa là diễn biến tự nhiên
Lão hóa là quá trình thay đổi của con người theo thời gian, bao gồm những thay đổi về thể chất, tâm lý và xã hội. Những quá trình thay đổi của sự lão hóa thường chậm rãi khó nhận biết. Tiến sĩ Bernard Bernard, Phó GĐ Viện Lão hóa quốc gia Hoa Kỳ (US National Institute on Aging) cho rằng “Về bản chất, lão hóa là một quá trình tinh tế, yên tĩnh”.
Lão hóa cơ thể con người xảy ra ở nhiều cấp độ: (1) mức tế bào qua việc giảm số lần sao chép do các telomere bị rút ngắn; (2) mức các enzyme và hóc môn ảnh hưởng lên các quá trình chuyển hóa cơ thể, ví dụ các hóc môn sinh dục kích thích dậy thì, kinh nguyệt khi trẻ về già sẽ làm mãn kinh, da khô và loãng xương.., và (3) sự tích lũy dần các thương tổn do phơi nhiễm độc tố, tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời, thực phẩm có hại, khói thuốc gây tổn thương tế bào, mô, cơ quan và suy giảm khả năng duy tu, phục hồi.
Lão hóa cũng là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất với các bệnh lý của con người: trên thế giới mỗi ngày có đến 150.000 người chết, trong đó 2/3 vì các nguyên nhân liên quan đến tuổi tác.
Một số nguyên nhân gây lão hóa rất được lưu ý là: Sự tích lũy các thương tổn, đặc biệt do stress oxy hóa vào DNA, khiến các hệ thống sinh học hoạt động không hiệu quả; cơ chế lão hóa đã được lập trình, như sự methyl hóa DNA; và lão hóa qua trung gian các vòng luẩn quẩn (vicious cycle).
Những yếu tố ảnh hưởng quá trình lão hóa
Chuyên gia lão hóa thế giới thống nhất chia ra hai nhóm:
* Những yếu tố được lập trình (programmed factors)
Đây là các yếu tố quan trọng liên quan với hoạt động của nhiễm sắc thể và gen di truyền:
+ Độ dài của các telomere.
Giải Nobel sinh-y học 2009, được trao cho ba nhà khoa học người Mỹ là Elizabeth Blackburn, Carol W.Greider và Jack W.Szostak với công trình nghiên cứu về enzyme telomerase trong các bệnh ung thư và tuổi thọ.
+ Sự methyl hóa axit nhân (DNA methylation);
+ Gene FOXO3A, có tác dụng kéo dài tuổi thọ;
+ Protein mTOR (mammalian target of rapamycin) ảnh hưởng lên lão hóa qua chu trình sử dụng insulin (insulin signalling pathway)
+ Quá trình tự miễn dịch (autoimmunity) vốn tăng dần theo tuổi tác.
+ Yếu tố TGF-β (Transforming Growth Factor beta)….
* Những yếu tố thương tổn (damage-related factors)
Đây là những yếu tố gây ra các thương tổn mô tế bào tích lũy dần trong quá trình sinh sống:
+ Tổn thương nhân tế bào (DNA damage);
+ Sự bất ổn định gene di truyền (genetic instability);
+ Sự tích tụ chất thải.
+ Các gốc tự do gây stress oxy-hóa.
Làm thế nào ngăn ngừa và chậm lão hóa ?
* Lối sống lành mạnh
+ Ăn uống sức khỏe (healthy eating).
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, fastfood. Giảm đường ngọt, muối và chất béo. Ăn nhiều trái cây, rau, chất xơ và cá.
+ Bỏ hút thuốc lá. Ngoài cải thiện chức năng hô hấp, giảm bệnh tim mạch, nội tiết và nguy cơ phát triển ung thư, bỏ hút thuốc lá còn ngăn chặn stress oxy-hóa và làm chậm quá trình lão hóa.
+ Vận động, thể dục. Ngoài giảm nguy cơ các bệnh nội tiết và chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, vận động thể dục cũng giảm chậm lão hóa.
+ Ngủ đúng giờ, đủ giấc.
+ Giảm căng thẳng (stress). Giảm căng thẳng, giận dữ, trầm cảm có tác dụng tích cực để giảm chậm quá trình lão hóa.
* Thuốc, can thiệp y khoa làm chậm lão hóa
Resveratrol, polyphenol có nhiều trong rượu nho, có tác dụng như chất chống oxy-hóa, hạn chế năng lượng (caloric restriction mimetic) có tác dụng chậm lão hóa rõ ràng trên cả người và động vật.
Hai thuốc có tác dụng ngăn ngừa hay chậm lão hóa sinh học trên động vật nhưng chưa được chứng minh trên người là: metformin, rapamycin.
Nhà ung thư di truyền học Ronald A. DePinho và các cộng sự đã thí nghiệm phục hồi hoạt động của enzyme telomerase qua việc kích hoạt gen telomerase trên chuột. Kết quả là, chuột được trẻ hóa: tinh hoàn hoạt động bình thường, con vật lấy lại khả năng sinh sản. Các cơ quan khác như lá lách, gan, ruột và não, phục hồi từ trạng thái thoái hóa của chúng. Nhưng Ronald DePinho lưu ý: “Kích hoạt telomerase ở người có thể gây phát triển các khối ung thư”.
Tổng quan về truyền máu
* Tác dụng và chỉ định
Truyền máu là quá trình nhận máu hoặc các sản phẩm từ máu qua đường tĩnh mạch nhằm bù thế các thành phần của máu đã bị mất. Ngày trước, thường truyền máu toàn phần, y học hiện đại có chỉ định truyền khác nhau: (1) máu toàn phần trong các xuất huyết nặng; (2) hồng cầu khối trong các thiếu máu (hồng cầu) như suy thận mãn, thiếu máu thiếu sắt (iron deficiency anemia); (3) tiểu cầu trong sốt xuất huyết dengue, ung thư; (4) huyết tương hay các yếu tố đông máu trong suy gan nặng, rối loạn đông máu, ung thư..
* Nguy cơ và biến chứng
Truyền máu là động thái đưa chất ngoại lai trực tiếp vào máu, nên dù được chỉ định và thực hiện đúng quy trình, một số nguy cơ và biến chứng cũng vẫn có thể xảy ra:
+ Sốt: Thường không nghiêm trọng nếu chỉ sốt nhẹ, có khi kèm dấu hiệu khác như buồn nôn, đau ngực cần theo dõi kịp thời.
+ Dị ứng: Có thể xảy ra khi chọn nhóm máu thích hợp, thường là ngứa và nổi mề đay rồi tự hết.
+ Tan máu miễn dịch cấp tính: Biến chứng này rất hiếm, nhưng là một cấp cứu y tế. Phản ứng diễn ra trong hoặc ngay sau khi truyền máu, với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, buồn nôn, đau ở ngực, lưng. Nước tiểu sậm đen nâu.
+ Tan máu chậm: Xảy ra chậm, từ từ.
+ Sốc phản vệ: Xảy ra nhanh vài phút sau khi bắt đầu truyền máu và là một cấp cứu nặng, đe dọa tính mạng.
+ Chấn thương phổi cấp tính liên quan đến truyền máu (transfusion-related acute lung injury, TRALI).
+ Nhiễm trùng qua máu (blood borne infections): Nhiễm HIV; Viêm gan B, C; Nhiễm virus West Nile, Zika…
Máu người trẻ không thể chậm lão hóa cho người già
Sự vụ bắt đầu năm 2007, từ nghiên cứu của GS Tony Wyss-Coray và cộng sự, ĐH Stanford, Mỹ, về lão hóa và thoái hóa thần kinh. Cặp chuột, một già một trẻ, được phẫu thuật dính liền thân và con chuột trẻ nhận máu từ con già và ngược lại. Kết quả, số nơ-ron (tế bào thần kinh) trong vùng hãi mã (hippocampus) con già tăng lên và con trẻ giảm xuống. Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thiết rằng máu của chuột trẻ chứa một loạichất giải chống lại sự tàn phá của tuổi già. Bảy năm sau, 2014, GS Tony Wyss-Coray thử chuyền máu người trẻ để chữa Alzheimer cho người già nhưng không có kết quả gì.
Ngày 20/2/2019, Cục Quản lý Thực và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức cảnh báo liệu pháp truyền máu từ thanh niên không giúp cải thiện sức khỏe, chống lão hóa và trị bệnh Alzheimer như quảng cáo, thậm chí còn gây hại.
Thay lời kết
Lão hóa là một quá trình tự nhiên, không thể tránh bỏ, đã được “lập trình” của sự sống theo luật “sinh lão bệnh tử”. Benjamin Franklin đã viết: "Trong thế giới này, không có gì là chắc chắn, ngoại trừ cái chết và thuế, và cái không thể tránh khỏi: lão hóa”. Giáo sư Kenneth Minaker, Trưởng khoa lão Bệnh viện Massachusetts, Boston và Giáo sư Khoa Y ĐH Harvard, cho rằng: “Không nên nghĩ rằng lão hóa là một sự thất bại của các hệ thống cơ thể chúng ta. Lão hóa cũng là một quá trình cứu sống, là quá trình thích nghi suốt đời để ngăn chặn phát triển bệnh ung thư”. Các nghiên cứu của Giáo sư Becca Levy ĐH Y tế công cộng Yale, cũng cho rằng lão hóa có các yếu tố đã lập trình từ gen nhiễm sắc thể.
Nhưng, với quan điểm lão hóa là một bệnh, nhiều nhà nghiên cứu đang cố sức tìm ra nguyên nhân, thuốc, phương cách chữa trị và phòng ngừa, và truyền máu người trẻ để chống lão hóa là một ý tưởng đó. Theo y học hiện nay, chỉ định chuyền máu là nhằm thay thế hay bù lại các thành phần máu bị mất hay thiếu hụt. Máu có chứa cả ngàn chất sinh học khác nhau, từ những chất đơn giản đến đa năng, phức tạp…Dù khá nhiều chất đã được nhận dạng, nhưng cơ chế làm việc chức năng của chúng còn rất mơ hồ, chưa biết rõ.
Y học liên hệ đến sinh mạng con người, và là ngành khoa học chứng cứ (evidence based science), không thể suy luận rồi điều trị thử ngay trên con người. Cần tuân thủ chỉ dẫn của FDA: Vì không có cơ sở, nên không sử dụng liệu pháp truyền máu người trẻ để chống lão hóa cho người già.
TS.BS Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam