1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mất tai, biến dạng mặt… vì đắp thuốc nam

BV Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) vừa tiếp nhận bé Đ, bị mất tai vì đắp thuốc nam chữa bỏng. Trước đó, có trường hợp bị biến dạng mặt khi chữa bỏng bằng phương pháp này.

Bệnh nhân P bị biến dạng mặt do đắp thuốc nam chữa bỏng

  Bệnh nhân P bị biến dạng mặt do đắp thuốc nam chữa bỏng

 

Anh Nguyễn Văn Hùng - Bố bé N.V.Đ, 3 tuổi (Cầu Diễn, Hà Nội) - cho biết, khi vợ anh nướng mực, chai cồn đậy hờ để bên cạnh, cháu Đ chạy đến xem chẳng may đá văng chai cồn vào bếp đang nướng mực khiến vợ, con anh bị bỏng nặng. Ngay sau đó, vợ con anh đã được đưa đến cấp cứu tại BV Xanh Pôn (Hà Nội).

 

Điều trị tại bệnh viện được 2 ngày, thấy vợ con đau đớn mỗi khi thay băng, anh Hùng rất xót ruột. Anh nằng nặc xin bệnh viện cho vợ con anh ra viện dù sức khỏe bệnh nhân còn rất yếu, vết bỏng chưa khô da rất dễ nhiễm trùng. Anh nhất quyết đưa vợ ra viện và ký giấy cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm.

 

Sau đó, anh Hùng đưa cả vợ và con đến đắp thuốc tại nhà ông lang ở đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) trong 4 ngày. Ông lang còn bán thuốc cho anh đưa về bôi cho vợ và con ở nhà. Mỗi ngày tiền thuốc đắp hết 3 triệu đồng. Nhưng bôi và đắp thuốc đến 1 tháng, bệnh tình của cả hai càng trở nặng hơn.

 

Lo lắng, anh Hùng lại vội vàng đưa vợ con vào Bệnh viện Quân y103. Tại đây, các bác sĩ cho biết, vết bỏngcủa vợ anh đã nhiễm trùng, còn vết bỏng của con trai ở phần tai bị lở loét, cơ thể suy kiệt nên gia đình đã đưa cháu đến BV Việt Nam - Cu Ba. Bác sĩ cho biết, con trai anh phải cắt bỏ tai vì vết thương nhiễm trùng nặng quá, hoại tử "ăn" hết vào phần sụn tai.

 

 Các chuyên gia khuyến cáo, khi bị bỏng cần lập tức sơ cứu bằng cách làm giảm nhiệt độ bề mặt vết bỏng dưới vòi nước lạnh, sau đó đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa bỏng điều trị thay vì nhờ các thầy lang, vì họ thường không biết vết bỏng sâu đến mức độ nào.

 

Hơn nữa, họ thường chữa bệnh theo kinh nghiệm, dùng một bài thuốc cho tất cả các loại bỏng, nên việc điều trị chỉ có tính may rủi.

 

Người dân cũng không nên áp dụng các bài thuốc dân gian chữa bỏng như tưới nước mắm vào vết thương, bôi kem đánh răng... do lớp da bảo vệ bên ngoài các cơ quan nội tạng đã bị tổn thương khiến cơ thể bị mất nước, đồng thời vi khuẩn dễ xâm nhập.

 

Trước đó, bệnh nhân Vũ Thị P. 52 tuổi (Tuyên Quang) cũng đã nhập Viện Bỏng Quốc gia do tự đắp thuốc lá chữa bỏng. Bà bị bỏng lửa, diện tích khoảng 5% cơ thể ở vùng mặt, cổ, vai trái. Gia đình bệnh nhân cho vào Viện Bỏng quốc gia điều trị được 2 ngày thì xin về để tự chữa bằng thuốc lá của một thầy lang chữa bỏng ở gần nhà.

 

Sau một thời gian đắp lá, vết thương thành sẹo nhưng khuôn mặt lại bị biến dạng do vết sẹo ấy co kéo, mi dưới mắt trái kéo dài xuống gần miệng, cổ vẹo về bên trái, vẹo cả cột sống. Thậm chí, vết sẹo căng tới mức bà không cử động được hàm, không tự ăn uống được.

 

Bệnh nhân liên tục dùng thuốc đắp 2 tháng khiến ổ loét trên thân thể duy trì mãi, không khỏi hẳn. Gia đình đưa bà trở lại Khoa phẫu thuật tạo hình ở Viện Bỏng quốc gia điều trị. Tại đây, các bác sỹ đã điều trị tích cực và phẫu thuật ghép da cho bệnh nhân. Sau 2 tuần, bà đã khỏi hẳn và được xuất viện.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Gia Tiến - Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị biến chứng nặng nề vì dùng thuốc nam của thầy lang vườn để chữa bỏng. Hầu hết bệnh nhân bị bỏng nhẹ thường tìm đến các thầy lang để đắp thuốc nam, chỉ khi bị bỏng nặng hoặc bị biến chứng sau khi đắp thuốc nam họ mớiđược đưa đến viện.

 

Trong khi đó việc sơ cứu, xử lý, điều trị sai dễ dẫn đến những biến chứng vô cùng nặng và nguy hiểm. Nhiều trường hợp đắp thuốc nam chữa bỏng bị hoại tử, nhiễm trùng, nhiễm độc kéo dài mới được đưa đến viện. Các bác sĩ phải tiến hành cắt cụt chi, phẫu thuật ghép da mới cứu sống được bệnh nhân.

 

Theo Phương Thuận

Gia đình & Xã hội