Mất ngón tay vì cầm máu bằng dây chun

“Bé N.Q.A, ba tuổi rưỡi, ở Đội Cấn (Hà Nội) lúc vào viện có ngón trỏ của bàn tay trái sưng tấy, đốt xa của ngón đã bị hoại tử đen hoàn toàn”, BS Nguyễn Đình Minh (Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện đa khoa St Paul, Hà Nội) cho biết.

Theo lời kể của người nhà bé, cách đó 2 tuần, bé bị chảy máu do đứt ở đầu ngón tay. Theo kinh nghiệm, gia đình đã dùng dây chun quấy quanh ngón tay, ở vị trí ngay phía trên đầu ngón tay để cầm máu, sáng hôm sau, mới nhớ ra việc “giải phóng” cho ngón tay ấy.

 

Lúc đó, ngón tay đã ngả màu thâm đen và mất hoàn toàn cảm giác. Tuy nhiên, không ai đưa bé vào bệnh viện. 2 tuần sau, qua thăm khám, bác sĩ kết luận, ngón tay bé A. đã bị hoại tử khô do không có máu đến nuôi dưỡng.

 

Theo BS Minh, trong chiến tranh, cầm máu bằng buộc thắt (garot) phía trên đoạn chi bị thương là kỹ thuật được áp dụng phổ biến. Kỹ thuật này đơn giản, nhưng nếu không tháo bỏ băng thắt sau mỗi 45 phút, thì lập tức biến chứng hoại tử đoạn chi phía dưới sẽ xảy ra.

 

Do quá nguy hiểm, kỹ thuật này hiện hầu như không được sử dụng. Đối với tất cả các vết thương dù lớn hay nhỏ, cách cầm máu hiệu quả và an toàn nhất là dùng các vật liệu độn mềm (gạc, bông, khăn...) sạch ép trực tiếp vào vết thương (dùng tay ấn hoặc băng) để cầm máu rồi đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

 

Quá trình hoại tử thường diễn ra trong vài ngày, bắt đầu từ phần mềm rồi đến phần xương.  

 

Theo Thái Hà - Tú Anh

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm