Mất cân bằng y tế do người bệnh phải chi trả quá lớn

(Dân trí) - Theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, việc người dân phải tự trang trải quá nhiều chi phí y tế phản ánh một nền y tế rất mất cân bằng. Và hơn thế, nền y tế hiện nay đang thương mại hóa chăm sóc sức khỏe.

Bác sĩ cũng phải mưu sinh!

“Theo đó, tại Việt Nam, người dân vẫn phải bỏ tiền túi ra chi cho các chi phí y tế khoảng 46%. Nếu người dân phải tự trang trải dưới 50% chi phí cho y tế thì đó là một nền y tế rất mất cân bằng. Việc phải bỏ tiền túi quá lớn trang trải các chi phí y tế sẽ dẫn đến sự khác biệt lớn giữa các nhóm dân cư, cơ hội tiếp cận tài chính và dịch vụ y tế rất hạn chế đối với người nghèo”, GS Hùng bày tỏ quan điểm trên tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” do Bộ Y tế tổ chức ngày 8/1.

Cũng tại buổi tọa đàm, GS Hùng bày tỏ, việc kêu gọi cán bộ y tế thực hiện y đức, phải hy sinh vì công việc mà không quan tâm đến đời sống thì việc giáo dục đạo đức không hiệu quả, không phù hợp.

Nghề y là nghề đặc biệt, thời gian đào tạo lâu nhất 6 năm. Tuy nhiên chúng ta đã đối xử đặc biệt với nghề y hay chưa? Ví dụ, lương khởi điểm của bác sĩ cũng chỉ xếp tương đương với cử nhân, không có gì là đặc biệt. Trong khi đa số các nước tiên tiến trên thế giới xếp bậc lương bác sĩ thuộc loại cao nhất. Còn tại Việt Nam, của bác sĩ hiện rất thấp đứng thứ 17 trong số 18 nghề.

Thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Hô hấp (BV Bạch Mai). Ảnh: T.A
Thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Hô hấp (BV Bạch Mai). Ảnh: T.A

“Ngành y là ngành quá đặc thù, người thầy thuốc không những hy sinh mà còn mưu sinh. Vấn đề ở đây là giải quyết mối quan hệ giữa hy sinh và mưu sinh. Ban đầu nghề y không phải là một nghề kiếm sống, càng không thể là một nghề làm giàu. Ngày xưa y tế là phục vụ, đã là phục vụ là vô điều kiện. Thời chúng tôi làm gì nghĩ đến chuyện đòi tiền, chỉ biết làm, lệnh là đi. Nhưng ngày nay y tế là dịch vụ. Phục vụ khác dịch vụ ở chỗ nào, dịch vụ đòi hỏi điều kiện gì, đã là dịch vụ thì quan hệ trao đổi hàng hóa là thế nào", giáo sư Hùng chia sẻ. 

GS Hùng cũng cho rằng nền y tế của Việt Nam hiện nay đang thương mại hóa chăm sóc sức khỏe, chỉ phát triển công nghệ cao mà quên y tế dự phòng và y tế cơ sở; chỉ thích thu tiền bệnh nhân trả trực tiếp mà coi nhẹ BHYT. Vì vậy, việc khám chữa bệnh hiện nay còn coi trọng quá mức việc đáp ứng theo yêu cầu mà xem nhẹ theo nhu cầu.

Nhìn nhận về vấn đề y đức, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ y tế) cũng cho rằng đang là một vấn đề nổi cộm bên cạnh quá tải bệnh viện. Vẫn còn một số thầy thuốc có thái độ ứng xử, giao tiếp thiếu tính chuyên nghiệp, chưa coi người bệnh là khách hàng, là trung tâm, có thái độ ban ơn. Một số hiện tượng tiêu cực, vòi vĩnh, gợi ý, gây khó khăn để người bệnh phải cầu cạnh, nhờ vả và phải cảm ơn... Thậm chí có một số hiện tượng công khai gợi ý bồi dưỡng phong bì ngay cả trước khi thực hiện kỹ thuật cho người bệnh. Một số tiêu cực trên đã được phản ánh qua đường dây nóng của Bộ Y tế.

Quyết tâm giảm tải bệnh viện!

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 1.180 bệnh viện (BV), không kể các BV quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý. Hệ thống BV công lập của ngành y tế chiếm khoảng 87% được chia thành ba tuyến: Trung ương, tỉnh, huyện. Tổng số giường bệnh của toàn hệ thống BV là hơn 199 nghìn giường bệnh, tương ứng với 22,3 giường bệnh/1 vạn dân. Hệ thống bệnh viện tư nhân có 157 BV, hơn 30 nghìn phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn rất phổ biến, đặc biệt tại tuyến TƯ. Bộ Y tế đang từng bước thực hiện giảm tải bệnh viện với các đề án quan trọng được triển khai như: Đề án Giảm tải bệnh viện; Đề án bệnh viện vệ tinh cho 5 chuyên khoa ung bướu, tim mạch, hồi sức cấp cứu, chấn thương chỉnh hình, sản - nhi từng bước nâng cao năng lực chuyên môn tuyến dưới với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các bệnh viện hạt nhân cho 45 bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực cho bệnh viện tuyến tỉnh, giảm dần việc chuyển người bệnh về tuyến trung ương; thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình; triển khai hiệu quả Đề án 1816 theo hình thức chuyển giao gói dịch vụ y tế…

Nhìn nhận công tác khám chữa bệnh hiện nay có nhiều thách thức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết 5 bệnh viện tuyến cuối vừa được Chính phủ đầu tư 20.000 tỉ để xây dựng, khi đi vào hoạt động sẽ giảm tình trạng quá tải. Bởi quá tải bệnh viện chính là nguyên nhân dẫn tới giảm chất lượng dịch vụ khám chữa, chăm sóc người bệnh, tăng tỉ lệ tai biến, biến chứng, làm gia tăng chi phí điều trị. Bà Tiến cũng giãi bày, mỗi khi nói đến tăng viện phí dư luận đều phản đối quyết liệt nhưng nếu không đổi mới cơ chế tài chính sẽ khó thay đổi chất lượng khám chữa bệnh.

Hồng Hải