1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mất 3 lít máu vì thuốc giảm đau

(Dân trí) - Sau khi tiêm 3 mũi thuốc giảm đau cột sống và giãn dây chằng, ông Đ.V.T (83 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) có hiện tượng đau bụng lâm râm, rồi đau bụng dữ dội, tiếp đến đi ngoài ra máu đen liên tục khiến ông choáng váng vì mất máu.

BSCKII Vũ Đức Chung, Chủ nhiệm khoa tiêu hóa BV 354 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận ca cấp cứu trên hôm 7/8. Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa vì thuốc giảm đau. Khi bệnh nhân tới viện, tình trạng mất máu rất nặng, biểu hiện người bệnh hoa mắt, chóng mặt, da tái, đi không vững, huyết áp tụt và vẫn liên tiếp đi ngoài ra phân đen.
 
Ông T bị xuất huyết dạ dày sau khi tiêm 3 mũi giảm đau
 Ông T bị xuất huyết dạ dày sau khi tiêm 3 mũi giảm đau
 
Kết quả xét nghiệm các bác sĩ ước tính bệnh nhân bị chảy mất khoảng 2 - 3 lít máu. Nội soi dạ dày cho thấy, có nhiều máu đọng vào hành tá tràng, dạ dày có nhiều ổ loét chảy máu, đặc biệt có một ổ máu vẫn đang chảy mạnh. Ngay lập tức các bác sĩ đã phải tiêm thuốc cầm máu trực tiếp vào ổ loét qua nội soi cho bệnh nhân.

Ông T cho biết, sức khỏe ông vốn bình thường, chỉ bị giãn dây chằng và đau cột sống. Ông chữa bệnh này tại một bác sĩ châm cứu, do đau quá ông được bác sĩ tiêm 3 mũi thuốc giảm đau. Ngay sau tiêm, ông có biểu hiện đau tức bụng và đến đêm 7/8 thì bụng đau dữ dội và liên tục đi ngoài ra máu đen (15 - 30 phút/lần). Dù đau bụng, choáng nhưng ông gắng gượng đến sáng 7/8 mới ra Trung tâm y tế phường khám và được chuyển thẳng tới BV 354.

BSCKII Vũ Đức Chung cho biết, rất may bệnh nhân đến viện kịp thời nên dù mất nhiều máu nhưng không nguy kịch đến tính mạng. Hiện tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa đã giảm và bệnh nhân đang được theo dõi thêm 7 - 10 ngày là có thể cho xuất viện.

BSCKI Vũ Đức Chung cảnh báo, nhiều người dân nghĩ rằng các thuốc giảm đau đường tiêm không gây hại cho đường tiêu hóa là sai lầm. Tất cả các thuốc giảm đau nói chung đều gây ảnh hưởng mạnh tới đường tiêu hóa. Bởi thuốc ngấm vào máu và tác động trực tiếp đến tất cả các cơ quan trong cơ thể chứ không đơn giản là uống qua dạ dày thì mới bị.

“Vì vậy, cả những trường hợp được bác sĩ chỉ định như trường hợp của bệnh nhân nhân này cũng cần theo dõi chặt chẽ. Còn người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc giảm đau nhất là nhóm không steroid. Khi dùng thuốc nếu thấy bụng bụng có biểu hiện khó chịu thì nên đi khám vì thực tế có nhiều trường hợp mới có biểu hiện đau bụng nhẹ sau dùng thuốc nội soi đã có xung huyết, viêm loét cấp tính dạ dày - tá tràng, thậm chí xuất huyết chảy máu tiêu hóa”, BSCKI Vũ Đức Chung cảnh báo.

Tú Anh