1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mang thai hộ - trẻ sinh ra là người chịu hậu quả nhiều nhất

(Dân trí) - Không phủ nhận tính nhân văn của đề xuất cho phép mang thai hộ nhưng các đại biểu Quốc hội vẫn nghi ngại những chuyện phát sinh. Nhiếu ý kiến cảnh báo, người chịu ảnh hưởng, hậu quả pháp lý, xã hội nhiều nhất chính là đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ.

Chiều 27/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Hôn nhân & Gia đình sửa đổi. Đây là lần thảo luận cho ý kiến sau cùng trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự luật trong kỳ họp thứ 7 này.

Đi vào đề xuất cho phép mang thai hộ, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhận định, thực tiễn trong xã hội, nhiều cặp vợ chồng không có khả năng sinh con và mong muốn quyền được làm cha mẹ. Mặc dù hiện nay ở Việt Nam đã có một số cơ sở y tế có thể thực hiện được kỹ thuật hỗ trợ sinh sản này nhưng vì chưa có quy định cho phép, điều chỉnh nên chưa ca can thiệp, điều trị nào thực hiện được.

Ủng hộ đề xuất này nhưng đại biểu cũng đề nghị xem xét quy định chặt chẽ để tránh việc lợi dụng, thương mại hóa hoạt động mang thai hộ.
 
 
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi ủng hộ quan điểm cho phép mang thai hộ.
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi ủng hộ quan điểm cho phép mang thai hộ.

Đại biểu Đặng Chị Kim Chi (Phú Yên) kể chuyện, bà quen biết hai người phụ nữ, vì lý do sức khỏe không thể tự mang thai, đã tiến hành thụ tinh nhân tạo. Dù biện pháp thụ tinh nhân tạo ban đầu đã thành công, có phôi, có chị em sẵn sàng mang thai hộ nhưng luật chưa cho phép nên chưa làm được.

Sau đó, một gia đình đã quyết tâm “vượt rào”, qua một đường dây ngầm để nhờ người mang thai hộ và kết quả đã có được đứa con của mình. Gia đình kia thì vì sợ những phức tạp và vấn đề nảy sinh từ đường dây ngầm mà không dám, đến giờ vẫn chưa có con.

“Nếu luật có quy định thì những người phụ nữ như thế sẽ có cơ hội làm mẹ, có giọt máu của chính mình”, nữ đại biểu nhấn mạnh về tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của quy định được cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) đưa ra trong dự thảo luật.

Bà Chi cũng phân tích thêm về giới hạn phạm vi quy định, người được nhờ mang thai hộ, phải là người thân thích cùng hàng với bên vợ hoặc chồng người nhờ mang thai hộ mà dự thảo luật đưa ra. Lý do quy định như vậy là để hạn chế chính sách mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Tuy nhiên, nữ đại biểu lập luận, những cặp vợ chồng không có những người thân thích như quy định của luật sẽ không có cơ hội dù có bạn thân sẵn sàng mang thai hộ. Bà Chi mạnh dạn kiến nghị mở rộng quy định, miễn sao đảm bảo các điều kiện để không thương mại hóa hoạt động này. Còn với cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu cho rằng nên coi đây là một quan hệ dân sự mà nhà nước tôn trọng sự thỏa thuận giữa hai bên.

Đề cập con số thống kê về tỉ lệ vô sinh ở Việt Nam đang ở mức đáng báo động (8%), đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình) đánh giá cao giá trị quy định cho phép mang thai hộ mang lại. Đại biểu cũng phân tích, người thân thích có quan hệ huyết thống trong 3 đời thì phần nào sẽ tránh được những toan tính, trục lợi lẫn nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, hiếm cặp vợ chồng nhờ được người thân thích mang thai hộ mà tránh được những phức tạp về tâm lý cho cả hai bên.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) lại rất băn khoăn, cảnh báo, dự thảo luật mới đặt vấn đề từ mong muốn chủ quan của những cặp vợ chồng khát khao làm cha mẹ trên cơ sở huyết thống. Tuy nhiên, thực tế việc này sẽ làm nảy sinh vấn đề về huyết thống khác cần giải quyết giữa cha mẹ thật với người mẹ mang nặng đẻ đau ra đứa trẻ.

Và người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, chịu hậu quả pháp lý và xã hội, một cách hoàn toàn thụ động, chính là đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ.

Bà Hạnh đặt câu hỏi: “Đứa trẻ sinh ra sẽ sống như thế nào trong mối quan hệ máu mủ phức tạp như thế? Cháu bé không thể gọi người mang thai, sinh ra mình là người mang thai hộ mà phải gọi là mẹ? Như vậy trong hồ sơ pháp lý cá nhân, phần khai về người mẹ có nội dung mẹ ruột, mẹ nuôi và thêm “mẹ mang thai hộ”? Tôi cho rằng điều này rất khó xử lý và suy cho cùng là không mang lại ý nghĩa tích cực, ít nhất là trong tình hình kinh tế xã hội như hiện nay”.

Nữ đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ, thậm chí tạm gác quy định này.
 
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn cho rằng thực tế chưa rõ yêu cầu bức xúc của nhu cầu mang thai hộ.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn cho rằng thực tế chưa rõ yêu cầu bức xúc của nhu cầu mang thai hộ.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cũng lắc đầu dù đánh giá, đây là ý tưởng rất nhân văn, nhưng ý tưởng và hiện thực, điều kiện ban hành một điều luật, không phải lúc nào cũng gặp nhau.

Ông Niễn cho rằng chưa cần thiết có quy định về việc mang thai hộ vì trước hết, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm ở VN đã rất tiến bộ, có thể giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có con, trường hợp vô sinh do người phụ nữ không thể mang thai, sinh nở rất hãn hữu.

Vì thế, theo ông Niễn tính bức xúc của vấn đề chưa rõ. Ngoài ra, tính khả thi của quy định đại biểu cũng cho rằng không cao. Đại biểu yêu cầu làm rõ nghiên cứu, thống kê xem có bao nhiêu trường hợp trong số 8% người vô sinh có nhu cầu nhờ mang thai hộ, bao nhiêu người cần pháp luật can thiệp, bao nhiêu người chồng đồng ý cho vợ mình mang thai, sinh con hộ vợ chồng người khác.

Chốt lại nội dung thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị xin ý kiến đại biểu bằng phiếu trước khi đưa ra Quốc hội biểu quyết thông qua luật.

P.Thảo