Mạng lưới điều trị đột quỵ những “lỗ hổng”… chết người
(Dân trí) - Người bị đột quỵ cần phải hỏa tốc cấp cứu để tận dụng thời gian vàng. Tuy nhiên trình độ chẩn đoán đột quỵ của bác sĩ tuyến dưới còn hạn chế, mạng lưới các đơn vị đột quỵ phân bố bất hợp lý khiến bệnh đột quỵ “gieo rắc” thảm họa cho người bệnh.
Đột quỵ bệnh để lại gánh nặng cho xã hội
Mỗi tế bào não như một con chíp điện tử để điều khiển hoạt động của cơ thể, nếu tình trạng đột quị xảy ra mà không được can thiệp kịp thời thì khoảng hơn 3 giờ sau tế bào não đã bị hoại tử, không còn khả năng hồi phục.
Bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá… là những yếu tố chính dẫn tới bệnh đột quỵ. Tuy nhiên, người dân đang “bỏ ngoài tai” những tác hại trên, thống kê về việc Việt Nam tốn 3,5 tỷ USD để uống bia mỗi năm vừa được công bố khiến không ít nhà chuyên môn ngành thần kinh học phải sợ hãi. “Cứ “nốc” mãi bia vào làm sao tránh được tình trạng xơ vữa mạch, tăng lipid máu, dư mỡ…”
Theo PGS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó chủ nhiệm bộ môn Nội, Đại học Y - Dược TPHCM: “Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong, trong đó 88% là do tình trạng mạch máu bị nghẹt khiến máu không đủ cung cấp để nuôi mô não, bệnh lý xuất huyết do dị dạng mạch máu não gây vỡ mạch máu dẫn tới tình trạng xuất huyết não. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao nhất so với các bệnh lý khác. Nếu bệnh nhân may mắn qua được nguy kịch thì bệnh đột quỵ cũng khiến họ rơi vào tình trạng tàn phế với mức độ khủng khiếp hơn nhiều so với suy tim, bệnh lý mạch vành, đái tháo đường, viêm khớp… Hậu đột quỵ ở bệnh nhân sẽ gây ra gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
GS.TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam chỉ ra: “Trung bình mỗi năm trên cả nước có hơn 200.000 người bị tai biến, trong đó số tử vong chiếm tới gần 200.000 người, bệnh nhân sống sót khoảng 40.000. Đây là gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội”.
Nhiều rào cản trong việc cứu chữa người đột quỵ
Ở các nước phát triển bệnh nhân đột quỵ được hỗ trợ rất tích cực nếu người bệnh cách bệnh viện dưới 75km sẽ được chuyển bằng xe cứu thương, trên 75km sẽ được chuyển bằng máy bay giúp người bệnh tận dụng được thời gian vàng sau khi xảy ra đột quỵ. Tuy nhiên, điều kiện giao thông tại Việt Nam đang là rào cản lớn cho việc cấp cứu người bệnh đột quỵ và bệnh nhân nói chung, tình trạng tắc đường kèm theo ý thức tham gia giao thông “nhiều người nghe tiếng hú của xe cứu thương nhưng không nhường đường” (PGS.TS.BS. Trần Diệp Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y - Dược) giao thông ùn tắc khiến bệnh nhân mất đi thời gian vàng trước khi đến bệnh viện.
Cuối tháng 4 năm 2013 sự kiện ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch tỉnh Cần Thơ, bị đột quỵ đã gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh này. Ông Sơn may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ được chẩn đoán sớm và được “đặc cách” chuyển thẳng lên bệnh viện Chợ Rẫy bằng máy bay. Ông Sơn nhập viện trong tình trạng đứt động mạch não, những nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ đã đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về. Câu chuyện của ông Chủ tịch tỉnh Cần Thơ khiến nhiều gia đình có bệnh nhân đột quỵ phải thèm khát bởi giá như thân nhân của họ cũng được chuyển bằng trực thăng cũng được điều trị tích cực thì đâu đến nỗi.
Các bác sĩ chuyên ngành về thân kinh ở tuyến tỉnh vừa thiếu lại vừa yếu cả về năng lực lẫn trang thiết bị nên việc chẩn đoán đột quỵ hiện rất khó khăn. Từ 2005 Việt Nam đã thành lập được 16 đơn vị đột quỵ theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng theo ý kiến của các chuyên gia còn nhiều vấn đề bất hợp lý bởi 16 đơn vị phân bố chủ yếu ở TPHCM và Hà Nội. Ở cả khu vực rộng lớn của Đồng băng Sông Cửu Long mới chỉ có 1 đơn vị tại bệnh viện Tiền Giang còn các bệnh viện lớn khác như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang chưa thành lập được. Khu vực phía Bắc đơn vị đột quỵ cũng tập trung chủ yếu tại Hà Nội.
GS.TS Lê Văn Thành phân tích: “Người bệnh đột quỵ cần được chăm sóc tích cực về mặt chuyên môn 24/24 theo quy trình nhất định về chuyên môm. Nếu người bệnh được điều trị trong các đơn vị đột quỵ sẽ giảm được nguy cơ tử vong, giảm tỷ lệ tàn tật. Việc chẩn đoán chậm trễ khiến người bệnh rơi vào tình trạng nặng hơn thế nữa hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh không có đơn vị điều trị đột quỵ bệnh nhân buộc phải chuyển lên tuyến trên. Chính thời gian chuyển bệnh đã khiến tình trạng bệnh nặng hơn gây khó khăn cho việc cứu chữa.”
Việt Nam hiện có 78 bệnh viện đủ khả năng để lập đơn vị đột quỵ nhưng mới chỉ có 38 bệnh viện có bác sĩ thần kinh. Việc thành lập đơn vị đột quỵ chưa được thể chế hóa nên mạnh ai nấy làm. Bệnh nhân đột quỵ ở tuyến tỉnh vẫn phải chuyển lên tuyến trên nên đa số ca tử vong và thương tật vĩnh viễn họ đều phải gánh chịu.
Để hỗ trợ các bác sĩ trong nước nâng cao trình độ chuyên môn từ ngày 25 đến ngày 28/3/2014 tại Đà Nẵng sẽ diễn ra Hội nghị can thiệp thần kinh Á – Úc lần thứ 11 AAFITN 2014. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này. Dự kiến, Hội nghị sẽ thu hút gần 200 giáo sư, chuyên gia đầu ngành đến từ các nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Thụy Sỹ cũng như từ các nước châu Á - Úc.
Hội nghị sẽ xoay quanh các chuyên đề: Những phương pháp mới trong chẩn đoán điều trị đột quỵ bằng phương pháp can thiệp lòng mạch; các bệnh lý mạch máu của hệ thần kinh bao gồm cả não bộ và tủy sống như: dị dạng mạch máu não; hẹp mạch máu não; dị dạng mạch máu tủy; điều trị đau cột sống không phẫu thuật… Các bác sĩ trên toàn quốc quan tâm đến sự kiện có thể truy cập Website: wwwaafitn2014.com hoặc liên hệ qua email của ban tổ chức info@aafitn2014.com để đăng ký tham dự. |
Vân Sơn