1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lưu trữ tế bào gốc - “để dành” sức khỏe cho tương lai

(Dân trí) - “Khi em bé sinh ra, được lưu trữ tế bào gốc từ máu dây rốn, 20-30 năm sau, thậm chí lâu hơn nếu không may bị bệnh, việc điều trị cho em bé khi trưởng thành bằng chính tế bào gốc tự thân thì sẽ phù hợp và hiệu quả nhất”.

Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ khi trao đổi với phóng viên Dân trí, bên lề Hội thảo “Nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong y học” lần đầu tiên được Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội.

“Của để dành” cho tương lai

“Quả thực, khi chúng ta gửi tế bào gốc từ máu dây rốn của con, hay gửi tế bào gốc của chính mình vào ngân hàng lưu trữ, không ai trong chúng ta mong muốn phải sử dụng nó nhưng không ai có thể nói trước được gì về sức khỏe. Nếu không may sau này mắc bệnh, chính nguồn tế bào gốc tự thân đó sẽ là cứu cánh, là phương pháp điều trị tuyệt vời, hiệu quả nhất cho mỗi người”, ông Trí nhấn mạnh.

Vì tế bào gốc là những tế bào có khả năng biệt hóa thành những tế bào khác nhau trong cơ thể. Mỗi khi một mô nào đó của cơ thể bị thương, bị mất đi do già hóa hoặc chết tự nhiên… thì tế bào gốc sẽ lập tức “sửa chữa”, thay thế cho các tế bào này. Hiện nay ở Việt Nam, tế bào gốc đã được ứng dụng ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh, giúp điều trị hiệu quả một số bệnh lý trong nhiều lĩnh vực như bệnh lý giác mạc, bệnh tim, bỏng, huyết học….

Như trong lĩnh vực huyết học, từ năm 1995 đến nay, Trung tâm truyền máu - huyết học TPHCM (nay là Bệnh viện truyền máu và huyết học TPHCM), Viện Huyết học và truyền máu TƯ, Trung tâm huyết học – truyền máu, Bệnh viện TƯ Huế, Khoa  huyết học - truyền máu, Bệnh viện TƯ Quân đội 108, đều đã triển khai các nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong lĩnh vực huyết học. Còn trong bệnh lý về da liễu, năm 2004, Viện Bỏng quốc gia đã chế tạo được tấm  nguyên bào sợi nuôi cấy từ trung bì da, ứng dụng điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân có vết thương mãn tính: tiểu đường, bỏng chậm liền, tai nạn… Từ năm 2006 đến nay, việc ghép nguyên bào sợi cho bệnh nhân đã trở thành thường quy, mỗi năm tại Viện ghép cho 150 bệnh nhân bỏng và 300 bệnh nhân mãn tính.

Còn trong lĩnh vực điều trị bệnh lý giác mạc, Bệnh viện mắt TPHCM và Bệnh viện mắt TƯ đã bước đầu ứng dụng thành công việc cấy ghép tế bào gốc để điều trị bệnh lý giác mạc. Trong lĩnh vực tim mạch, Viện tim mạch quốc gia đã bước đầu điều trịbằng tế bào gốc thành công cho 6 trường hợp bệnh lý tim mạch.

Cần tập trung quy mô các trung tâm lưu trữ tế bào gốc

“Hiện nhiều bệnh viện, trung tâm trong cả nước cùng tham gia nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc, nhưng vẫn theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm. Bệnh viện nào có điều kiện đều tiến hành nghiên cứu, ứng dụng điều trị tế bào gốc  từ A-Z, tức là từ sản xuất, biệt hóa đến ứng dụng. Vì vậy, đến nay số lượng bệnh nhân ghép tế bào gốc chưa nhiều”, PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương nhận định.

Vì khi việc cấy ghép tế bào gốc được thực hiện giữa người cho và người nhận không cùng huyết thống, đặc biệt nếu không cùng chủng tộc, thì việc tìm kiếm các mẫu tế bào gốc phù hợp là rất khó khăn. Theo nghiên cứu, trong khoảng 10.000 mẫu tế bào gốc thì chỉ có 4 mẫu phù hợp, có thể ghép cho người có nhu cầu. Vì vậy, nguồn tế bào gốc phải rất phong phú và phải được tập trung tại những ngân hàng quy mô để có nguồn cung tế bào gốc phù hợp khi có bệnh nhân muốn ghép.

Để đạt được điều này, theo ông Trí cần tập trung hóa các trung tâm sản xuất tế bào gốc. Theo đó, cả nước chỉ cần khoảng 3 - 4 trung tâm sản xuất (Hà Nội 1 trung tâm, TPHCM có 1-2 trung tâm và Huế một trung tâm) tế bào gốc hoàn chỉnh để cung cấp cho tất cả các viện, bệnh viện.

Còn ở thời điểm này, Việt nam đã có 2 cơ sở có khả năng thu thập, xử lý và bảo quản dài hạn các tế bào gốc từ máu dây rốn là Bệnh viện Truyền máu, huyết học TPHCM và Ngân hàng tế bào gốc MekoStem (cả 2 đều ở TPHCM).

Để tiếp tục ứng dụng tế bào gốc trong y học, Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, đến giữa tháng 7/2010, Bộ Y tế sẽ hoàn tất việc xây dựng Đề án nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong y tế tại VN giai đoạn từ nay đến năm 2015 (hoặc năm 2020), có góp ý của chuyên gia nước ngoài. Sau đó, tiếp tục hoàn thiện các hành lang pháp lý, đồng thời phát triển nghiên cứu những kỹ thuật mà Việt Nam đang triển khai, sẽ đi sâu vào hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực theo ê kíp tại nước ngoài về mọi lĩnh vực trong nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc… Tuy nhiên cái khó khăn hiện nay là nguồn tế bào gốc để điều trị cho người bệnh. Vì thế, Bộ Y tế cũng sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc hiến tặng, lưu giữ tế bào gốc tại các ngân hàng.

Hồng Hải