Lương tăng, viện phí tiếp tục tăng

(Dân trí) - Theo lộ trình từ nay đến cuối năm 2019 giá viện phí sẽ được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới 1.490.000 (từ 1/7/2019) và sẽ tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế. Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.

Tại Hội nghị Câu lạc bộ giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc diễn ra ngày 7/6, Bộ trưởng Y tế cho biết, việc đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng tính đủ sẽ giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng các bệnh viện, huy động xã hội hoá để người dân có thêm lựa chọn.

Theo lộ trình từ nay đến cuối năm 2019 giá viện phí sẽ được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới 1.490.000 (1/7/2019) và sẽ tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế. Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.

Lương tăng, viện phí tiếp tục tăng - 1

Tại Bệnh viện Bạch Mai luôn cập nhật nhiều kỹ thuật hiện đại cuả thế giới, như việc mổ nội soi lồng ngực một đường rạch lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam là do các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai thực hiện với sự hỗ trợ của "cha đẻ" phương pháp này là một giáo sư người Mỹ.

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bệnh viện Bạch Mai là 1 trong 4 bệnh viện thí điểm tự chủ tài chính hoàn toàn và ông tin tưởng rằng, việc tự chủ tài chính sẽ giúp bệnh viện tự chủ hơn trong việc phát triển kỹ thuật cao, đầu tư máy móc thiết yếu, tăng thêm nhân lực để chủ động cứu chữa người bệnh.

Về vấn đề tự chủ tài chính, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai chia sẻ thêm, việc thực hiện giao quyền tự chủ và chính sách xã hội hóa ngành y đã giúp cho Bệnh viện Bạch Mai phát triển, mở rộng các dịch vụ kỹ thuật hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần giúp bệnh nhân được khám chữa bệnh với chất lượng cao.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, việc tự chủ tài chính toàn phần tại bệnh viện Bạch Mai đã giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước hàng nghìn tỉ để trả lương cho cán bộ.
Bệnh viện Bạch Mai cũng đã giao theo dõi thu chi cho 43 đơn vị trong bệnh viện, đồng thời áp dụng hệ thống quản lý bệnh viện để quản lý toàn bộ các hoạt động này. Bên cạnh đó việc nâng cao chất lượng bệnh viện cũng được chú trọng để giảm các thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.
Trước những lo ngại về việc bệnh viện tự chủ sẽ "tự tung, tự tác", lạm dụng xét nghiệm, kê đơn,  Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định sẽ kiểm soát được tình trạng này. Bởi theo quy định trong ban điều hành thí điểm tự chủ có thành viên của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn chịu sự ràng buộc của các quy chế kê đơn, sử dụng thuốc an toàn hợp lý…
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh cũng khẳng định, bệnh viện dù tự chủ nhưng cũng hiểu được trách nhiệm của ngành và của bệnh viện đối với người dân.
"Vì thế, trong việc thực hiện tự chủ, mức viện phí với bệnh nhân bảo hiểm y tế giá viện phi sẽ không thay đổi, còn giá theo yêu cầu có thể điều chỉnh tăng 10-15% với một số dịch vụ nhưng chắc chắn vẫn nằm trong khung giá được Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định”, PGS Quốc Anh nói.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng khẳng định: "Khi tự chủ tài chính toàn diện thì tất cả các yêu cầu chuyên môn vẫn duy trì nên yên tâm là không phải ông giám đó hay bác sĩ làm gì thì làm không ai kiểm soát. Ưu điểm nhất của tự chủ toàn diện là người đứng đầu bệnh viện hoàn toàn tự quyết về nhân lực, đầu tư, mua sắm. Điều này cho phép thu hút bác sĩ giỏi, phát triển nhiều kỹ thuật, là cuộc ganh đua về chất lượng bệnh viện, chất lượng điều trị và người hưởng lợi là người bệnh", Thứ trưởng Tiến nói.

Theo Thứ trưởng Tiến, việc tự chiụ, bệnh viện được quyền tự quyết sẽ giúp giảm nhiều thủ tục. Ví dụ trước đây, bệnh viện muốn tiêu tiền của chính bệnh viện để xây dụng nâng cấp khoa phòng cũng phải xin phép Bộ Y tế, quá trình này dù hai bên cùng nỗ lực nhưng đều phải trải qua thời gian chờ đợi vì liên quan đến các cấp vụ, cục rồi mới đến lãnh đạo ký duyệt. Đôi khi xong xuôi thủ tục thì đúng dịp lãnh đạo đi công tác, họp hành... khiến thời gian chờ đợi bị kéo dài.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm