1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lực lượng được xem là "người hùng thầm lặng" trong các ca ghép tạng

Minh Nhật

(Dân trí) - Ở Việt Nam có 29 cơ sở thực hiện ghép mô tạng. Chúng ta đã thực hiện được hơn 8.000 ca ghép tạng. Đằng sau những thành quả này là sự đóng góp lớn của các điều dưỡng.

Người hùng thầm lặng trong ghép tạng

"Điều dưỡng là những người hùng thầm lặng trong các ca ghép tạng", đây là điều được PGS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ nhiệm Bộ môn Điều dưỡng, Học viện Quân y nhấn mạnh, khi chia sẻ về vai trò của điều dưỡng trong lĩnh vực ghép tạng, tại "Hội nghị khoa học Điều dưỡng Bệnh viện Quân y 103". 

Hội nghị diễn ra vào sáng 24/10 tại Bệnh viện Quân y 103.

Theo PGS Tuấn, ở Việt Nam có 29 cơ sở thực hiện ghép mô tạng. Chúng ta đã thực hiện được hơn 8.000 ca ghép tạng.

Lực lượng được xem là người hùng thầm lặng trong các ca ghép tạng - 1

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ nhiệm Bộ môn Điều dưỡng, Học viện Quân y (Ảnh: Minh Nhật).

Tất cả thành quả này đều có sự góp sức của lực lượng điều dưỡng. Trên thực tế, vai trò của các điều dưỡng cực kỳ quan trọng.

"Các điều dưỡng chăm sóc người bệnh trong toàn bộ quá trình, từ khi vào viện cho đến khi ra viện. Kể cả trước, trong và sau phẫu thuật, công tác điều dưỡng đều đóng vai trò rất quan trọng", PGS Tuấn phân tích.

Theo chuyên gia này, bất kỳ phẫu thuật nào nếu muốn thành công phải chú trọng khâu chăm sóc tiền phẫu và hậu phẫu trước.

Với vai trò lớn, theo PGS Tuấn, để phát triển lĩnh vực ghép tạng, công tác đào tạo nâng cao chuyên môn cho điều dưỡng là rất quan trọng.

Đối với ghép tạng, ngoài các kiến thức chung, điều dưỡng phải có kiến thức cơ bản về các thuốc dùng trong ghép, phải được đào tạo về nhiệm vụ và chức trách trong công tác ghép, từ tiếp nhận người bệnh, chuẩn bị trước ghép đến chăm sóc sau ghép.

Vai trò của điều dưỡng có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và thậm chí xuyên suốt cuộc đời người bệnh.

"Người ghép tạng có yêu cầu chăm sóc rất cao. Do đó, người điều dưỡng trong công tác ghép tạng phải linh hoạt, nhanh nhạy, can thiệp kịp thời, túc trực thường xuyên, chăm sóc tích cực và hết lòng vì người bệnh", PGS Tuấn phân tích.

Điều dưỡng là xương sống của hệ thống chăm sóc sức khỏe

Hội nghị khoa học Điều dưỡng Bệnh viện Quân y 103 là hoạt động hướng tới chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1944), 34 năm ngày thành lập Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam (26/10/1990) và 74 năm ngày thành lập Bệnh viện Quân y 103 (20/12/1950).

Theo PGS.TS Lương Công Thức, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, điều dưỡng trong bệnh viện giống như xương sống của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Họ không chỉ là người chăm sóc hàng ngày, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu khoa học, để cải tiến và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân.

Lực lượng được xem là người hùng thầm lặng trong các ca ghép tạng - 2

PGS.TS Lương Công Thức, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 (Ảnh: Minh Nhật).

Thông qua các nghiên cứu, điều dưỡng có thể tìm ra những phương pháp mới, hiệu quả hơn trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Chất lượng chăm sóc bệnh nhân không ngừng được nâng cao nhờ vào những phát hiện và ứng dụng từ các nghiên cứu này.

Theo GS.TS Trần Viết Tiến, Phó giám đốc Học viện Quân y, điều dưỡng không chỉ đảm nhiệm vai trò chăm sóc hàng ngày mà còn là những người tiên phong trong hoạt động nghiên cứu khoa học, nhờ đó tiến hành cải tiến chất lượng chăm sóc sức khỏe, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Lực lượng được xem là người hùng thầm lặng trong các ca ghép tạng - 3

GS.TS Trần Viết Tiến, Phó giám đốc Học viện Quân y (Ảnh: Minh Nhật).

Vai trò của điều dưỡng trong nghiên cứu khoa học thể hiện ở một số khía cạnh như:

- Thu thập và phân tích dữ liệu: Điều dưỡng thường xuyên tiếp xúc và thu thập dữ liệu từ bệnh nhân. Những thông tin này là nguồn tư liệu quý giá để phân tích và đưa ra các phát hiện mới.

- Đề xuất các nghiên cứu mới: Với kinh nghiệm thực tiễn trong chăm sóc, điều dưỡng có thể nhận diện các vấn đề cần cải tiến và đề xuất các hướng nghiên cứu mới nhằm tìm ra giải pháp tối ưu.

- Thực hiện các thử nghiệm lâm sàng: Điều dưỡng tham gia và giám sát các thử nghiệm lâm sàng, đảm bảo quy trình được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn và mang lại kết quả chính xác.

- Chuyển giao và áp dụng kết quả nghiên cứu: Điều dưỡng có vai trò quan trọng trong việc áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, đảm bảo rằng những cải tiến này được triển khai một cách hiệu quả nhất.

- Đào tạo và hướng dẫn: Chia sẻ và truyền đạt kiến thức từ các nghiên cứu cho đồng nghiệp, giúp nâng cao trình độ chuyên môn của toàn bộ đội ngũ điều dưỡng.

Giải bài toán gánh nặng y tế của đái tháo đường

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày báo cáo khoa học, tập trung vào các nội dung liên quan can thiệp chăm sóc điều dưỡng, cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Chia sẻ tại hội nghị, GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cảnh báo về tình trạng đái tháo đường ở Việt Nam.

Lực lượng được xem là người hùng thầm lặng trong các ca ghép tạng - 4

GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam (Ảnh: Minh Nhật).

Năm 2009 ở Việt Nam, đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong thứ 7. Đến năm 2019, đái tháo đường đã lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng này, cho thấy sự gia tăng rất lớn.

Trong bối cảnh đái tháo đường là gánh nặng y tế hàng đầu và ngày càng gia tăng, vai trò của điều dưỡng càng quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân.

"Theo một thống kê, với một bệnh nhân, 70% thời gian ở bệnh viện tiếp xúc với điều dưỡng. Để thực hành y lệnh, điều trị tốt vai trò của người điều dưỡng là rất lớn", GS Dàng phân tích.

Chuyên gia này nhấn mạnh vai trò quan trọng của điều dưỡng trong việc theo dõi, kiểm soát đường máu của người bệnh, đặc biệt là chỉ số HbA1c, bên cạnh đó là công tác tư vấn cách dùng thuốc, chế độ ăn, kiểm soát cân nặng cho người bệnh. Đây vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong quản lý sức khỏe của bệnh nhân đái tháo đường.

"Không kiểm soát đái tháo đường gây hàng loạt biến chứng. Nếu mạch máu nhỏ bị tổn thương có thể gây mù mắt, suy thận, tổn thương thần kinh ngoại biên gây cắt cụt chi. Mạch máu lớn bị tổn thương gây xơ vữa mạch máu.

100 người đái tháo đường tử vong thì có 50-70 người tử vong do bệnh tim mạch xuất phát từ tổn thương mạch máu lớn", GS Dàng phân tích.