Lời khuyên để giảm tình trạng khô miệng sau khi xạ trị

Minh Nhật

(Dân trí) - Các tác dụng phụ gây ra bởi bức xạ phụ thuộc vào khu vực cơ thể được xạ trị, kích thước của khu vực được xạ trị, loại và tổng liều xạ trị và số lần điều trị…

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ở liều lượng cao, xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng bằng cách làm hỏng ADN của chúng. Tế bào ung thư có ADN bị hư hỏng ngoài khả năng sửa chữa sẽ ngừng phân chia hoặc chết. Khi các tế bào bị tổn thương chết đi, chúng sẽ bị cơ thể phá vỡ và loại bỏ.

Xạ trị không giết chết tế bào ung thư ngay lập tức. Phải mất vài ngày hoặc vài tuần điều trị trước khi ADN bị tổn thương đủ để tế bào ung thư chết. Sau đó, các tế bào ung thư tiếp tục chết trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi quá trình xạ trị kết thúc.

Các tác dụng phụ gây ra bởi bức xạ phụ thuộc vào khu vực cơ thể được xạ trị, kích thước của khu vực được xạ trị, loại và tổng liều xạ trị và số lần điều trị… Tác dụng phụ thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ hai hoặc thứ ba của điều trị và đạt đỉnh khoảng 2/3 chặng đường của quá trình điều trị.

Hầu hết tác dụng phụ đều là tạm thời, thường khỏi sau khi kết thúc điều trị tia xạ 2-4 tuần, một số ít có thể kéo dài lâu hơn nhiều.

Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khô miệng là tác dụng phụ thường gặp trong và sau xạ trị các bệnh ung thư vùng đầu-cổ do giảm hoặc mất khả năng bài tiết của các tuyến nước bọt. Nước bọt có nhiều chức năng liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của chúng ta như: bôi trơn, làm sạch, tiêu hóa, kháng khuẩn, vị giác, phát âm, khả năng đệm và tái khoáng.

Lời khuyên để giảm tình trạng khô miệng sau khi xạ trị - 1

Sau đây là một số hướng dẫn đơn giản nhưng rất quan trọng giúp cải thiện khô miệng sau xạ trị ung thư đầu cổ:

Giữ vệ sinh răng miệng như đánh răng 3 lần/ngày sau bữa ăn bằng bàn chải mềm. Khô miệng làm tăng các vi khuẩn có hại và giảm vi khuẩn có lợi ở khoang miệng.

Súc miệng và họng nhiều lần mỗi ngày bằng dung dịch đệm natri bicarbonat để kiềm hóa khoang miệng và giữ ẩm cho niêm mạc. Cách pha dung dịch: một thìa cà phê natri bicarbonat vào một lít nước. Tuyệt đối không súc các dung dịch có chứa cồn.

Uống ít nhất 2 lít nước/ngày và một cốc nước vào ban đêm có thể giúp làm ẩm khoang miệng.

Thức ăn được chế biến phù hợp để dễ nhai và nuốt, tránh các thức ăn cứng, dai cũng như thức ăn cay, chứa nhiều axit.

Tránh dùng các loại thức ăn khô, mặn, thức ăn và đồ uống có nhiều đường.

Không dùng các đồ uống có cồn (rượu bia) hoặc chứa caffeine (cà phê, trà, chocolate), các đồ uống có vị chua (nước ép cam, táo, nho, cà chua) do làm tăng khô miệng.

Ngậm kẹo cứng không đường, nhai kẹo cao su không đường để kích thích tăng tiết nước bọt.

Ngoài ra, điều trị chuyên sâu như châm cứu, điều trị nội khoa…được chứng minh là góp phần cải thiện triệu chứng khô miệng.