1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lợi ích từ việc thí điểm hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV/AIDS

Nam Phương

(Dân trí) - Các tổ chức xã hội có thể đóng góp 25-50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Vì thế, việc duy trì sự tham gia của các tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch.

Các tổ chức xã hội - cánh tay nối dài của hệ thống y tế

Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết, trước đây, hoạt động của các tổ chức xã hội (hay các nhóm dựa vào cộng đồng, CBO) phần lớn nhờ vào ngân sách tài trợ của các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, từ năm 2014, các tổ chức quốc tế đã cắt giảm tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta, tiến tới chấm dứt hỗ trợ trong tương lai. 

Vì vậy, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của các nước để duy trì, nhân rộng và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tiếp tục tham gia vào công tác phòng chống dịch. Cụ thể ở đây là thông qua hình thức mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp (gọi tắt là hợp đồng xã hội).

"Tổ chức xã hội là nhóm khó có thể thay thế trong việc tìm, phát hiện ca nhiễm mới và cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV trong bối cảnh dịch vẫn chưa được khống chế như hiện nay. Theo ước tính, các tổ chức xã hội có thể đóng góp 25-50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS", BS Sơn nhấn mạnh.

Lợi ích từ việc thí điểm hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV/AIDS - 1

Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) (Ảnh: N.M).

Tại nước ta, các tổ chức xã hội, nhóm cộng đồng là những người tiếp cận, kết nối, chuyển gửi người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV đến cơ sở xét nghiệm… Họ cũng giới thiệu người nhiễm HIV vào điều trị ARV, giới thiệu khách hàng tiếp cận điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone…

Hỗ trợ người bệnh tốt nhất

Là một trong ba đơn vị thực hiện thí điểm hợp đồng xã hội tại Điện Biên, anh Quàng Văn Bình, Phó trưởng nhóm Hoa Ban Trắng (Điện Biên), cho biết, tham gia hợp đồng xã hội giúp nhóm có cơ hội để tiếp cận, truyền thông và cung cấp một số các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

"Đồng thời, chúng tôi cũng có thêm ngân sách duy trì hoạt động, các thành viên trong nhóm có thêm nguồn thu nhập để tự chủ hơn trong cuộc sống", anh Bình nói. 

Cùng quan điểm với anh Bình, anh Trần Hưng, đại diện Doanh nghiệp xã hội Hưng Vũ tại Đồng Nai, cho biết: "Nhà tài trợ rút dần nên các chi phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS ngày càng giảm và không thể bền vững về lâu về dài. Hợp đồng xã hội là bước đệm để doanh nghiệp xã hội có thể phục vụ cộng đồng lâu dài hơn". 

Lợi ích từ việc thí điểm hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV/AIDS - 2

Các tổ chức xã hội có thể đóng góp 25-50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. (Ảnh hoạt động tư vấn tại Điện Biên: N.M).

Mô hình hợp đồng xã hội thực sự có ý nghĩa lớn trong việc tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội để họ tham gia hiệu quả vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế dành cho HIV/AIDS tại Việt Nam bị cắt giảm. 

Anh L.N.L, nam quan hệ tình dục đồng giới, khách hàng của nhóm Hoa Ban Trắng tại Điện Biên, cho biết, ở địa phương của anh vấn đề kỳ thị với người nhiễm HIV, đồng tính nam còn rất nặng nề. Vì thế, việc bị lộ là vấn đề hết sức khủng khiếp. Điều này khiến anh và nhiều người rất e ngại khi tiếp cận các dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập. 

"Trong khi đó, các tổ chức xã hội trên địa bàn thường là những người trong cùng cộng đồng vì thế tôi cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp xúc với họ. Đồng thời cũng tiết kiệm được thời gian đi lại, đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ kéo dài, nhờ đó góp phần tăng tỷ lệ tiếp cận và tuân thủ điều trị", anh L. chia sẻ 

4.000 người được tiếp cận dịch vụ

Tính đến tháng 9, đề án thí điểm hợp đồng xã hội đã được triển khai tại 9 tỉnh bao gồm Nghệ An, Đồng Nai, Tây Ninh, Điện Biên, Tiền Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ và Kiên Giang. 13 doanh nghiệp xã hội và tổ chức cộng đồng đã ký thành công 20 hợp đồng, cung cấp dịch vụ cho gần 4.000 khách hàng.

Các tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội tham gia thí điểm đều đạt 100% chỉ tiêu. Một số chỉ tiêu cung cấp dịch vụ, kết quả còn vượt xa so với kỳ vọng ban đầu, như số lượng khách hàng nhận bơm kim tiêm và chuyển gửi tới điều trị Methadone tại Điện Biên là 175%. 

Chương trình thí điểm mô hình hợp đồng xã hội đã cho thấy những bước tiến quan trọng để từng bước tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và hướng đến kiểm soát dịch vào năm 2030. 

Bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết, chương trình thí điểm sẽ tiếp tục triển khai tại 8 tỉnh và triển khai các mô hình đa dạng khác nhau. Có những tỉnh sẽ triển khai những gói sâu về can thiệp giảm tác hại.

Một số địa phương sẽ triển khai gói xét nghiệm HIV tại cộng đồng để phát hiện tìm ca dương tính để đưa vào điều trị ARV sớm. Nếu khách hàng âm tính sẽ tư vấn sử dụng các biện pháp, dự phòng trước phơi nhiễm. 

"Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng những bộ công cụ để đánh giá các nhóm này với các chuyên gia độc lập, nhằm đưa ra các đánh giá một cách khách quan để xem tính khả thi cũng như sự phù hợp của mô hình.

Đây sẽ là căn cứ giúp cho việc vận động và xây dựng các chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS", BS Sơn nhấn mạnh.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng hình thức hợp đồng xã hội để huy động các tổ chức xã hội tham gia cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines...

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nếu không có nguồn lực trong nước, các tổ chức xã hội sẽ không thể tiếp tục tham gia cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Do vậy, việc thực hiện các hợp đồng xã hội sẽ là giải pháp lâu dài đảm bảo sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.