DNews

Loạn thực phẩm chức năng chợ mạng: Nghe quảng cáo "nổ hay" là chốt đơn

Minh Nhật Khánh Vi

(Dân trí) - Cứ mở máy là thấy quảng cáo thực phẩm chức năng. Đây là tình trạng nhiều người gặp phải khi mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ cho sản phẩm này tiếp cận khách hàng.

Loạn thực phẩm chức năng chợ mạng: Nghe quảng cáo "nổ hay" là chốt đơn

20 tuổi ngày uống 5 loại thực phẩm chức năng: Quảng cáo hay là "chốt đơn" (Video: Khánh Vi - Minh Nhật).

20 tuổi, ngày uống 5 loại thực phẩm chức năng

 Chỉ mới 20 tuổi, nhưng N.T.T., sinh viên một trường đại học tại Hà Nội đang đều đặn sử dụng 5 loại thực phẩm chức năng mỗi ngày.

Cứ sau mỗi bữa ăn, việc uống một vốc gần chục viên thực phẩm chức năng "xanh, đỏ" trở thành thói quen của nam sinh này.

Loạn thực phẩm chức năng chợ mạng: Nghe quảng cáo nổ hay là chốt đơn - 1

Mới 20 tuổi, mỗi ngày nam sinh viên này uống khoảng 5 loại thực phẩm chức năng (Ảnh: Khánh Vi).

"Thường xuyên phải "chạy deadline", thêm vào đó là tự ti vì mập và nhiều mụn, tôi tìm đến các loại thực phẩm chức năng như một giải pháp", T. chia sẻ.

Thiếu cái gì thì bổ sung cái đó, thế là danh sách các loại thực phẩm chức năng bổ sung hàng ngày của T. lại ngày một nhiều lên. Bắt đầu là các loại "viên bổ não" hay vitamin, để chống lại tình trạng hay mệt mỏi, đau đầu, khó tập trung do phải vừa học vừa làm. Sau đó, chàng trai này tiếp tục mua thêm viên uống trị mụn, đào thải mỡ, để khắc phục khiếm khuyết về ngoại hình.

Thay vì quan tâm đến đơn vị sản xuất, bảng thông tin thành phần, thứ khiến T. đặt niềm tin vào một sản phẩm chăm sóc sức khỏe nào đó để "chốt đơn", lại là quảng cáo hay, lượt like hay lượt bình luận nhiều.

Loạn thực phẩm chức năng chợ mạng: Nghe quảng cáo nổ hay là chốt đơn - 2

Các sản phẩm được quảng cáo với hiệu quả "đáng kinh ngạc" (Ảnh: Chụp màn hình).

Không chỉ giới trẻ, việc mua sản phẩm chăm sóc sức khỏe qua mạng cũng dần trở thành một thói quen với người lớn tuổi.

Mắc bệnh tiểu đường, bà B.M.N., 64 tuổi, sống tại quận Nam Từ Liêm đã dùng thuốc kiểm soát đường huyết theo đơn bệnh viện hơn 10 năm nay.

Do đó, khi bắt đầu biết đến mạng xã hội và xem các sản phẩm thảo dược dành cho bệnh nhân tiểu đường, được quảng cáo "lành tính", "chữa tận gốc", bà N. như tìm thấy "chân ái".

"Từ khi sử dụng Facebook tôi thấy rất nhiều sản phẩm cho người tiểu đường như: sữa hạt tiểu đường, thảo dược thiên nhiên hay các viên uống của Mỹ, Canada cho bệnh này. Có vẻ như càng xem, các quảng cáo này lại càng xuất hiện nhiều", bà N. chia sẻ.

Loạn thực phẩm chức năng chợ mạng: Nghe quảng cáo nổ hay là chốt đơn - 3

Mặc dù là bệnh mãn tính nhưng nhiều quảng cáo khẳng định sản phẩm có thể chữa hoàn toàn tiểu đường (Ảnh: Chụp màn hình).

Mạng xã hội như "thế giới mới", bà N. dễ dàng bị cuốn hút vào những sản phẩm có nội dung quảng cáo về công dụng mà các loại thuốc tây bà N. uống 10 năm qua không thể làm được.

Cứ thấy sản phẩm nào được quảng cáo hiệu quả cao, người tham gia quảng cáo mặc áo blouse hay nghệ sĩ nổi tiếng, bà N. lại nhờ con cháu đặt mua giùm.

"Tôi thấy các sản phẩm đều làm từ thảo dược, lành tính nên tặc lưỡi cứ uống thêm vào cũng không sao", bà N. nói.

Chỉ với vài thao tác, người dân có thể tìm thấy đủ các loại thực phẩm chức năng từ vitamin, khoáng chất đến các loại hỗ trợ tăng cường sức khỏe trên chợ mạng.

Nhiều người xem việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như là một món ăn hàng ngày không thể thiếu, thay thế cả thực phẩm tự nhiên.

Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, tính đến năm 2022, 92% người dân biết đến các loại thực phẩm chức năng và 80% người dân đang sử dụng các sản phẩm này.

Theo kết quả của Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, 58,5% dân số trên 18 tuổi sử dụng thực phẩm chức năng và sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng ở mức báo động

Những quảng cáo với hình ảnh bắt mắt, nội dung thu hút của thực phẩm chức năng xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội trong thời gian qua.

"Bạn sẽ vắt sạch mỡ nội tạng"; "An toàn, hiệu quả, không tác dụng phụ"; "Chữa tận gốc tiểu đường"… Những công dụng "thần kỳ" được người bán thực phẩm chức năng cam kết trong quảng cáo dễ dàng đánh trúng tâm lý của nhiều bệnh nhân.

Loạn thực phẩm chức năng chợ mạng: Nghe quảng cáo nổ hay là chốt đơn - 4

Chỉ với vài thao tác, người dân có thể tìm thấy đủ các loại thực phẩm chức năng từ vitamin, khoáng chất đến các loại hỗ trợ tăng cường sức khỏe trên chợ mạng (Ảnh: Chụp màn hình).

Cũng theo một khảo sát của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, 80% quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử là trá hình thực phẩm chức năng.

Tại phiên chất vấn chiều 11/11, quản lý thực phẩm chức năng là vấn đề nóng được nhiều đại biểu đề cập.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhìn nhận thực tiễn có người lợi dụng buôn bán, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng. Bộ Y tế đã tuyên truyền rộng rãi về vấn đề này, như trường hợp mắc bệnh phải đến cơ sở y tế khám và chữa trị, không nghe quảng cáo trên mạng xã hội để tự chữa bệnh.

Ngoài ra, việc sử dụng hình ảnh những người mặc áo blouse thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng cũng là sai quy định. Bộ Y tế đã có văn bản gửi cơ sở y tế nhắc nhở, đề nghị đội ngũ y bác sĩ không tham gia những việc làm sai quy định.

Bộ trưởng cũng nhìn nhận việc kiểm soát bán hàng trên mạng xã hội còn rất khó khăn. Hiện có tình trạng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc được bán tại cửa hàng, mua bán trên mạng xã hội…

Loạn thực phẩm chức năng chợ mạng: Nghe quảng cáo nổ hay là chốt đơn - 5

Trang web của Cục An toàn thực phẩm thường xuyên đăng nội dung cảnh báo thực phẩm chức năng vi phạm (Ảnh: Minh Nhật).

Theo Cục An toàn Thực phẩm, tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là mạng xã hội đang ở mức đáng báo động.

Không chỉ thổi phồng công dụng vượt quá nội dung quảng cáo đã thẩm định, hình thức vi phạm quảng cáo đang ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh.

Luật hóa mua thuốc trực tuyến nhìn từ bài học thực phẩm chức năng

Tình trạng "loạn" thị trường thực phẩm chức năng trên chợ mạng, theo nhiều chuyên gia, là bài học trong việc cho phép kinh doanh thuốc trên môi trường thương mại điện tử.

Luật Dược hiện hành và Nghị định 54 hướng dẫn Luật Dược chưa quy định các vấn đề liên quan đến kinh doanh thuốc online hay kinh doanh thuốc qua các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, từ sau đại dịch Covid-19, xu hướng mua sắm online, trong đó có các sản phẩm dược, ngày càng phổ biến.

Loạn thực phẩm chức năng chợ mạng: Nghe quảng cáo nổ hay là chốt đơn - 6

 Tình trạng "loạn" thị trường thực phẩm chức năng trên chợ mạng, theo nhiều chuyên gia, là bài học trong việc cho phép kinh doanh thuốc trên môi trường thương mại điện tử (Ảnh: Getty).

Mua thuốc trực tuyến mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tồn tại nhiều rủi ro mà người tiêu dùng cần phải cẩn trọng. Một trong những nguy cơ lớn nhất là việc mua phải thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng.

Vì thế, việc kinh doanh thuốc trực tuyến cần được luật hóa để hạn chế tối đa rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, dự thảo Luật Dược sửa đổi lần này có bổ sung, ngoài việc bán thuốc tại các hiệu thuốc truyền thống, sẽ cho phép kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Thương mại điện tử và dược phẩm - xu hướng, thách thức và giải pháp" trên báo Dân trí ngày 16/10, PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: "Cá nhân tôi rất ủng hộ việc mua bán qua thương mại điện tử.

Loạn thực phẩm chức năng chợ mạng: Nghe quảng cáo nổ hay là chốt đơn - 7

PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: Hữu Nghị).

Tuy nhiên, thuốc là một mặt hàng đặc biệt. Vì vậy, việc đưa thuốc lên thương mại điện tử cần đảm bảo 2 vấn đề: Người mua được hướng dẫn tư vấn sử dụng thuốc. Sản phẩm thuốc phải là sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép.

Nếu không đảm bảo, quá trình giao nhận thuốc cũng có thể dẫn tới lẫn vào các sản phẩm không đạt yêu cầu".

Ông cũng thừa nhận, quá trình mua bán thuốc ở Việt Nam cũng đang gặp nhiều vấn đề. Như các nước phát triển, việc mua thuốc rất chặt chẽ. Ở Việt Nam có chuyện mua theo mách bảo người hàng xóm, mua kháng sinh không cần đơn, điều này gây tác hại lâu dài.

Theo ông, khi nói đến sản phẩm chăm sóc, người ta phân loại thuốc là sản phẩm cần phải quản lý chặt chẽ nhất vì quyền lợi của người bệnh. Các nhà quản lý cần tiến hành việc đánh giá lợi ích và rủi ro, là thực hành hầu hết các nước làm khi xử lý các công việc.

PGS Truyền bày tỏ sự đồng tình dự thảo luật Dược (sửa đổi) trước tiên áp dụng với chuỗi nhà thuốc lớn với vài nghìn nhà thuốc trong hệ thống, trải khắp các địa bàn trên toàn quốc, là công ty kinh doanh chuỗi nhà thuốc.

Theo PGS Truyền, các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc không phải là các nhà thuốc độc lập, mà là thành viên của một công ty hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm. Những chuỗi này hoạt động dưới một thương hiệu chung và tuân thủ các quy định, quy chế do công ty đặt ra.

Việc hoạt động dưới một công ty lớn có nhiều ưu điểm:

Các nhà thuốc được cung cấp nguồn thuốc từ công ty, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc.

Công ty sẽ kiểm soát toàn bộ hoạt động của các nhà thuốc trong chuỗi, bao gồm chất lượng dịch vụ.

Các nhà thuốc không được phép đưa vào những loại thuốc không phải của công ty.

Cơ quan quản lý cũng sẽ dễ dàng quản lý và giám sát hoạt động của cả chuỗi thông qua việc kiểm soát công ty chủ quản.

Mô hình hoạt động của các chuỗi nhà thuốc được coi là một hình thức tiến bộ, có lợi cho cả người dân và cơ quan quản lý. Nó giúp đảm bảo chất lượng dịch vụ và thuốc men, đồng thời tăng cường khả năng quản lý của cơ quan chức năng.

Mô hình này đã được đưa vào trong dự thảo Luật Dược của Việt Nam, và được đánh giá là một hình thức hoạt động tích cực, tương tự như mô hình của các cửa hàng tiện lợi.

Video: Khánh Vi, Minh Nhật