1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Loại ung thư phổ biến nhưng hàng nghìn ca chỉ phát hiện 30 ca giai đoạn sớm

(Dân trí) - Tại bệnh viện (BV) K Trung ương, mỗi năm có hàng nghìn trường hợp điều trị ung thư dạ dày nhưng chỉ có khoảng 30 ca là được phát hiện sớm. Căn nguyên là do người dân vẫn ngại việc tầm soát, khám định kỳ để phát hiện sớm ung thư. Trong khi đó, nếu phát hiện sớm, hiệu quả điều trị tốt hơn nhiều lần so với ung thư xâm lấn phải phẫu thuật.

Tại hội thảo những tiến bộ trong phẫu thuật nội soi cắt dạ dày- nạo hạch D2 diễn ra ngày 4/7 do Viện nghiên cứu ung thư, Bệnh viện K Trung ương phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản tổ chức, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương chia sẻ thực trạng việc phát hiện ung thư nói chung, trong đó có ung thư dạ dày còn rất muộn.

Bệnh nhân chờ khám tại BV K Trung ương. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân chờ khám tại BV K Trung ương. Ảnh: H.Hải

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh thường gặp. Tuy nhiên tỉ lệ phát hiện sớm rất thấp. Như tại bệnh viện K Trung ương, trong số hàng nghìn trường hợp đến điều trị ung thư dạ dày, chỉ có 30 ca là ở giai đoạn đầu.

Trong khi đó, việc phát hiện sớm hay muộn quyết định hiệu quả của việc điều trị ung thư dạ dày. Trong ung thư dạ dày có nhiều phương pháp điều trị, ở giai đoạn sớm, bác sĩ chỉ cần nội soi cắt hớt niêm mạc là bệnh nhân sẽ khỏi bệnh.

Nhưng khi đã ở giai đoạn sau, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật, truyền hóa chất, xạ trị… Việc điều trị khó khăn, tốn kém hơn nhưng hiệu quả không thể sớm như giai đoạn đầu.

“Tỉ lệ sống sau 5 năm và tỉ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân sau mổ nội soi ung thư dạ dày nói riêng và ung thư nói chung phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn bệnh. Tỉ lệ chữa khỏi ở giai đoạn rất sớm gần như đạt 100% và càng để muộn thì tỉ lệ chữa khỏi càng thấp”, PGS Thuấn nói.

Theo các bác sĩ, Nhật Bản là quốc gia chữa khỏi ung thư dạ dày rất cao trên thế giới, với tỷ lệ trên 80%. Có được điều này bởi Nhật Bản rất chú trọng trong việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư dạ dày. Theo đó, tất cả những người trên 40 tuổi đều được sàng lọc bằng nội soi dạ dày định kỳ nên phát hiện bệnh từ giai đoạn rất sớm, tỷ lệ chữa khỏi cao.

Khi nào nên đi khám sàng lọc?

Theo PGS Thuấn, tại Việt Nam đa số là do người dân không có thói quen khám bệnh định kỳ để được sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư và do Bảo hiểm y tế chưa chi trả cho việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư.

Tại Hội thảo, chuyên gia Nhật Bản đã phẫu thuật trình diễn nội soi cắt hạch dạ dày và hai bên đã chia sẻ, học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý trong kỹ thuật. Ảnh: BS cung cấp.
Tại Hội thảo, chuyên gia Nhật Bản đã phẫu thuật trình diễn nội soi cắt hạch dạ dày và hai bên đã chia sẻ, học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý trong kỹ thuật. Ảnh: BS cung cấp.

“Theo tôi, người dân từ 40 tuổi trở ra nên đi khám sức khỏe định kỳ trong đó có tầm soát bệnh ung thư dạ dày bằng nội soi, nhất là ở những người có tiền sử dạ dày HP. Nếu nội soi lần đầu bình thường thì những lần sau có thể soi thưa hơn, có thể là 2 năm soi một lần, ”, Giám đốc BV K khuyến cáo.

Ông Thuấn cũng mong rằng trong tương lai, BHYT sẽ chi trả cho việc sàng lọc phát hiện sớm không chỉ với riêng bệnh ung thư dạ dày mà cho các bệnh ung thư khác như: ung thư vú, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, tuyến giáp…

Bởi việc phát hiện sớm giảm được nhiều chi phí, mang lại hiệu quả điều trị cao. Như với một ca ung thư dạ dày khám nội soi thông thường chỉ khoảng 200-300 nghìn đồng. Phát hiện ở giai đoạn sớm chỉ cần hớt lớp niêm mạc dạ dày, chi phí tính ra 1-2 triệu đồng và khỏi bệnh hoàn toàn mà không phải điều trị thêm.

Với kỹ thuật nội soi dạ dày, cắt hạch PGS Thuấn cho biết viện K làm chủ kỹ thuật và tới đây, bệnh viện K sẽ tổ chức chuyển giao kỹ thuật này cho các bệnh viện vệ tinh, cùng với đó, vấn đề chi phí cũng như máy cắt nối tiêu hóa dùng trong mổ nội soi ung thư dạ dày đã được bảo hiểm chi trả 100%.

"Hiện nay, BHYT chi trả phần lớn cho các kỹ thuật chẩn đoán, thuốc men điều trị ung thư…vì thế, bệnh nhân chưa có BHYT nên mua để phòng rủi ro khi bệnh tật. Trong thực tế điều trị, tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân hoàn cảnh khá giả trở nên nghèo khó, thậm chí kiệt quệ vì chữa bệnh ung thư mà không có BHYT", PGS Thuấn khuyến cáo.

Hồng Hải