Loại ung thư nào khiến bệnh nhân dễ tử vong nhất khi mắc Covid-19?
(Dân trí) - Theo một nghiên cứu được liên kết thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Singapore và Mỹ, các bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần người bình thường.
Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư cũng có rủi ro cao trong việc gặp các biến chứng nặng và cần phải điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực. Đáng chú ý, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, loại ung thư hoặc giai đoạn điều trị ung thư mà bệnh nhân đang trải qua có quyết định lớn đến các nguy cơ kể trên.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập từ 14 bệnh viện tại tỉnh Hồ Bắc (tâm dịch Covid-19 của Trung Quốc) với tổng cộng 105 bệnh nhân ung thư và 536 người không mắc ung thư ở cùng độ tuổi và tất cả đều mắc Covid-19.
Kết quả phân tích chỉ ra rằng, bệnh nhân ung thư ở giai đoạn đầu có tiên lượng không khác biệt nhiều so với người không mắc ung thư, trong trường hợp cùng nhiễm Covid-19. Ngược lại,những người mắc bệnh bạch cầu, lymphoma, đa u tủy xương (đều là các dạng ung thư máu) thuộc nhóm có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng cao nhất. Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa cũng thuộc nhóm có rủi ro tiên lượng xấu ở mức cao.
Theo phân tích của nhóm tác giả, các dạng ung thư máu ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch của cơ thể, thứ giúp chúng ta phòng thủ trước virus SARS-CoV-2, nên sẽ dẫn đến rủi ro cao về sức khỏe nếu mắc Covid-19.
Ngoài ra, các bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật điều trị ung thư thường sẽ có tiên lượng xấu hơn so với phương pháp xạ trị, nếu không may mắc Covid-19.
“Phát hiện này đã khẳng định rằng, những bệnh nhân ung thư dễ bị tổn thương vì Covid-19 hơn rất nhiều so với nhóm còn lại” – Nhóm tác giả kết luận.
Leonard Lichtenfeld, quan chức của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đánh giá, nghiên cứu của nhóm tác giả có ý nghĩa quan trọng và nó đã một lần nữa chứng minh cho việc bệnh nhân ung thư dễ bị tổn thương bởi virus hơn nhóm còn lại.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, chính vì rủi ro cao trước Covid-19 mà Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đang cố gắng hạn chế tác động của dịch bệnh với nhóm người này, biện pháp mạnh tay nhất chính là yêu cầu ngừng có chọn lọc các liệu trình điều trị cho bệnh nhân ung thư, cũng như ngừng thử nghiệm lâm sàng với các bệnh nhân mới.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cũng bày tỏ mối quan ngại với giải pháp ngừng điều trị cho bệnh nhân ung thư, bởi họ cho rằng, với các bệnh nhân ở giai đoạn đầu giải pháp này sẽ không ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, với những bệnh nhân ở giai đoạn muộn hoặc mắc các dạng ung thư phát triển nhanh, khó chữa trị thì việc ngừng điều trị trên một tháng có thể dẫn đến sự thay đổi lớn về tiên lượng bệnh.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, trong năm 2020, dự kiến sẽ có khoảng 1,8 triệu ca mắc mới ung thư ở quốc gia này. Đồng thời, căn bệnh quái ác này cũng sẽ cướp đi mạng sống của hơn 606.000 người. Tuy nhiên, dưới tác động của Covid-19 số lượng ca bệnh được chẩn đoán có thể giảm xuống đáng kể, bởi người dân e ngại việc đến cơ sở y tế để tầm soát ung thư. Ngược lại, số ca tử vong có thể tăng lên trong bối cảnh nhiều bệnh nhân không được chữa trị.
Minh Nhật
Theo WP