1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Tĩnh:

Lo ngại đợt dịch sốt xuất huyết mới lan ra diện rộng

(Dân trí) - Tại Hà Tĩnh đã xuất hiện chùm ca 20 người mắc sốt xuất huyết tại xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh. Ngành Y tế hiện nay đang quyết liệt vào cuộc triển khai nhiều biện pháp dập dịch nhằm hạn chế lây lan trên diện rộng.

Những ngày qua, bệnh nhân Vũ Mạnh Tường, 23 tuổi, trú tại thôn Hòa Bình, xã Kỳ Phong có biểu hiện mệt mỏi, xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn...  Anh Tường được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.

Anh Tường là một trong số hàng chục bệnh nhân bị sốt xuất huyết tại địa bàn xã Kỳ Phong phải nhập viện. Ông Phạm Văn Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kỳ Phong, cho hay, “Đến đầu tháng 8 chúng tôi đã thống kê có 20 ca sốt xuất huyết tại 3 thôn Hòa Bình (14 ca), Đông Thuận, 2 ca và Tuân Tượng, 4 ca. Đến ngày 2/8, 16 bệnh nhân đang điều trị tại trạm y tế, 4 bệnh nhân nhẹ đã cho về nhà”.
Lo ngại đợt dịch sốt xuất huyết mới lan ra diện rộng
1 trong 20 bệnh nhân bị mắc dịch sốt xuất huyết tại xã Kỳ Phong  nằm điều trị tại BVĐK huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh)

BS Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Kỳ Anh, cho biết, trong 3 ngày nay, lực lượng y tế dự phòng đã có mặt và đang triển khai nhiều biện pháp khoanh vùng dập dịch. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cung cấp 30 lít hóa chất diệt muỗi, 3 máy phun chuyên dụng và chỉ đạo UBND, Trạm Y tế xã Kỳ Phong triển khai phun toàn bộ các thôn trong xã”.

Cùng thời điểm, Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh cũng đã cung ứng cho Trạm Y tế Kỳ Phong 6 giường bệnh và một bác sĩ. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly điều trị, thuốc men, trang thiết bị, phương tiện... để ứng phó kịp thời khi dịch diễn biến phức tạp.
Cán bộ Y tế Hà Tĩnh phun thuốc dập dịch tại xã Kỳ Phong
Cán bộ Y tế Hà Tĩnh phun thuốc dập dịch tại xã Kỳ Phong

Lãnh đạo ngành y tế Hà Tĩnh lo ngại, việc xuất hiện chùm ca bệnh đầu tiên là dấu hiệu cảnh báo dịch có thể bùng phát nếu không kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó. Sốt xuất huyết chưa có văcxin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và ngủ màn phòng muỗi đốt.

Bác sĩ Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, cho hay, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức vệ sinh của người dân để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Vì thế, ngay khi xuất hiện các ca bệnh ở thôn Hòa Bình, lãnh đạo Sở đã xuống địa bàn giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ các lực lượng địa phương, các hộ gia đình vệ sinh môi trường từ dụng cụ phế thải, các ổ đọng nước tại khu vực chợ đến công trường để các ổ bọ gậy, mầm dịch không có cơ hội phát triển.

Hà Phương – Ngân Nga