Lo ngại dịch sởi bùng phát
(Dân trí) - Tháng 1/2015, 13 tỉnh xuất hiện bệnh nhân nghi sởi, trong đó 28 trường hợp dương tính sởi. BV Nhi Trung ương tập trung đông nhất với 21 ca bệnh, trong đó Hà Nội vẫn dẫn đầu số ca mắc. Cùng kỳ năm ngoái dịch sởi cũng bùng phát, khiến nhiều trẻ tử vong vì căn bệnh này.
Nhiều tỉnh thành xuất hiện bệnh nhân sởi
Thông tin trên được PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết tại Hội nghị Triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và đảm bảo các hoạt động y tế dịp Tết 2015 diễn ra ngày 5/2 tại Hà Nội.
Theo ông Phu, việc các ca bệnh tập trung chủ yếu tại Hà Nội với 7/28 ca là một điều đáng lo lắng. Cũng như vụ dịch sởi năm 2014, tuy dịch xảy ra trên toàn quốc với trên 5600 ca xét nghiệm dương tính, nhưng Hà Nội là địa phương có số ca mắc, tử vong nhiều nhất.
Ca bệnh khởi phát đầu tiên năm 2014 là tại các tỉnh miền núi phía Bắc thì năm nay, 13 tỉnh thành ghi nhận bệnh nhân gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Đăk Lắk.
Tại BV Nhi Trung ương, trong 21 trường hợp mắc sởi thì đa phần là trẻ dưới 2 tuổi, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 13 trường hợp (61,9%), 3 trường hợp trẻ từ 9 - 1 tuổi và 5 trường hợp trẻ từ 1 - 2 tuổi. Trong số bệnh nhân này chắc chắn 4 trường hợp chưa được tiêm phòng, còn lại 17 trường hợp không khai thác được tiền sử trước đó bệnh nhi có được tiêm sởi hay không.
“Chúng tôi rất lo ngại dịch sởi trong mùa đông xuân vì theo xu hướng của năm 2014, mặc dù tháng 1 có số sốt phát ban nghi sởi thấp nhưng đến tháng 5/2014 đã có tới hơn 10 nghìn trường hợp. Trong khi sởi là bệnh truyền nhiễm do vi rút, dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp và dễ bùng phát thành dịch, trong khi đó Việt Nam vẫn chưa loại trừ được bệnh sởi”, TS Phu nói.
Tại Việt Nam hàng năm vẫn còn khoảng 10% chưa được tiêm vắc xin sởi và khoảng 5% số trẻ đã được tiêm vắc xin nhưng không đáp ứng sinh miễn dịch. Việc tích lũy sau một số năm có thể có những đợt bùng phát tạo thành các ổ dịch lớn.
“Hơn nữa, con số 95% trẻ được tiêm chủng vắc xin sởi vẫn chỉ ở quy mô cấp tỉnh, khi xảy ra dịch cũng chính những tỉnh này thì ở nhiều xã khó khăn tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo “vùng lõm” trong tiêm chủng nên dịch dễ xảy ra. Vì thế hiện nay Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải đạt 95% tỉ lệ tiêm chủng ở quy mô xã phường”, ông Phu nói.
Trước tình hình bệnh sởi xuất hiện trở lại, lo ngại nguy cơ dịch sởi gây hậu quả khiến nhiều trẻ tử vong như vụ dịch năm 2014, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo bên cạnh chiến dịch tiêm sởi - rubella đang triển khai cho nhóm trẻ từ 1 - 14 tuổi, các địa phương cần tổ chức tiêm vét ngay cho nhóm trẻ từ 9 tháng đến 1 tuổi, không chờ vắc xin dịch vụ.
“Cần phải thay đổi nhận thức giữa tiêm dịch vụ và mở rộng. Để hiệu quả nhất trong phòng bệnh cần cho trẻ đi tiêm đúng lịch, như với sởi cần tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi. Năm ngoái, khi tôi đến bệnh viện, trực tiếp hỏi các bà mẹ có con 10 tháng mắc sởi, các bà mẹ đã vô cùng hối lỗi vì quyết định sai, con đến tuổi tiêm sởi nhưng lại chờ tròn 1 tuổi để tiêm vắc xin dịch vụ để rồi chưa đến thời điểm tiêm con đã mắc sởi nguy kịch”, TS Phu nói.
Ông Phu cũng kiến nghị tại các BV tỉnh, trung ương có thể triển khai phòng tiêm chủng mở rộng miễn phí tại các bệnh viện bởi người dân có tâm lý thích tiêm tại đây vì có đầy đủ phương tiện cấp cứu, bác sĩ, sẽ cấp cứu nhanh hơn trong tình huống có phản ứng sau tiêm.
“Cán bộ y tế không tập huấn, tuyệt đối không được tiêm”!
Đánh giá về hiện tượng “cháy” vắc xin tiêm dịch vụ thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Các điểm đăng kí tiêm dịch vụ mà không lo đặt hàng, đến khi người dân đi tiêm đủ thì không có vắc xin, xảy ra tình trạng không đáng có như thời gian qua. Trong khi đó, hệ thống y tế của chúng ta thì thông suốt từ trên xuống dưới, cung ứng đầy đủ các loại vắc xin trong TCMR. Vì thế, nếu đơn vị nào không đủ khả năng cung ứng vắc xin dịch vụ so với nhu cầu người dân đăng kí thì không cho đơn vị đăng kí tiêm dịch vụ”.
Nữ Bộ trưởng cũng nghiêm túc nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo dự phòng về việc tiêm nhầm vắc xin, tiêm nhầm sang nước cất và khám sàng lọc bệnh phải hết sức cẩn thận. “Một hình ảnh mà cả ngành với trên 400 ngàn cán bộ y tế phấn đấu nhưng khi xảy ra sự cố không đáng có trên làm ảnh hưởng đến hình ảnh đó, làm mất niềm tin của người dân với ngành y tế. Cái này phải cương quyết xử lý.
Vì thế tôi nói các cơ sở sản xuất vắc xin Việt Nam, nếu sản xuất kiểu dáng công nghiệp các lọ giống nhau, nhãn, màu rất dễ nhầm cần phải riêng biệt mỗi loại vắc xin nhãn riêng biệt. Tập huấn kỹ những người ngồi vào bàn tiêm. Dù có trạm trưởng, trạm phó không tập huấn cũng không cho tiêm, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, niềm tin của người dân.
Người dân không tin ở tiêm chủng nữa thì chết. Dịch bệnh sẽ xảy ra với các cháu, đó là trách nhiệm của ngành chúng ta. Vì thế cán bộ y tế không được tập huấn dứt khoát không cho tiêm và phải làm kiên quyết. Các đồng chí Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này”, bà Tiến nói.
Bộ trưởng chia sẻ thêm, chỉ vì một vài điểm như thế phá tan toàn bộ hình ảnh, sự cố gắng của cả hệ thống. Người dân mà không tiêm chủng bỏ sang dịch vụ (chắc gì đỡ hơn về nguy cơ phản ứng, chẳng qua tiêm ít nên không xảy ra) thì rất nguy hiểm vì xảy ra những nguy cơ thiếu vắc xin, chờ đợi tiêm vắc xin như trên. Còn hệ thống TCMR tiêm khoảng 1,5 triệu người/năm, vì thế phải hết sức cẩn thận.
“Đến thời điểm này nhờ TCMR đã loại trừ uấn ván sơ sinh, thanh toán bại liệt, phòng cho hàng triệu triệu trẻ trước nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm mà chỉ một vài hình ảnh làm người dân mất niềm tin là lỗi rất lớn vì thế phải dứt khoát, phải cán bộ y tế tập huấn mới được tiêm chủng cho người dân”, Bộ trưởng khẳng định.
Hồng Hải