1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng Trị:

Lo lắng trước dịch tả lợn châu Phi, nhiều người dân quay lưng với thịt heo

(Dân trí) - Mặc dù Bộ Y tế đã khuyến cáo đến người dân về dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng người dân tại nhiều địa phương ở Quảng Trị tỏ ra nghi ngại, thậm chí quay lưng với sản phẩm thịt lợn.

Không có người mua, người bán thịt lợn bỏ quầy

Mặc dù, tỉnh Quảng Trị chưa ghi nhận trường hợp địa phương nào xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Song, trước thông tin về dịch tả lợn lan rộng, người dân tại địa phương này cũng có sự cân nhắc khi lựa chọn sản phẩm thịt lợn vào bữa ăn gia đình. Điều đó khiến sức mua của người dân tại các chợ trên địa bàn giảm mạnh.

Người dân "né tránh" thịt lợn, người bán thịt méo mặt vì ế ẩm

Ghi nhận tại chợ trung tâm Thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, thời điểm gần trưa cũng là lúc người dân đi mua thực phẩm chuẩn bị bữa trưa. Tuy nhiên, không khí tại các quầy thịt lợn lại hết sức ảm đạm. Trong gian chợ, chỉ lác đác một vài tiểu thương còn duy trì việc buôn bán, phần lớn đã nghỉ bán từ lâu.

Bà Cáp Thị Lành – người bán thịt lợn tại thị xã Quảng Trị cho biết, mặc dù cố duy trì việc buôn bán vậy thôi chứ việc mua bán rất tệ. Mức tiêu thu thịt lợn từ chỗ một hộ mổ bán 5 con, bây giờ 1 con cũng không bán hết. Mặc dù đã cố gắng giải thích với người dân là thịt lợn an toàn, có dấu kiểm định của Thú y nhưng người dân vẫn quay lưng không mua.

Tình trạng buôn bán ế ẩm đã diễn ra nhiều ngày nay, gây khó khăn cho bà con tiểu thương cũng như người chăn nuôi lợn.

thit lon 3.JPG

Từ ngày xảy ra dịch, mỗi ngày bà Lan nhập bán 10 kg vẫn không hết.

Bà Mai Thị Lan cho biết: “Trước đây việc buôn bán bình thường, nhưng từ khi thông tin xấu lan truyền về ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi với sức khỏe thì người dân không mua nữa, khiến cho việc buôn bán của bà con trở nên ế ẩm. Có ngày bán 10-15 kg vẫn không hết. Mong cơ quan chức năng có biện pháp ổn định tình hình, giúp bà con buôn bán thuận lợi cũng giúp người chăn nuôi bớt khổ”.

Bà Nguyễn Thị Phường bày tỏ, khi các trang mạng lan truyền thông tin lợn bị bệnh, việc buôn bán trở nên thậm tệ, ế ẩm hơn. Hiện tại bây giờ mức tiêu thụ mỗi ngày chỉ 10kg cũng không hết. Nhiều tiểu thương tại khu chợ này đã nghỉ bán.

thit lon 2.JPG

Việc mua bán trở nên ế ẩm.

Để chứng minh thịt lợn an toàn, có dấu kiểm dịch, thậm chí các tiểu thương đã nấu chín thịt ăn tại chợ nhưng cũng không cải thiện tình hình. Việc ế ẩm vẫn kéo dài do bà con nhân dân e ngại mua thịt lợn. Không còn cách nào khác, các tiểu thương đành đưa số thịt lợn không bán được về ăn dần.

Theo quan sát, có hàng chục gian hàng thịt lợn tại chợ thị xã Quảng Trị trống không do tiểu thương đã nghỉ bán.

Người dân cần bình tĩnh, không nên tẩy chay thịt lợn

Tại chợ Đông Hà – chợ lớn nhất tỉnh Quảng Trị có khoảng 100 quầy bán thịt và các sản phẩm từ lợn. Tuy nhiên, hiện sức mua thịt lợn giảm đáng kể, người bán than ế ẩm dù giá đã giảm từ 5 đến 10 nghìn đồng 1 kg.

Bà Trần Thị Lợi, tiểu thương chợ Đông Hà cho biết, các sản phẩm thịt lợn được bày bán đều được qua kiểm dịch của các cơ quan chức năng. Thế nhưng người tiêu dùng vẫn quay lưng với thịt lợn an toàn.

thit lon 1.JPG

Một số tiểu thương tạm nghỉ bán hàng.

Thị trường ế ẩm, các tiểu thương kinh doanh thịt lợn đành phải hạn chế số lượng hàng nhập về nhưng tình hình cũng không mấy khả quan. Nhiều tiểu thương đã bỏ quầy kinh doanh nhiều ngày nay vì không bán được.

Theo đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Quảng Trị cho hay, công tác kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh đang được các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện nghiêm ngặt. Vì thế người dân không nên hoang mang, lo ngại hoặc tẩy chay thịt lợn an toàn.

Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng cần lựa chọn đúng thịt lợn sạch, không bị bệnh, có nguồn gốc và nhãn mác rõ ràng được cơ quan thú y kiểm dịch và cần chế biến kỹ.

thit lon 4.JPG

Dù cố giải thích thịt lợn an toàn, nhưng người tiêu dùng vẫn quay lưng.

Đến thời điểm này, để ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Quảng Trị đã thành lập 7 chốt kiểm dịch động vật tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao với mục tiêu không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, làm thiệt hại đến tình hình sản xuất, chăn nuôi của người dân.

Đ. Đức