Liệu pháp miễn dịch - "cánh cửa" mới cho bệnh nhân ung thư

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Ung thư có thể chữa trị nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời với liệu pháp miễn dịch.

Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư

Tháng 10/2018, thấy ho kèm lẫn máu, ông V.P. (71 tuổi) đến khám tại Bệnh viện Gia Định (TPHCM) và được chẩn đoán bị ung thư phổi. Khi đó vì khối u quá to nên dù có chỉ định phẫu thuật, bác sĩ cũng không thể mổ cho ông. Ông được giới thiệu sang Bệnh viện Ung bướu TPHCM vì có phương pháp điều trị mới là liệu pháp miễn dịch.

Thời điểm đó, đây là liệu pháp mới nhưng ông vẫn quyết định điều trị. Sau khi làm xét nghiệm và kết quả cho thấy phù hợp, ông bắt đầu điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Rất may mắn sau đó các triệu chứng cũng giảm dần và sau khoảng 6 lần truyền thuốc, khối u đã nhỏ lại.

Ông tiếp tục truyền đủ 35 chu kỳ, định kỳ đi tái khám. Hiện tình trạng sức khỏe của ông ổn định. "Khi mới biết bệnh, tôi cũng bi quan lắm, nghĩ chắc thời gian của mình sắp hết. Nhưng vì nghĩ còn nước còn tát nên tôi quyết định phải thử hết mọi phương pháp và còn cách là còn điều trị", ông P. chia sẻ.

"Cánh cửa" mới trong điều trị ung thư

Liệu pháp miễn dịch - cánh cửa mới cho bệnh nhân ung thư - 1
Tại nước ta, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan (Ảnh: Health).

Mỗi năm, tại Việt Nam có hơn 26.000 ca mắc mới ung thư phổi. Ung thư phổi là dạng ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất ở Việt Nam với tỷ lệ tử vong cao. Ông V.P. là một trong số những bệnh nhân ung thư phổi được tiếp cận sớm với liệu pháp miễn dịch - phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay.

Theo Viện Chăm sóc Sức khỏe New Jersey (HealthCare Institute of New Jersey), trên thế giới, các liệu pháp mới đã góp phần làm giảm số ca tử vong do ung thư. Tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm đối với tất cả các bệnh ung thư được chẩn đoán trong giai đoạn 2004-2010 là 68%, tăng từ 49% trong giai đoạn 1975-1977.

Hiện nay, người dân Việt Nam đã cơ hội được tiếp cận với những liệu pháp điều trị tiên tiến gần hơn. Điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch được giới thiệu tại Việt Nam từ năm 2017. Đây là một liệu pháp tập trung vào việc khai thác hệ thống miễn dịch của cơ thể, từ đó giúp tăng sức mạnh để chống lại các tế bào ung thư một cách có chọn lọc. Liệu pháp miễn dịch hứa hẹn là một chương mới trong điều trị ung thư.

Liệu pháp miễn dịch - cánh cửa mới cho bệnh nhân ung thư - 2
Liệu pháp miễn dịch là một trong những phát minh quan trọng của nền y học thế giới trong việc điều trị ung thư ( Ảnh: EurekAlert). 

Theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, liệu pháp miễn dịch là một đột phá mới hiện nay trong điều trị ung thư. Trước khi có liệu pháp này, hiệu quả điều trị cho một số bệnh ung thư, như ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến tại nước ta, không được như mong muốn.

"Nhiều thử nghiệm lâm sàng cho thấy ung thư phổi là một trong những loại ung thư mà liệu pháp miễn dịch đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Vì vậy, chúng tôi luôn kỳ vọng liệu pháp miễn dịch khi vào Việt Nam có thể đem lại thay đổi cho kết cục điều trị cho nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư phổi và nhiều loại ung thư khác như ung thư đầu cổ, ung thư gan…", bác sĩ Thịnh chia sẻ.

Nhờ tiếp cận phương pháp này, người bệnh ở Việt Nam được tối ưu hóa điều trị trong nước và kết quả chất lượng có thể tiệm cận quốc tế.

Làm gì để nhiều người bệnh được tiếp cận liệu pháp mới?

Để số đông bệnh nhân tiếp cận kịp thời với những liệu pháp tiên tiến cần có nỗ lực từ nhiều bên.

Mặc dù đã có mặt tại Việt Nam hơn 5 năm song liệu pháp miễn dịch hiện vẫn chưa được Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Vì thế, nhiều bệnh nhân dù phù hợp để điều trị với liệu pháp này vẫn khó tiếp cận bởi gánh nặng tài chính.

Để số đông bệnh nhân có thể tiếp cận liệu pháp điều trị mới một cách bền vững cần ưu tiên ngân sách dành cho việc chi trả các thuốc tiên tiến, có hiệu quả.

Bên cạnh đó, để tăng ngân sách cho chăm sóc sức khỏe, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, việc chuyển đổi mô hình tài chính y tế là cần thiết. Một số quốc gia như Trung Quốc đã phát triển mô hình bảo hiểm y tế bổ sung, với mục tiêu giúp thu hẹp khoảng cách giữa bảo hiểm y tế cơ bản và bảo hiểm thương mại. Từ đó, giúp giảm tỷ lệ tự chi trả của bệnh nhân, giúp cải thiện khả năng tiếp cận các loại thuốc và phương pháp điều trị tiên tiến với mức phí bảo hiểm hợp lý.

Bác sĩ Thịnh cho biết, ông mong muốn ngày càng có nhiều bệnh có thể tiếp cận với những loại thuốc đắt tiền song đem lại hiệu quả, lợi ích lớn. Để làm được điều này cần có sự đồng hành của ngành y tế Việt Nam, của Bảo hiểm y tế Việt Nam.