Liệt toàn thân sau tiêm phòng dại!
Sự cố do chích ngừa mới nhất được ghi nhận dưới đây như hồi chuông cảnh báo thống thiết nhất kêu gọi ngành chức năng hãy xem lại công tác này, để mong sao không có thêm những nạn nhân oan uổng vì vắc xin.
Ngày 5/5, anh T.D.H, 27 tuổi, ngụ tại P5, Q5, TPHCM, bị chó cắn, hôm sau anh đến Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM để xin tiêm phòng. Tiêm đến mũi thứ 6 trong loạt 8 mũi vắc xin Rabivax-II do Việt Nam sản xuất, đến ngày 22/5 anh H. cảm thấy chân tay yếu, không thể cử động. Gia đình vội vàng đưa anh vào BV Bệnh Nhiệt đới điều trị. Tại đây, sau khi hội chẩn với bác sĩ BV Chợ Rẫy, ngày 25/5, anh được chuyển sang BV này để điều trị tiếp với chẩn đoán liệt mềm cấp do tai biến vắc xin!
Rabivax: WHO kêu bỏ, Việt Nam vẫn dùng!
Một bác sĩ của BV Bệnh nhiệt đới cho biết nơi này đã làm chẩn đoán PCR bệnh dại cho anh H. với kết quả âm tính, điều đó khẳng định anh đã bị tai biến thần kinh do vắc xin Rabivax (còn gọi là vắc xin dại fuenzalida). Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết vắc xin này do Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 2 của Khánh Hoà sản xuất, chế tạo bằng cách tiêm vi rút dại vào não chuột bạch còn bú 4 ngày tuổi, 4 ngày sau đó người ta lấy não này để làm vắc xin.
Sau khi được chuyển giao kỹ thuật bởi nước ngoài vào năm 1974, một số công ty Việt Nam đã làm ra hàng chục triệu liều vắc xin, góp phần hạn chế tử vong do bệnh dại gây ra.
Tuy nhiên, kể từ vài năm trở lại đây, Rabivax ngày càng bị nghi ngờ về hiệu quả bảo vệ miễn dịch, những phản ứng phụ sau chích, trong đó đáng nói nhất là tai biến thần kinh. BS Châu Hoàng Sơn, thư ký Chương trình phòng chống dại khu vực phía Nam, Bộ Y tế, khoa y tế công cộng Viện Pasteur TPHCM, cho biết từ năm 2002 - 2005, năm nào cũng có 1-3 trường hợp tử vong vì chó cắn dù trước đó họ có chích 6 - 8 mũi Rabivax!
Không những không đủ khả năng bảo vệ, Rabivax còn gây ra nhiều phản ứng sau tiêm. Trong một nghiên cứu của Đinh Kim Xuyến, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Hà Nội, cả 80 bệnh nhân trong một lô tiêm ngừa dại đều có phản ứng phụ tại chỗ hoặc toàn thân, trong đó bị hai phản ứng là 46,1 - 50% và bị ba phản ứng là 25 - 38,5%.
Vì những lý do trên, ngay từ năm 1985 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo các nước nên bỏ vắc xin ngừa dại làm từ não động vật mà thay bằng vắc xin làm từ tế bào, vì loại này an toàn, không có tai biến thần kinh, đáp ứng miễn dịch nhanh, thời gian bảo vệ kéo dài. Vì thế, từ năm 2006 Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã ngưng sản xuất vắc xin dại làm từ não chuột, còn Viện Pasteur TPHCM thì ngưng vào tháng 1/2007, chuyển sang phân phối vắcxin dại thế hệ mới Verorab, làm từ tế bào do Pháp sản xuất. Hai “anh cả” của ngành vắc xin Việt Nam đã ngưng sản xuất Rabivax, nhưng không hiểu sao Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 2 Khánh Hoà vẫn làm, Bộ Y tế thì cho phép lưu hành, thế là tai biến khủng khiếp đã đổ ập lên đầu anh T.D.H!
Không phải trường hợp đầu tiên
Ngày 11/6, tại khoa nội thần kinh BV Chợ Rẫy, trên một chiếc giường của góc phòng cấp cứu, anh H. vẫn tỉnh táo, mở mắt nhưng không nói được, hai tay và hai chân thì không thể cử động và chiếc cổ được mở khí quản của anh, không ai là không xót xa. Người nhà cho biết từ khi bệnh đến nay anh sống nhờ dịch truyền và thức ăn truyền qua ống sonde.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây không phải là ca đầu tiên bị tai biến thần kinh do tiêmh Rabivax. Vào năm 1999, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận 1 bệnh nhân 39 tuổi, ngụ tại Đức Trọng - Lâm Đồng, bị liệt tay - chân dù mới tiêm vắc xin dại fuenzalida đến liều thứ 3. Trường hợp này được đánh giá nhẹ hơn trường hợp của anh H., nhưng phải mất 3 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân mới phục hồi được phần nào. Cho đến nay, hơn 10 năm sau sự cố, bệnh nhân vẫn không trở lại như bình thường vì thần kinh bị tổn thương không thể phục hồi. Ca bệnh đã được báo cáo trên tạp chí Journal of Neurology – Neurosurgery and Psychiatry JNNP (Anh), thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo các nhà chuyên môn, do Rabivax làm từ não chuột, nên trong quá trình điều chế người ta không thể làm sạch hết những protein lạ. Khi vào cơ thể người, các protein này tấn công vào hệ thần kinh và gây tổn thương. Tỷ lệ tai biến thần kinh do chích Rabivax là khá cao, trên dưới 1/10.000!
Vì lý do trên, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã làm ra vắc xin ngừa dại từ tế bào người (HDPV), tế bào Vero thận khỉ Cercopithecus aethiops (Verorab) có lợi điểm an toàn, dễ sản xuất. Verorab đã có mặt ở nước ta từ năm 2004, được kiểm định chất lượng và Bộ Y tế cho phép lưu hành. Tuy nhiên, nhược điểm của vắc xin là giá thành khá cao. Để giảm chi phí cho bệnh nhân, Viện Pasteur TP.HCM đã tổ chức đóng gói bao bì, nhờ thế giá 1 liều chích còn 115.000 đồng. Mới nhất, bằng cách tiêm trong da thay vì tiêm bắp, hiệu quả và an toàn như nhau, người ta giảm được 2/3 lượng vắc xin đưa vào cơ thể, nên giảm được 2/3 chi phí điều trị.
Theo Phan Sơn
Sài Gòn tiếp thị