1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lịch sinh hoạt "chuẩn"

(Dân trí) - Luôn có từng thời điểm tối ưu cho từng việc, từ ăn sáng đến uống vitamin hay “thụ thai” suôn sẻ. Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia, giúp bạn sống khỏe nhờ tuân thủ đúng nhịp sinh học cơ thể.

 

Lịch sinh hoạt "chuẩn" - 1


 

6h: Dành cho chuyện “yêu”

 

Thời điểm phổ biến cho “chuyện ấy” thường là vào buổi tối nhưng nếu đang mong chờ 1 đứa con, hãy “khởi động” vào sáng sớm.

 

“Xét về mặt hormone, đây là thời điểm tốt nhất trong ngày, khi mà hormone “yêu” là oestrogen và testosterone đang ở mức “đỉnh”. Thời điểm này, cơ thể người phụ nữ thực sự là mảnh đất “màu mỡ” nhất cho sự nảy nở một mầm sống”, chuyên gia tâm lý học, TS Pam Spurr giải thích.

 

7h: Ăn sáng

 

Sau 9 tiếng không được “nạp” năng lượng, cơ thể đang ở tình trạng “đói khát”. Đây là thời điểm các chất béo, thậm chí là các bắp thịt và cơ cũng bị huy động như một nguồn dự trữ. Kết quả là gây ra cảm giác yếu mệt.

 

Ngoài ra, lượng glucose hữu hạn cung cấp cho cơ thể sẽ bị dùng ngay vào sáng sớm. Não bộ sẽ không còn hoạt động bình thường khi chúng không nhận đủ lượng glucose cần thiết.

 

Vì thế sẽ rất tốt cho chuyện ăn uống trong vòng 1 tiếng sau khi thức giấc.

 

Theo chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm Ursula Arens, Quỹ Dinh dưỡng Anh, ăn ngũ cốc không xay xát kỹ sẽ giúp cơ thể tràn đầy năng lượng lâu hơn.

 

7h15: Uống đa sinh tố

 

Các loại dưỡng chất trong đó có vitamin B sẽ hoạt động như một chất kích thích vì thế sẽ là tốt nhất khi uống chúng vào buổi sáng.

 

Lưu ý không uống vitamin bổ sung khi dạ dày đang trống rỗng - chúng sẽ nhanh chóng bị đào thải qua đường tiểu và người uống sẽ cảm thấy buồn nôn.

 

7h30: Đánh răng

 

Sau khi kết thúc bữa sáng 30 phút, hãy chải răng. Men răng trước thời điểm này rất dễ bị ăn mòn do ăn và uống các loại thực phẩm có tính axit.

 

8h30: “Tắm” ánh sáng tự nhiên

 

Thường chúng ta rời nhà khi trời nhá nhem và dành cả ngày dưới ánh đèn điện của văn phòng mà quên mất rằng ánh nắng mặt trời mới mang lại sự sống.

 

Ánh sáng tự nhiên sẽ giúp cơ thể phục hồi nhịp sinh học - nhịp sinh học này có chu trình khép kín là 24 giờ và nó giúp điều chỉnh giấc ngủ - và báo hiệu cho cơ thể giảm sản xuất melatonin, hormone gây buồn ngủ.

 

Theo nghiên cứu của trường London, ánh sáng là một chất chống trầm cảm tự nhiên và kích thích cơ thể sản xuất vitamin D, giúp chống ung thư, bệnh tim.
 
Tắm mình trong ánh sáng tự nhiên là tốt nhất nếu không ngồi bên cửa sổ cũng rất hữu ích.

 

10h: Xử lý công việc khó

 

Theo các nhà nghiên cứu ở TT Rối loạn Ngủ - Thức (New York, Mỹ), tâm trí sẽ sáng suốt nhất khi tập trung cao nhất, ghi nhớ nhanh và có tính logic. Tác dụng của bữa sáng lúc này cũng sẽ được “kích hoạt”, kéo lượng glucose trong cơ thể đạt mức cao. Đây là thời điểm tốt nhất để xử lý các vấn đề khó hay hoàn tất danh sách công việc.
 

11h: Giải quyết “nỗi buồn”

 

Đây là thời điểm thận làm việc nặng nhọc nhất và vì thế cần “giải thoát” cho thận khỏi gánh nặng của lượng nước thải ra suốt 3-4 tiếng qua.

 

Tình trạng này là do những gì bạn uống từ lúc sáng sớm, như cà phê, các loại thực phẩm nhiều nước.

 

Nếu cố nhịn, có thể dẫn tới nhiễm trùng đường tiểu, thậm chí là sỏi thận.

 

13h: Ăn trưa

 

Đây là thời điểm hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả nhất. Theo chuyên gia dinh dưỡng Ursula Arens, một bữa ăn trưa nhẹ với lượng protein và tinh bột-đường cân bằng sẽ giúp bạn sung sức tới tối, không nhất thiết phải bổ sung thêm bữa phụ giữa giờ. Còn nếu thấy đói thực sự có thể chọn 1 đồ ăn nhẹ.

 

Bữa ăn nhẹ có thể làm mức đường huyết trong cơ thể mất ổn định mà điều này lại liên quan với bệnh tim.

 

13h30: Viết những bức thư quan trọng

 

Theo một nghiên cứu từ các trường ĐH Glasgow và Paisley, hơn 1/3 trong chúng ta bị stress bởi những bức thư, đặc biệt là phụ nữ. Nỗi lo lắng khi phải gửi 1 bức thư “khó viết” có thể làm huyết áp tăng cao.

 

Vậy nên gửi thư sau bữa ăn trưa, thời điểm người nhận đã nghỉ ngơi và dễ “tiếp thu”, kết quả là bạn sẽ sớm nhận được hồi âm và cảm thấy hài lòng.

 

15h: Đi bộ 1 chút

 

Do bữa trưa đang được tiêu hóa nên có thể sẽ có cảm giác uể oải. Trong quá trình này, máu sẽ tập trung vào dạ dày, ít “chú ý” tới não nên không thể có được sự lanh lợi.

 

Tuy nhiên, đừng ngủ trưa lúc này vì có thể bị rối loạn giấc ngủ đêm. Thay vào đó hãy đi vòng vòng 20 phút dưới ánh nắng để cơ thể được bổ sung vitamin D, nguồn dinh dưỡng quý giá đối với hệ xương.

 

16h: Tiêm hay thay băng

 

Đây là thời điểm lý tưởng để vượt qua một cơn đau. Lượng endorphins-chất dẫn truyền thần kinh trong não sẽ giúp giảm đau- sẽ đạt đỉnh và vì thế những đau đớn sẽ giảm bớt phần nào.

 

17h30: Luyện tập

 

Đây là thời điểm thân nhiệt đang đạt tới đỉnh, sức mạnh cơ bắp đạt tối đa, sự mềm dẻo, linh hoạt và sức chịu đựng là tốt nhất.

 

Người trưởng thành cần tập vừa phải 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần hoặc 20 phút tập cật lực, 3 lần/tuần. “Vừa phải” có nghĩa là đi bộ hay làm vườn; tập tích cực là chạy hay đạp xe.

 

Việc tập luyện sẽ giúp máu lưu thông và giữ cho trái tim khỏe mạnh, chống lại các bệnh tim và đột quỵ.

 

18h30: Mua giày dép

 

Đôi chân lúc này sẽ “lớn nhất” do lượng chất lỏng trong cơ thể dồn về. Vì thế mua một đôi giày vừa vặn vào buổi sáng sẽ khiến đôi chân cả ngày không được thoải mái.

 

19h: Uống 1 ly vang đỏ

 

Gan có khả năng thải độc từ rượu tốt nhất ở thời điểm này. Nhưng nhớ chỉ là 1 ly thôi đấy, nếu không nó sẽ ảnh hưởng tới nhịp sinh học cơ thể và gây ra mất ngủ.

 

19h30: Ăn tối

 

Nhiều năm qua, chúng ta ít quan tâm tới thời điểm ăn tối mà chỉ nghĩ tới những gì mình ăn. Nhưng một nghiên cứu của trường ĐH Northwestern cho thấy ăn tối không vào một giờ cố định có thể gây tăng cân do nhịp sinh học cơ thể chỉ tiếp nhận thực phẩm vào một số thời điểm nhất định, và khi “quá giờ” hay “chưa tới” đều có thể gây ảnh hưởng tới quá trình chuyển dưỡng của cơ thể.

 

Vậy nên bữa ăn cần kết thúc trước giờ đi ngủ 2-3 tiếng để tránh gây rối loạn đường huyết và khó ngủ.

 

21h30: Chuẩn bị đi ngủ

 

Lúc này bạn có thể bắt đầu những thói quen trước lúc ngủ. Những công việc như vệ sinh răng miệng, cơ thể trước khi ngủ sẽ giúp cơ thể có thói quen chuẩn bị đi vào giấc ngủ. Thư giãn trong môi trường yên tĩnh khoảng 1 tiếng trước khi ngủ.

 

Trung bình chúng ta cần 7-8 tiếng để ngủ. Bạn nên ngủ và thức giấc vào 1 giờ nhất định. Sẽ phải mất tới 3 tuần để cơ thể “quen” với lịch này nhưng nó thực sự đáng giá đấy!

 
Nhân Hà - Nguyễn Thúy
Theo DM