"Lão hóa" thính lực vì tiếng ồn
"Ô nhiễm" tiếng ồn tại khu vực đô thị có mối liên hệ chặt chẽ với sự suy giảm thính lực của người dân
Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động ở tất cả ngành nghề, khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định.
Đôi tai bị quá tải
Mới đây, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế đã công bố kết quả nghiên cứu tiếng ồn ở khu vực đường và nút giao thông tại Hà Nội. Theo nghiên cứu này, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 78 decibel-A (dBA - mức âm quy định của tiếng ồn), vượt 10% tiêu chuẩn cho phép; còn ban đêm vượt gần 20%.
Trong khi đó, ở các khu công nghiệp, người lao động đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Ước tính có khoảng 10-15 triệu người trong số hơn 52 triệu người lao động đang phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định.
PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, cho biết "ô nhiễm" tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe lớn thứ 2 sau bụi.
Tiếng ồn không tích lũy trong môi trường như ô nhiễm các chất độc nhưng tác động vào con người và có thể để lại hậu quả lâu dài. Ngoài ảnh hưởng đến cơ quan thính giác (gây ù tai, giảm sức nghe), "ô nhiễm" tiếng ồn còn gây rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy giảm nhận thức ở trẻ em...
Các nguồn gây "ô nhiễm" tiếng ồn chính gồm: tiếng ồn giao thông, tiếng ồn trong xây dựng, tiếng ồn trong sinh hoạt, tiếng ồn trong hoạt động công nghiệp và sản xuất.
Ông Vũ Xuân Trung, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp - Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết đã có nhiều nghiên cứu về "ô nhiễm" tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Một thống kê cho thấy khoảng 10%-30% số người lao động bị giảm khả năng nghe khi làm việc ở các ngành cơ khí, đóng tàu, khai thác mỏ đá, than (khu vực nghiền, sàng), sản xuất xi măng (vị trí máy nghiền, nghiền bi), nhiệt điện, nhân viên cung cấp dịch vụ mặt đất sân bay...
Cần xây tường cao
Tổ chức Y tế thế giới từng công bố một khảo sát về hậu quả của "ô nhiễm" tiếng ồn cho thấy tình trạng "lão hóa" thính lực của cư dân ở những thành phố "ô nhiễm" tiếng ồn nhất thế giới nhanh hơn 10 năm so với những cư dân sống ở những thành phố ít "ô nhiễm" tiếng ồn nhất.
Qua thăm khám sức khỏe cho người dân ở độ thị, công nhân dệt may, dệt, thợ mộc; những người làm quán bar, DJ âm nhạc... có tỉ lệ lớn bị mệt mỏi, stress, ù tai, rối loạn tiền đình.
Theo các chuyên gia y tế, thông thường sức nghe của tai người chịu được độ ồn trong ngưỡng từ 0-100 dBA nhưng với âm thanh cường độ tới 85dBA, người nghe thường đã có cảm giác chói tai. Với trẻ em, việc phải tiếp xúc với tiếng ồn ở cường độ này từ 1 giờ trở lên sẽ có nguy cơ cao bị hỏng tai.
Các nghiên cứu về tác hại của tiếng ồn đối với con người cũng chỉ ra rằng tiếng ồn 50 dBA sẽ làm giảm hiệu suất làm việc, nhất là đối với lao động trí óc. Tiếng ồn 70 dBA làm tăng nhịp thở và nhịp đập của tim, tăng nhiệt độ cơ thể và tăng huyết áp, ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày và giảm hứng thú lao động. Tiếng ồn 90 dBA gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.
Bà Hà Lan Phương, Phó trưởng Khoa Khám bệnh chuyên ngành Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, cảnh báo tiếng ồn trong môi trường lao động làm tăng khả năng xảy ra tai nạn lao động do khả năng nghe bị cản trở, khiến công nhân khó nghe hoặc nghe không đúng lời nói cũng như tín hiệu âm thanh cảnh báo nguy hiểm. Tiếng ồn cũng gây căng thẳng thần kinh, tâm lý, tăng gánh nặng lao động, giảm tập trung và tăng khả năng sai sót trong công việc.
Theo bác sĩ Phương, cần giảm thiểu tiếng ồn từ các phương tiện tham gia giao thông tại các khu đô thị, cụ thể là hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường giao thông công cộng; cấm hoạt động các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn. Riêng đối với các khu vực cần yên tĩnh như bệnh viện, trường học, đường cao tốc qua khu dân cư…, cần xây tường cao chắn ồn.
Đề cập việc giảm thiểu tiếng ồn tại các khu công nghiệp, PGS Doãn Ngọc Hải cho rằng hằng năm, số công nhân thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn có nguy cơ bị bệnh điếc nghề nghiệp. Vì vậy, trong sản xuất phải thay thế, sửa chữa thiết bị cũ để giảm nguồn gây ồn; tăng cường trang thiết bị bảo hộ chống ồn cho người lao động thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn cao.
Gây ồn vượt chuẩn sẽ bị phạt
Theo quy chuẩn Việt Nam, sau 21 giờ, tiếng ồn không được phép vượt quá 55 dBA. Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA; phạt tiền từ 1-160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA trở lên.
Theo Ngọc Dung
Người lao động