Lao đa kháng thuốc - Bác sĩ bó tay

Một bạn đọc gọi điện thoại đến tòa báo cầu cứu: “Cô ơi, có cách nào giúp cho cháu tôi. Cháu tôi bị bệnh lao đa kháng thuốc, bác sĩ bảo không còn cách điều trị. Hiện cháu đã về quê chờ chết...”. Người gọi cho biết bệnh nhân tên Nguyễn Thị Nhụy Hà, 31 tuổi.

Bệnh nhân tuyệt vọng

 

Chúng tôi liên hệ với bệnh nhân Nguyễn Thị Nhụy Hà (Phan Rang, Ninh Thuận). Giọng cô đứt quãng, hổn hển vì những cơn ho, tức ngực và khó thở. Nói được một hai câu, Hà phải ngưng lại để thở.

 

Trước khi bị bệnh, Hà làm công nhân cho một công ty mỹ nghệ ở Q.Thủ Đức, TPHCM. Giữa năm 2004, cô phát bệnh lao và được điều trị tám tháng tại trạm chống lao Q.9 (TPHCM). “Khi điều trị, tôi thấy vẫn khỏe, không có triệu chứng gì khác thường và hằng ngày vẫn đi làm. Tuy nhiên, một lần trong lúc bê thau quần áo, tôi ho một tiếng và máu tươi ộc ra khỏi miệng. Tối hôm ấy, khi đi làm về tôi ho rất nhiều và tiếp tục ộc máu tươi. Vì không có tiền, cha tôi bảo về quê. Sau năm ngày điều trị ở Bệnh viện Phan Rang, bác sĩ cho xuất viện”.

 

Sau đó, Hà quay vào TPHCM, đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khám bệnh và thử kháng sinh đồ. Kết quả cô bị kháng 4/5 loại thuốc điều trị lao. BS nói bệnh của cô không có thuốc điều trị.

 

Tháng 12/2005 Hà đến phòng mạch tư của giáo sư P.L.T. điều trị. Tiền thuốc điều trị mỗi tháng từ 1,4 - 2 triệu đồng. Điều trị được nửa năm, vị giáo sư này thông báo là bệnh của cô có uống thuốc hoài cũng không khỏi.

 

Hà nghẹn ngào nước mắt: “Tôi không rượu chè, không hút thuốc lá, sao lại bị bệnh này? Bây giờ tôi về nhà nằm chờ chết thôi”. Cha Hà không đành lòng nhìn con gái ngày càng suy kiệt (từ 54kg giờ chỉ còn 42kg) vì bệnh nên đã vào Sài Gòn tìm việc để có tiền mua thuốc cho con.

 

Mẹ cô nghe người ta mách ăn gà ri chưng thuốc bắc có thể hết bệnh lao cũng tất tả tìm mua thuốc bắc, gà ri để bồi dưỡng cho Hà. “Cả gà, cả thuốc một ngày 50.000đ. Tôi biết cha mẹ chẳng thể nào lo hoài...” - giọng Hà đứt quãng.

 

Chỉ riêng TPHCM hiện có gần 1.000 bệnh nhân lao kháng thuốc đang từng ngày đối diện với cái chết. Đã có một tia hy vọng cho các bệnh nhân này, nhưng cả thầy thuốc và bệnh nhân vẫn phấp phỏng, lo âu vì thiếu thuốc…

 

Chưa có phác đồ điều trị

 

BS Nguyễn Đình Duy - Phó Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - cho biết hiện TPHCM có hơn 10.000 người mắc bệnh lao. Trong đó, hằng năm có khoảng 200 trường hợp bệnh nhân thất bại với công thức tái điều trị.

 

Thống kê của Chương trình chống lao thành phố cho thấy hiện có khoảng 600-700 trường hợp lao mãn tính (bị kháng hầu hết với tất cả các loại thuốc hiện hành) sống trong cộng đồng, chưa kể số còn đang điều trị tại phòng mạch tư và đã chết. Hiện Chương trình chống lao quốc gia chưa có phác đồ điều trị lao đặc hiệu cho những bệnh nhân này.

 

Theo BS Duy, lao kháng thuốc là nguồn lây lao nguy hiểm cho cộng đồng, vì vi trùng từ người bệnh lây sang cho người lành là vi trùng đã kháng với các loại thuốc lao. Và cứ thế tiếp tục lây lan nhiều hơn nữa nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

 

BS Phan Thượng Đạt - phụ trách Chương trình chống lao - cho biết bệnh nhân bị kháng thuốc lao thông thường có thể bị kháng một trong nhiều loại thuốc điều trị lao. Còn lao đa kháng thuốc là vi trùng lao kháng hai loại thuốc chủ lực điều trị lao là INH và Rifampicine.

 

Nguyên nhân của kháng thuốc lao do người bình thường bị lây trực tiếp vi trùng lao từ người bị kháng thuốc, hoặc do quá trình điều trị bệnh lao, bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị đúng và đủ liều, nên tự mình gây ra lao kháng thuốc cho bản thân. Điều đáng lo là hầu hết người bị kháng thuốc lao là đa kháng thuốc.

 

Thiếu thuốc

 

Từ tháng 4/2006, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch triển khai thí điểm việc điều trị lao kháng thuốc tại bệnh viện theo phác đồ mới gồm 5 loại thuốc nhóm thứ hai là Kanamycin, Ethionamide, Cycloserine, PAS và Fluoroquinolone. Thuốc nhóm hai có ưu điểm là hiện nay còn rất ít người bị kháng và cũng ít khi BN bị kháng hết các loại thuốc này.

 

Tuy nhiên, thuốc có nhược điểm là thời gian điều trị rất dài (khoảng 18 - 24 tháng), tỉ lệ sau khi dùng thuốc khỏi bệnh thấp, chỉ khoảng 50-60%. Nếu người bệnh không tuân thủ, hoặc không có điều kiện điều trị đủ liều thì khả năng lành bệnh rất thấp và tỉ lệ tái phát rất cao.

 

Nếu bệnh nhân bị kháng luôn cả thuốc nhóm thứ hai này thì không còn cách nào cứu chữa. Có thể nói đây là cơ hội cuối cùng để bệnh nhân được chữa lành bệnh.

 

BS Đình Duy cho biết vì là triển khai thí điểm, chưa có kinh phí của Chương trình chống lao quốc gia hỗ trợ, nên người bệnh phải tự chi trả tiền thuốc kháng lao theo phác đồ mới khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Sau hơn 3 tháng thực hiện, trong số 16 bệnh nhân bị lao đa kháng thuốc đã có tám trường hợp âm hóa đàm (không còn vi trùng lao).

 

Theo Lê Thanh Hà

Tuổi trẻ