1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lan tỏa thông điệp “chung tay vì sự sống” tại Ninh Bình

(Dân trí) - Ngày 18/10, tại Ninh Bình đã diễn ra lễ phát động phong trào đăng ký hiến mô, tạng. Ban tổ chức đã phát đi thông điệp “Chung tay vì sự sống” đến mọi người dân để ý nghĩa của việc hiến mô, tạng được lan rộng “cho đi là còn mãi”.

Lễ phát động phong trào đăng ký hiến mô, tạng do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia phối hợp với Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam, Hội Ghép tạng Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình tổ chức, có hơn 400 người đến tham dự.

Hơn 400 người tham gia lễ phát động hiến mô, tạng tại Ninh Bình.
Hơn 400 người tham gia lễ phát động hiến mô, tạng tại Ninh Bình.

Ninh Bình là trong những địa phương đi đầu cả nước trong phong trào hiến mô, tạng. Đây là địa phương có người hiến giác mạc sau khi qua đời đầu tiên trong cả nước. Năm 2007, cụ Nguyễn Thị Hoa ở huyện Kim Sơn sau khi qua đời đã hiến giác mạc của mình để đem lại ánh sáng cho những người khác.

Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình có trên 15.000 người đăng ký hiến mô, tạng. Số người đã hiến giác mạc lên đến gần 300 người, đem lại ánh sáng cho gần 600 người mù sau khi nhận được giác mạc của người qua đời.

Các tình nguyện viên đăng ký hiến mô, tạng tại lễ phát động.
Các tình nguyện viên đăng ký hiến mô, tạng tại lễ phát động.

Tấm gương nổi bật nhất trong phong trào hiến mô, tạng ở Ninh Bình là Thiếu tá Lê Hải Ninh - người có nguy cơ bị chết não sau một vụ tai nạn. Gia đình quân nhân đã nén đau thương, vượt qua rào cản tâm linh, tình nguyện hiến mô, tạng cứu người. Việc làm cao cả của gia đình thiếu tá Ninh đã tạo hiệu ứng lan tỏa tốt đẹp, đến nay Ninh Bình là đơn vị đứng đầu toàn quốc về công tác vận động hiến mô, tạng.

Tại lễ phát động, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo cho gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh. GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến việc hiến mô, tạng. Đồng thời cũng phát đi thông điệp đến với các hội viên, tình nguyện viên và người dân về ý nghĩa của việc hiến một phần cơ thể khi qua đời, “cho đi là còn mãi”.

Các thành viên Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình diễu hành tuyên truyền người dân thông điệp cho đi là còn mãi.
Các thành viên Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình diễu hành tuyên truyền người dân thông điệp "cho đi là còn mãi".

“Một ngày nào đó nếu không may chết não, qua đời, ước mong khi trở về cát bụi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác” – GS.TS Sơn chia sẻ.

Được biết, năm 2017 có số lượng ghép tạng cả nước nhiều nhất với 673 ca. Đến nay, toàn quốc có 82 người chết hiến tạng, trung bình mỗi năm có 10 người. Nếu tính theo tỷ lệ dân số thì một triệu người dân mới có 0,11 người hiến tạng khi chết. Trong khi đó, tại Australia là 20,7 lần (gấp Việt Nam 200 lần) và ở Mỹ là 31,6 lần (gấp gần 300 lần).

Sau lễ phát động, có 200 người đã đăng ký hiến mô, tạng. Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình đã tổ chức một đoàn xe 200 người cổ động, mang thông điệp hiến tặng mô tạng tới từng con phố, từng người dân thành phố Ninh Bình để lan tỏa thông điệp “Hãy đăng ký hiến tặng mô tạng để sự sống được nối dài” tới mọi người dân.

Thái Bá