Lầm tưởng về “thần dược” thực phẩm chức năng

(Dân trí) - Thực phẩm chức năng (TPCN) là một sản phẩm tốt hỗ trợ, bổ sung và nâng cao sức đề kháng. Thế nhưng, những hiểu biết không đúng về sản phẩm, sự quảng cáo thái quá dẫn đến việc nhiều người dân hiểu nhầm, thần thánh hóa sản phẩm này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không bổ ngang cũng bổ dọc!

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), TPCN là sản phẩm có tác dụng hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể con người, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Trên thế giới từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, thực phẩm chức năng đã phát triển đặc biệt là ở Nhật, Hàn Quốc, Mỹ...

Sử dụng TPCN có vai trò rất lớn trong công tác dự phòng bệnh, và là một xu hướng trên toàn thế giới. Tại những nước phát triển như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada việc sử dụng TPCN là rất phổ biến. Tại Mỹ, trên 70% dân sử dụng TPCN hàng ngày. Việt Nam ta cũng không nằm ngoài quy luật này. Dù TPCN mới vào VN từ năm 2000 nhưng đến nay đã có hơn 10.000 sản phẩm lưu hành trên thị trường, trong đó nhập khẩu chiếm đến 40%. Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, đã có thêm gần 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh TPCN.

Tuy nhiên, thực phẩm chức năng ở Việt Nam đang bị hiểu sai bởi nhiều doanh nghiệp vì muốn bán được nhiều sản phẩm đã quảng cáo quá mức, dẫn đến nhiều người coi thực phẩm chức năng là thần dược, là thuốc chữa bách bệnh.

“Khi thanh kiểm tra, chúng tôi phát hiện có những sản phẩm thực tế công dụng là nâng cao sức đề kháng nhưng quảng cáo chữa cả HIV, ung thư. Tôi cho rằng việc quảng cáo vống đó gây hậu quả rất lớn. Ví như một người bị ung thư chẳng hạn, đáng lẽ phát hiện sớm họ có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị giúp người bệnh kéo dài cuộc sống, thậm chí khỏi bệnh hoàn toàn.

Nhưng vì tin vào quảng cáo lừa dối như vậy dẫn đến người bệnh tin, hi vọng dùng thực phẩm chức năng là khỏi bệnh ung thư nên đã mua về dùng trong thời gian dài thấy không khỏi, ngày càng nặng hơn mới vội tới viện. Lúc này, tình trạng bệnh nhân đã qua thời điểm vàng điều trị ung thư, dẫn đến khi đó, phẫu thuật không được, xạ trị cũng không xong vì đã ở giai đoạn muộn. Tôi cho rằng đó là cái tội của việc quảng cáo thực phẩm chức năng chứ không chỉ gian dối về thương mại. Các hàng hóa khác, quảng cáo gian dối người tiêu dùng chỉ mất tiền. Nhưng riêng với thực phẩm chức năng, gian dối thì không những mất tiền người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến tính mạng”, ông Phong nói.

Dự phòng bệnh!

Ngoài việc “thần thánh hóa” thực phẩm chức năng chữa bách bệnh, nhiều người còn có thói quen sử dụng vô tội vạ các loại thực phẩm này với quan niệm “không bổ ngang thì cũng bổ dọc”. Về vấn đề này, TS.BS Lê Danh Tuyên, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: “Rõ ràng thực phẩm chức năng tác dụng là sử dụng vi chất dinh dưỡng để bổ sung, phục hồi, đảm bảo chức năng nào đó của cơ thể. Tuy nhiên, người dân cần phải biết, dù các vi chất dinh dưỡng, chất khoáng rất cần cho cơ thể, nhưng cần ở mức độ nhất định, không thể dùng quá liều. Hành lang an toàn ở giữa thiếu - thừa, ăn không được thiếu, không được thừa. Lạm dụng thực phẩm chức năng là rất không nên”.

“Mặt tốt của thực phẩm chức năng cũng cần khẳng định, nhưng không nên cho là sản phẩm chữa bách bệnh, dễ hiểu lầm và người tiêu dùng lạm dụng, rất không tốt. Với thực phẩm chức năng tốt, không bị làm giả dùng quá liều đã là không tốt, nếu không may sử dụng phải những loại làm nhái thì càng nguy hại hơn”, TS Tuyên nói.

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của TPCN trong việc dự phòng, nâng cao sức khỏe người sử dụng hay hỗ trợ cho công tác điều trị bệnh. Bộ Y Tế cũng đã khẳng định và luật hóa điều này một cách rõ ràng trong Luật An toàn Thực phẩm. Theo Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.

“Người dân cần phải hiểu, TPCN không phải là thuốc điều trị, dùng đúng có tác dụng nâng cao sức đề kháng, nâng cao sức khỏe, hỗ trợ điều trị… Tôi cho rằng việc chủ động dự phòng, tránh mắc bệnh cũng là một hình thức giảm tải cho ngành y tế”, ông Phong nói.

Để tránh những hiểu sai về TPCN qua hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp, nghị định Chính phủ ban hành về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP thì mức xử phạt tăng lên cao gấp 3 – 5 lần so với hiện nay. Thậm chí, Luật ATTP cho phép phạt gấp 7 lần đối với hành vi vi phạm mang tính chất tăng nặng. Ngoài ra sẽ có hình phạt bổ sung thu hồi giấy phép hoạt động.

Ngoài ra, để tăng cường quản lý thực phẩm chức năng, Bộ Y tế vừa ra văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý thực phẩm chức năng.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo, đài quản lý chặt chẽ việc quảng cáo TPCN. Chỉ tiến hành quảng cáo TPCN khi nội dung quảng cáo đã được cơ quan y tế thẩm định. Xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý TPCN, đặc biệt là quảng cáo không đúng quy định. Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực: chống buôn lậu, hàng giả, kinh doanh bán hàng đa cấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Băng Thu