"Làm ngơ" khi bệnh nhân tâm thần tự gây thương tích?
(Dân trí) - Một số chuyên gia lập luận rằng các cơ sở điều trị bệnh tâm thần nên xem xét cung cấp dụng cụ cắt vô trùng cho một số bệnh nhân tự gây thương tích vì việc cưỡng ép họ ngừng hành vi này sẽ gây hại nhiều hơn về lâu dài.
Quan điểm ủng hộ
Patrick Sullivan, một nhà nghiên cứu có kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe tâm thần, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Đạo đức và chính sách xã hội tại Đại học Manchester, cho rằng các các bác sĩ nên cho phép một số người tiếp tục tự gây thương tích đồng thời cung cấp thông tin về an toàn và điều trị để giúp bệnh nhân hiểu được hành động của mình và phát triển các chiến lược đối phó thay thế.
"Khi ngăn chặn, thay vì kiểm soát, sẽ làm vấn đề thêm trầm trọng, tạo ra sự phản kháng, làm tăng mức độ bệnh, làm giảm cơ hội đạt được kết quả tích cực về lâu dài", ông viết trên tạp chí Journal of Medical Ethics.
"Những bệnh nhân có tiền sử lạm dụng hoặc chấn thương sẽ có cảm giác bất lực khi bị kiểm soát và trong trường hợp nặng có thể dẫn đến chấn thương thêm do sẽ tự gây thương tích một cách bí mật, theo cách nguy hiểm hơn... và khiến họ rời bỏ việc điều trị ", ông viết.
Nhiều lo ngại
Nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần đã bày tỏ lo ngại về những tác động đạo đức, pháp luật và thực tiễn trong đề xuất của Sullivan.
Theo bác sĩ Hanna Pickard và Steve Pearce, cho phép tự gây hại đôi khi sẽ “lây lan" giữa các bệnh nhân.
TS. Pickard, một nhà nghiên cứu tại Đại học Birmingham, và TS. Pearce, Oxford Health NHS Foundation Trust, cũng cho biết có thể sẽ có tác động tâm lý đến nhân viên y tế nếu hành vi của bệnh nhân dẫn đến thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong.
Tuy đồng ý rằng việc ủng hộ sự độc lập và tự do cơ bản của người dễ bị tổn thương là quan trọng, song các chuyên gia cho rằng "hình thức giảm thiểu tác hại mà Sullivan chủ trương ở cơ sở điều trị nội trú không phải là biện pháp muốn thúc đẩy".
Martina Di Simplicio, một thành viên của Hội đồng nghiên cứu y khoa đã làm việc với những thanh thiếu niên tự gây thương tích, cho biết có bằng chứng là việc tự gây thương tích lặp đi lặp lại có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian và làm tăng nguy cơ tự tử hoặc tử vong do tai nạn.
Khó ước tính số người tự gây thương tích
Rất khó để ước tính số người cố tình tự gây thương tích bởi vì những người này thường giữ kín hành vi của họ.
Tổ chức Selfharm UK ước tính 13% số người trẻ tuổi có thể thử và cố ý gây thương tích cho chính mình vào một lúc nào đó ở độ tuổi từ 11 và 16.
Bernadka Dubica, Chủ nhiệm khoa Tâm lý trẻ em và vị thành niên tại Hội Bác sĩ tâm lý Hoàng gia, cho biết việc kiềm chế thanh thiếu niên trong tất cả các cơn tự gây thương tích không phải là cách làm thường qui.
"Những thanh thiếu niên tự gây thương tích ở các cơ sở điều trị nội trú dành cho thanh thiếu niên cần được khuyến khích bởi đội ngũ nhân viên để dần dần học những cách ít gây hại hơn khi đau khổ. Đây có thể là một quá trình khó khăn và chậm chạp, và những người trẻ tuổi có thể cần nhiều sự hỗ trợ để thiết lập những cách thức đối phó mới.
"Trong những hoàn cảnh cực đoan nhân viên y tế có thể phải kiềm chế những bệnh nhân trẻ nếu nguy cơ là rất cao, và lớn hơn nguy cơ kiềm chế, tuy nhiên, điều này nên luôn được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật."
Sophie Corlett, Giám đốc Quan hệ đối ngoại tại Mind, một tổ chức về sức khỏe tâm thần, cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh báo cáo này, khởi đầu cho cuộc thảo luận quan trọng về những quyết định trong điều trị những người tự gây thương tích. Giảm tác hại không phải là một ý tưởng mới và một số hình thức điều trị, chẳng hạn như liệu pháp hành vi biện chứng (DBT), đã sử dụng phương pháp này như một quá trình làm việc theo hướng chấm dứt việc tự gây thương tích.
"Chúng ta cần hỗ trợ cho những người tự gây thương tích để giải quyết nguyên nhân, ví dụ bằng cách tăng tiếp cận các liệu pháp tâm lý".
Cẩm Tú
Theo Independent