Làm gì khi trong nhà có 2 người mắc loại ung thư gặp nhiều nhất ở hai giới?

(Dân trí) - Cháu có bố 56 tuổi bị ung thư đại trực tràng giai đoạn 3, sau phẫu thuật đang được điều trị hoá chất. Chị gái cháu mới đây đi khám cũng phát hiện ung thư đại trực tràng dù không có biểu hiện gì.

Cháu rất lo lắng, không hiểu căn nguyên bệnh do đâu, tiên lượng điều trị như thế nào? Việc cháu có bố và chị gái bị mắc ung thư đại trực tràng thì cháu có nguy cơ mắc bệnh không. Người thân trong gia đình  cháu cần làm gì để phòng nguy cơ mắc căn bệnh này. (Hân Nguyễn, Hà Nội).

TS.BS Phạm Văn Bình (ảnh), Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Bệnh viện K trung ương (Hà Nội) trả lời:

Làm gì khi trong nhà có 2 người mắc loại ung thư gặp nhiều nhất ở hai giới? - 1

Ung thư đại trực tràng là ung thư đường tiêu hóa thường gặp, khối u ác tính xuất phát từ trong lòng hoặc thành đại tràng hoặc trực tràng.

Nhiều người luôn lo lắng về tính chất gia đình, di truyền của loại ung thư này bởi tỉ lệ ung thư đại trực tràng rất lớn. 

Tại Việt Nam, năm 2000, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng ở cả 2 giới là 5.400 ca, đến năm 2010 là hơn 13.000 ca và đến năm 2018 đã tăng lên gần 15.000 ca, gấp gần 3 lần trong vòng 18 năm, trong đó có gần 9.300 ca tử vong. Ung thư đại trực tràng là loại ung thư gặp nhiều thứ 4 ở nam giới, đứng thứ 2 ở nữ giới.

Trong gia đình có một người bị ung thư, nhất là ung thư đại trực tràng, những người còn lại đều rất lo lắng. Trường hợp của bạn có cả bố và chị gái cùng bị loại ung thư này, lo lắng là điều khó tránh khỏi.

Nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ từ 1-5% ung thư đại trực tràng có liên quan tính chất gen, gia đình, người có cùng huyết thống.

Vì thế, trong trường hợp có bố và chị gái cùng mắc loại ung thư này, cho thấy có tính chất gia đình. Đây là yếu tố quan trọng để khuyến cáo các thành viên còn lại trong gia đình nên đi khám tỉ mỉ, sàng lọc để kịp thời phát hiện sớm ung thư nếu có.

Bạn nên khám sàng lọc sớm ở một trung tâm y tế có chuyên ngành ung bướu, hoặc có thể đến Bệnh viện K để thăm khám.

Ngoài ra, để phòng ung thư đại trực tràng, cần điều chỉnh thói quen trong ăn uống, sinh hoạt. Ung thư đại trực tràng ở nước ta cũng như nhiều nước đang phát triển tăng nhanh do liên quan trực tiếp đến lối sống, chế độ ăn. Người dân dần thích nghi với lối sống của phương Tây, ăn nhiều thịt đỏ, đồ ăn nhanh, lười ăn rau xanh, trái cây. Kèm theo đó là uống rượu, hút thuốc, ít vận động... làm gia tăng tình trạng béo phì. Lối sống không lành mạnh làm gia tăng nguy cơ ung thư nói chung, trong đó có ung thư đại trực tràng.

Để ngừa ung thư đại trực tràng, hãy tăng cường vận động, ăn nhiều rau xanh, hạn chế đồ ăn nhanh, bia rượu. Bên cạnh đó, cần đi khám sức khoẻ định kỳ để được tầm soát, phát hiện sớm nguy cơ ung thư.

Các khối u đại trực tràng ở bệnh nhân trẻ có tốc độ phát triển nhanh hơn những người lớn tuổi và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn. Ung thư đại trực tràng có thể phòng ngừa và phát hiện sớm, ở giai đoạn đầu tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới 90%; dưới 10% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn sống quá 5 năm.

Phát hiện bệnh ung thư càng sớm, cơ hội điều trị khỏi càng cao đại đa số bệnh nhân ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi khối u đã gây nhiều triệu chứng.

Dấu hiệu phổ biến thường gặp của ung thư đại trực tràng gồm: có máu trong phân, chảy máu hậu môn, thay đổi thói quen đại tiện, đau hoặc khó chịu ở bụng, buồn nôn và nôn, có thể tự sờ thấy u, khó nuốt, người mệt mỏi suy nhược, sụt cân không rõ lý do... Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ, sau 40 tuổi cần được nội soi đường tiêu hóa để kiểm tra, phát hiện nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Hầu hết các ca mắc thường không có nguyên nhân rõ ràng, tuy nhiên những trường hợp sau có nguy cơ cao hơn ở những đối tượng sau: Ngoài 50 tuổi; Gia đình có tiền sử bị bệnh này; Có tiền sử polyp đại tràng; Đã từng mắc chứng viêm ruột; Có lối sống không lành mạnh.

Hồng Hải (ghi)