Lạm dụng thuốc “thông minh” sẽ... mắc nghiện

Theo một thống kê mới đây, cứ 3 học sinh - sinh viên Mỹ thì có 1 người lạm dụng thuốc “thông minh” được gọi là “smart drug” hoặc “study drug” nhằm tăng cường khả năng hoạt động của não bộ, với hy vọng tăng sự tập trung, khả năng ghi nhớ hoặc năng lượng cơ thể.

Lạm dụng thuốc “thông minh” sẽ... mắc nghiện

Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều trong một thời gian quá dài có thể dẫn đến các phản ứng phụ của thuốc như: gây biếng ăn, mất ngủ, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến não bộ.

Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu trên động vật mới đây được công bố trên trang thông tin khoa học LiveScience cho thấy, loại thuốc “thông minh” này có thể làm tăng việc sản sinh các chất hóa học trong não như dopamine, giúp tăng cường trí nhớ, khả năng học tập và động lực làm việc trong thời gian ngắn, nhưng nếu lạm dụng, chúng sẽ gây hại cho sức khỏe, nhất là não bộ.

Tiến sĩ Wen-Jun Gao, một nhà thần kinh học tại Đại học Y Drexel ở Philadelphia (Mỹ) cho biết, việc sử dụng loại thuốc thông minh kể trên có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của vùng vỏ não trước, làm giảm khả năng tổ chức và lập kế hoạch. Bởi lẽ, bộ não của con người vẫn tiếp tục phát triển trong giai đoạn 20 - 30 tuổi, cụ thể là ở vùng vỏ não trước trán, một khu vực liên quan tới lập kế hoạch và ra quyết định.

Một trong những loại thuốc giúp tăng cường hoạt động thần kinh phổ biến hiện nay là methylphenidate, còn được gọi là Ritalin hoặc Concerta, được bác sĩ sử dụng để điều trị đối với các bệnh nhân mắc chứng bệnh mất tập trung hay rối loạn tăng động. Tuy nhiên theo một cuộc khảo sát của tổ chức MetLife và Drugfree.org, hiện có hơn 1,3 triệu thanh niên tại Mỹ lạm dụng các loại thuốc có chứa methylphenidate.

Một số chuyên gia tin rằng, loại thuốc “thông minh” khi ngấm vào não không chỉ gây nguy hiểm cho não bộ về lâu dài mà còn rất dễ gây nghiện. Ngoài các loại thuốc chứa methylphenidate, một số loại thuốc thông minh khác như Ritalin, Adderall được dùng trong điều trị Tăng động giảm chú ý (ADHD) - cơ chế hoạt động của chúng là kích thích các chất dẫn truyền thần kinh dopamine và noradrenaline trong não bộ. Những chất này sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc, nhận thức và trí nhớ. Nếu dùng ở liều vừa phải, có chỉ định của bác sĩ thì nó thực sự hữu ích cho trí não nhưng nếu tự dùng và quá liều, nó sẽ gây nghiện.

Modafinil, hoạt chất chính trong biệt dược Provigil được kê đơn từ những năm 90, cũng có tác dụng kích thích tương tự. Modafinil làm gia tăng sự chiết xuất histamine - “chất xúc tác” kích thích hoạt động của vùng vỏ não trước trán - khu vực đảm trách việc đi đến quyết định, năng lực tổ chức, tận dụng thời gian, phân chia những việc quan trọng và bình thường. Thuốc được bào chế theo đơn đặt hàng của quân đội Mỹ nhằm giải quyết những vấn đề của phi công quân sự. Nó cho phép loại bỏ cảm giác mệt mỏi.

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy modafinil tác động đến mức độ dopamine. Đây là một dấu hiệu quan trọng vì dopamine có thể dẫn tới tình trạng nghiện. Ngoài ra, thuốc còn có thể gây ra những ảnh hưởng ngay lập tức khi dùng quá liều. Đã từng xảy ra trường hợp một nữ sinh viên năm thứ ba khoa công nghệ thông tin của trường Đại học London Metropolitan uống modafinil như một liều “tăng lực” để vượt qua các kỳ thi khắc nghiệt. Kết quả là nữ sinh viên này đã phải nhập viện sau 5 ngày không thể chợp mắt do dùng thuốc quá liều. Cô bị lên huyết áp, lo lắng bất an và có biểu hiện bị ảo giác, rối loạn tâm thần.

Việc mua loại thuốc “thông minh” kê đơn này không bất hợp pháp, song việc cung cấp và bán chúng lại là bất hợp pháp. Loại thuốc này chỉ được sử dụng theo đơn của bác sĩ, tuy nhiên hiện đang có hơn 1 triệu sinh viên tại Mỹ lạm dụng loại doping đặc biệt này với mong muốn cải thiện kết quả học tập của mình trong kỳ thi. Nguy hiểm là phần lớn sinh viên cho rằng, công dụng của thuốc thông minh cũng tương tự như của các nước tăng lực, không có hại như sử dụng bia rượu hay cần sa.

Hiện nhiều người thể chất không thích hợp với thuốc lại đang sử dụng chúng tùy tiện là một sai lầm nghiêm trọng. Những tác dụng phụ của các loại thuốc này là rất lâu dài, càng uống nhiều càng có nguy cơ bị phụ thuộc và ảnh hưởng nghiêm trọng về sau này.

Theo Thúy Hằng

LiveScience/ The Guardian

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm