1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lại tái xuất não mô cầu nguy hiểm

(Dân trí) - Sau gần 1 năm vắng bóng, Hà Nội lại ghi nhận ca đầu tiên viêm não mô cầu nguy hiểm. Căn bệnh lây qua đường hô hấp này có thể khiến người bệnh sốc, tử vong nhanh chóng sau 1-2 ngày nhiễm bệnh.

Ca bệnh đầu tiên trong năm mới
 
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm màng não, nhiễm trùng và có dấu hiệu sốc. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm màng não, nhiễm trùng và có dấu hiệu sốc. Ảnh: H.Hải

Bệnh nhân là nam thanh niên B.H.D (21 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 10/2 trong tình trạng tiền sốc, tri giác lơ mơ, sốt cao, buồn nôn, bắt đầu xuất hiện ban đỏ hoại tử trên da. Đây là ca đầu tiên được ghi nhận tại miền Bắc trong năm 2014. Trước đó, tháng 5/2013 tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhân não mô cầu. Còn đầu năm 2012, Hà Nội và 5 tỉnh phía Bắc đã xảy ra vụ dịch não mô cầu và ghi nhận một bệnh nhi tại Hà Nội tử vong.

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, 2 ngày trước khi được đưa vào viện, bệnh nhân có ăn tiết canh, sau đó xuất hiện sốt cao, ban đỏ trên da, gia đình vội đưa đến BV vì nghi ngờ liên cầu lợn.

“Khi tiếp nhận bệnh nhân, với những biểu hiện lâm sàng, tri giác lơ mơ, ban xuất huyết hoại tử rải rác trên da, lại có tình trạng viêm màng não, nhiễm trùng trầm trọng, có dấu hiệu tiền sốc, chúng tôi đã đánh giá không phải ban của liên cầu lợn, nghi ngờ não mô cầu và tiến hành cách ly ngay. Đến gần trưa nay (12/2), kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm đã khẳng định bệnh nhân mắc não mô cầu. Tất cả những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng đã được uống thuốc dự phòng bệnh”, BS Cấp cho biết.

Xác định bệnh nhân mắc não mô cầu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ đã chỉ đạo báo cáo ca bệnh lên Bộ Y tế, báo cáo đến Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để tiến hành xử lý, khoanh vùng ổ dịch, bởi não mô cầu là một bệnh có tính chất nguy hiểm, có thể lây qua đường hô hấp.

Hiện, sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua tình trạng nguy hiểm, các nốt ban trên da cũng lặn dần nhưng người bệnh vẫn phải cách ly tuyệt đối.

Tử vong lên đến 70%

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, não mô cầu là bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp, nguy hiểm hơn cả cúm, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Vì thế, tỉ lệ tử vong khi nhiễm căn bệnh này rất cao, từ 50-70% tùy từng thể bệnh. Trong mấy năm qua, bệnh não mô cầu là khá hiếm gặp, chỉ phát hiện một vài ổ dịch nhỏ rải rác và đều được khống chế nhờ phát hiện sớm, xử lý tốt ổ dịch.

“Não mô cầu là bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp. Bình thường, ở một số người vi khuẩn não mô cầu có thể khu trú vùng hầu họng nhưng không biểu hiện bệnh. Khi có sự thay đổi nào đó có thể bùng phát thành bệnh thì dịch có thể lây lan nhanh chóng qua dịch tiết đường hô hấp và đe dọa tính mạng người bệnh bởi diễn tiến nhanh của bệnh”, BS Cấp cho biết.

Riêng với bệnh nhân này khi vào viện đã biểu hiện rất rõ tình trạng viêm màng não mủ và có thể có nhiễm trùng huyết kèm theo vì các dấu hiệu cho thấy đã ở trạng thái tiền sốc. Nhưng may mắn, được điều trị sớm, kịp thời, bệnh nhân đã qua nguy kịch.

Khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm họng và ở những cơ địa yếu, vi trùng tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não và với những trường hợp diễn tiến cấp tính có thể gây tử vong nhanh chóng”.

“Nguy hiểm ở chỗ, rất khó có dấu hiệu sớm để nhận biết bệnh viêm não mô cầu bởi các triệu chứng của bệnh giống các trường hợp nhiễm vi trùng khác với biểu hiện đau họng, đau mỏi người. Còn khi diễn tiến nặng hơn gây biến chứng viêm não mô cầu thể viêm não mủ thì biểu hiện cũng giống như những ca viêm não mủ bình thường khác, gồm các triệu chứng: sốt, đau đầu, nôn, hôn mê. Còn khi vi khuẩn não mô cầu gây biến chứng nhiễm trùng huyết, người bệnh có biểu hiện xuất hiện ban hoại tử dưới da cũng dễ nhầm với bệnh liên cầu lợn, các bệnh phát ban khác”, TS Cấp cho biết.

TS Kính đánh giá, não mô cầu là bệnh rất hiếm gặp và đang quay trở lại. Vì thế, việc giám sát ổ dịch, xử lý ổ dịch là rất quan trọng để tránh lây lan. Để hòng bệnh, khi tiếp xúc nơi đông người, gần người bệnh, ở tại ổ dịch thì cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng muối sinh lý, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoái nơi ở, nơi làm việc. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần đến viện sớm. Còn tại bệnh viện, cần cách ly bệnh nhân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc người bệnh… và với những người tiếp xúc trực tiếp cần dùng thuốc dự phòng. Các loại thuốc dự phòng, liều lượng cũng được hướng dẫn chi tiết để tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến cơ sở trong việc phát hiện, điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc bệnh nhân.

Tuy nhiên, với căn bệnh này, để phòng đặc hiệu nhất là tiêm phòng vắc-xin. Người dân nên đi tiêm vắc-xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A,B và C. Vắc xin này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại 3 năm một lần.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm