1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lại nguy kịch vì rượu pha cồn công nghiệp

(Dân trí) - Cuối năm 2013 đã có 6 người tử vong vì rượu giả, pha cồn công nghiệp methanol. Đến hẹn lại lên, vào những ngày cuối năm này, khoa Cấp cứu BV Bạch Mai cũng đang điều trị cho một trường hợp rất nguy kịch do uống phải rượu bị pha loại chất tẩy rửa, vệ sinh công nghiệp này.

Bệnh nhân N.T.H. (nam, 49 tuổi, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) được chuyển đến khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) sáng 31/12 trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp (nhưng không điều trị) và sỏi thận. 

Người nhà bệnh nhân cho biết, trước thời điểm nhập viện 3 ngày, anh H. Đã uống rất nhiều rượu. Sau vụ rượu say túy lúy đó, đến khoảng 17h chiều 30/12 bệnh nhân xuất hiện nhìn mờ, nhìn mờ tăng dần rồi nhanh chóng rối loạn ý thức.

Bệnh nhân đang được điều trị, cấp cứu tại BV Bạch Mai. Ảnh: Lương Chinh
Bệnh nhân đang được điều trị, cấp cứu tại BV Bạch Mai. Ảnh: Lương Chinh

Dù được gia đình đưa ngay đi viện nhưng tại thời điểm đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, bệnh nhân đã ở tình trạng hôn mê sâu, mạch 100 lần/phút, huyết áp tụt, đồng tử hai bên giãn đều 5mm, phản xạ đồng tử với ánh sáng âm tính, không có liệt khu trú.

Sau khi được tiến hành cấp cứu, đặt nội khí quản, thở máy, bệnh nhân được xét nghiệm, chiếu chụp, chẩn đoán hôn mê gan BV đã được chuyển ra Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân, qua thăm khám, đánh giá và trên cơ sở các kết quả xét nghiệm mà bệnh viện Hữu nghĩ đa khoa Nghệ An đã làm, y bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 đã nghĩ ngay đến tình trạng ngộ độc rượu, nói đúng hơn là ngộ độc Methanol. Xét nghiệm định lượng Methanol máu, có kết quả sau vài giờ là 107 mg/dl.

Tình trạng bệnh nhân hiện nguy kịch, nguy cơ tử vong cao do hôn mê sâu, giãn đồng tử hai bên, toan chuyển hóa nặng nề... Bệnh nhân vẫn đang được cấp cứu bằng các điều trị tích cực, lọc máu liên tục...

Theo BS Chính, các ca ngộ độc Methanol vẫn thường rải rác xảy ra. Bởi Methanol vốn là hóa chất dùng vệ sinh công nghiệp, nhưng khi cho vào rượu nó lại tăng độ “mạnh” của rượu nên vẫn bị lợi dụng để làm rượu giả. Cũng có những trường hợp người nghiện rượu tự trộn một lượng cồn công nghiệp nhất định vào rượu để tăng độ “phê” khi uống mà không lường hết được những nguy cơ do Methanol gây ra.

Bởi Methanol gây ngộ độc cho con người, gây tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt. Ngoài ra, methanol gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim (giảm oxy). Ở người lớn, ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25ml/kg đã gây mù mắt và 0,5 ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%).

Cả 6 bệnh nhân tử vong vụ “Rượu nếp 29 Hà Nội) (5 tử vong tại BV, 1 nặng xin về) dù trước đó đã được chuyển đến trung tâm y tế có khả năng hồi sức và lọc máu nhưng methanol gây ra những diễn biến quá nặng, khiến bệnh nhân trụy tim mạch, toan chuyển hóa nặng, hôn mê sâu và đồng tử đã giãn tối đa nên không thể qua khỏi.

Nhưng nguy hiểm ở chỗ, không thể phân biệt rượu nấu thông thường và rượu pha methanol nên nếu uống phải, người bệnh cũng không phân biệt được đâu là rượu giả, đâu là rượu thật. Khi say rượu thật và rượu pha Methanol, người bệnh đều xuất hiện tình trạng loạng choạng, hoa mắt... nên chủ quan, nghĩ nằm vài tiếng sẽ hết say. Nhưng nếu là Methanol, người bệnh sẽ nhanh chóng rơi vào nguy hiểm, mất ý thức, tím tái, hôn mê, tụt huyết áp... và có thể tử vong.

"Vì thế, một người cần chú ý đến nguồn gốc của rượu. Đặc biệt sau khi uống rượu vài tiếng, có tình trạng đau đầu nhiều, hoa mắt chóng mặt, đặc biệt mờ mắt như nhìn bóng mây, cần khẩn trương đưa bệnh nhân đến viện. Khi tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc methanol, nhân viên y tế phải chuyển bệnh nhân tới trung tâm y tế có khả năng hồi sức và lọc máu sớm nhất khi có thể”, BS Chính cảnh báo.

Hồng Hải