1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kỳ diệu cứu sống cháu bé trong vụ 7 người ngộ độc bánh trôi ngô

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng suy gan tối cấp vì ăn phải bánh trôi ngô chứa độc tố vi nấm, bệnh nhân Cháng Mí Mù (13 tuổi, Hà Giang) đã trải qua nhiều giai đoạn thập tử nhất sinh.

Cháu Cháng Mí Mù đã qua khỏi, dù bị ngộ độc bánh trôi ngô chứa độc tố rất nặng. Ảnh: H.Hải

Cháu Cháng Mí Mù đã qua khỏi, dù bị ngộ độc bánh trôi ngô chứa độc tố rất nặng. Ảnh: H.Hải

Trải qua 10 ngày điều trị tích cực tại Trung tâm chống độc, bệnh nhân đã qua nguy kịch. Sáng 14/5, xuất hiện tại buổi lễ tiễn bệnh nhân đặc biệt tại BV Bạch Mai, em Cháng Mí Mù đã hoàn toàn khỏe mạnh, tỉnh táo và tươi tỉnh.

Trước đó, ngày 3/5 em được chuyển tới BV Bạch Mai vì ngộ độc bánh trôi ngô và chỉ sau vài giờ nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê gan bởi tế bào gan đang bị hủy nhanh chóng, men gan tăng đến 8.000, cho thấy tế bào gan đang bị phá vỡ với tốc độ chóng mặt.

“Thời điểm đó, chúng tôi biết nếu không can thiệp kịp thời bệnh nhân sẽ nhanh chóng dẫn tới hôn mê gan tối cấp, tử vong nhanh chóng. Suy gan cấp do viêm gan nhiễm độc là căn bệnh có tỉ lệ tử vong lên tới 80%. Thực tế qua kinh nghiệm điều trị cũng như điều tra các bệnh án của những bệnh nhân trong vụ ngộ độc ở Hà Giang cho thấy, các bệnh nhân chết do nguyên nhân bị hoại tử tế bào gan rất nhanh. Vì thế, bệnh nhi nhanh chóng được áp dụng các biện pháp hồi sức toàn diện và tích cực, trong đó biện pháp quan trọng hàng đầu là thay thế huyết tương nhằm bù đắp các yếu tố đông máu, dần loại bỏ độc chất khỏi cơ thể, tránh suy đa phủ tạng, hạn chế nguy cơ tử vong”, PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết.

Trước tình hình khẩn cấp, đối mặt với tính mạng của bệnh nhi, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ đạo: Bệnh viện sẽ tập trung cao độ nhất sức người, sức của và trí tuệ để cứu người. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bệnh nhân, bệnh viện sẽ chủ động tính toán và chi trả cho bệnh nhân để có thể triển khai các hoạt động cứu chữa bệnh nhân, kể cả những xét nghiệm phải chuyển sang các bệnh viện và trung tâm khác để hỗ trợ.

“Chúng tôi nhanh chóng áp dụng các biện pháp hồi sức toàn diện và tích cực, trong đó biện pháp quan trọng hàng đầu là thay thế huyết tương nhằm bù đắp các yếu tố đông máu, dần loại bỏ độc chất khỏi cơ thể, tránh suy đa phủ tạng, hạn chế nguy cơ tử vong. Bình thường, phác đồ thay huyết tương cho bệnh nhân viêm gan nhiễm độc là 24 giờ thay 1 lần, nhưng bệnh nhi này phải thay huyết tương 8 tiếng/lần mới hi vọng được điều chỉnh cân bằng nội môi cho bệnh nhi”, TS Duệ chia sẻ.

Bên cạnh việc điều trị, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng đã xây dựng chế độ ăn đặc biệt cho BN bị nhiễm độc gan với chế độ ăn từ từ để gan có thể thích nghi.

Tại buổi lễ tiễn bệnh nhân ra viện, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên cho biết, trong những năm gần đây, các vụ ngộ độc nổi lên như những căn “bệnh lạ”, khó chữa, vốn ít gặp nhưng gây hậu quả chết nhiều người. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2002 trở lại đây, chỉ riêng Hà Giang đã có gần 100 bệnh nhân ngộ độc do ăn bánh ngô bị mốc, trong đó có 47 tử vong do ăn bánh ngô để mốc. Như trường hợp này, cháu bé là một trong số 7 người bị ngộ độc do ăn bánh trôi ngô trong một gia đình khiến 4 người tử vong.

Theo TS Xuyên, những trường hợp này, bệnh cảnh diễn ra thường nặng nề, phức tạp, tử v­­­­ong nhanh. Đây cũng là nguyên nhân mà từ trước tới nay, các BN không được chuyển về BV Bạch Mai. Vì vậy gây khó khăn cho công tác chẩn đoán và điều trị, không tránh khỏi gây hoang mang cho đồng bào nhân dân.

Lần này do được thông tin kịp thời với sự tham gia hội chẩn của hai Trung tâm Chống độc đầu ngành là Trung tâm Chống độc Học viên Quân Y 103 và Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai nên cháu Cháng Mí Mù là BN nặng duy nhất còn lại đã được cứu sống tại BV Bạch Mai. Thành công này cho thấy không những tài năng mà còn là tấm lòng, là y đức cao cả của những người thầy thuốc BV Bạch Mai, là sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong bệnh viện. Đây là tấm gương để nhiều bệnh viện khác học tập.
 
Tập thể y, bác sĩ của Trung tâm chống độc được khen thưởng vì đã tích cực
Tập thể y, bác sĩ của Trung tâm chống độc được khen thưởng vì đã tích cực
cứu chữa bệnh nhi đặc biệt này. Ảnh: H.Hải

Được biết, bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ chi phí điều trị ca bệnh lên tới 500 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ trực tiếp bệnh nhân, bệnh viện còn lo xuất ăn từ thiện, chỗ ăn ở cho bố cháu bé. Sau buổi lễ tiễn bệnh nhân “nhí” đặc biệt này, bệnh viện Bạch Mai cũng cử một chuyến xe đưa hai bố con bệnh nhân về tận nhà.

Tại buổi lễ, bố bệnh nhân rất xúc động vì các bác sĩ đã rất tận tình cứu chữa, chăm lo cho bé Cháng Mí Mù. Bố bệnh nhân cũng hứa sẽ không ăn bánh trôi ngô ủ lâu ngày (theo gia đình cho biết bột để làm bánh đã làm đã được ủ từ 3 tháng trước) và cũng sẽ tuyên truyền để những người dân trong bản bỏ món ăn nguy hiểm này.

Hồng Hải