Hoại tử gan cấp vì nấm mốc trong bánh trôi

(Dân trí) - Vụ 7 người trong một gia đình ở tỉnh Hà Giang bị ngộ độc sau ăn bánh trôi ngô khiến 4 người đã tử vong cho thấy độc tố nấm mốc trong bánh trôi rất độc, khiến bệnh nhân bị hoại tử tế bào gan cấp tính, suy gan cấp, nguy cơ tử vong cao…

Chiều 3/5, bệnh nhi Cháng Mí Mù (13 tuổi, người dân tộc Mông) được chuyển từ BV đa khoa tỉnh Hà Giang tới Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai).

PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng tỉnh táo hoàn toàn, vẫn trả lời được các câu hỏi của bác sĩ, thăm khám lâm sàng cho thấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhi tương đối bình thường. Bệnh nhi không có biểu hiện khó thở hay suy tim…
 
Hoại tử gan cấp vì nấm mốc trong bánh trôi
Thế nhưng chỉ vài giờ sau đó, bệnh nhi bắt đầu rơi vào tình trạng mệt mỏi, lờ đờ, có dấu hiệu của tiền hôn mê gan.

“Các kết quả xét nghiệm sau đó vài giờ đã lý giải cho việc bệnh nhi đang từ tỉnh táo nhanh chóng dẫn đến mệt mỏi, lờ đờ. Đó là do tế bào gan đang bị hủy nhanh chóng. Buổi sáng cùng ngày kết quả xét nghiệm tại BV Hà Giang men gan là 1.000, đến buổi chiều khi đến Trung tâm chống độc, men gan đã tăng đến 8.000, cho thấy tế bào gan đang bị phá vỡ với tốc độ chóng mặt. Tình trạng hoại tử tê bào gan cấp tính dẫn đến suy gan cấp, nguy cơ tử vong cao… Qua điều tra bệnh án các ca nghi ngộ độc bánh trôi ngô bị mốc ở Hà Giang là tất cả đều có dấu hiệu bị hoại tử tế bào gan với tốc độ tăng men gan chóng mặt, đầu tiên chỉ ở mức 400-500 nhưng sau vài tiếng đã đã tăng lên 1000, tiếp tục tăng lên đến hơn 10 000 sau vài tiếng và bệnh nhân tử vong khi men gan tăng đến “đỉnh” là 13.600”, TS Duệ nói.

Trước diễn biến bệnh cực nhanh của bệnh nhi, đe dọa tử vong cao, các chuyên gia của Trung tâm chống độc đã tiến hành hội chẩn cấp với nhiều chuyên khoa khác. Các chuyên gia đều nhận định tình trạng bệnh nhi rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng.

TS Duệ cho biết, qua thực tế kinh nghiệm điều trị cũng như điều tra các bệnh án của những bệnh nhân trong vụ ngộ độc ở Hà Giang cho thấy, bệnh nhi đang trong quá trình bị hoại tử tế bào gan rất nhanh, nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới hôn mê gan tối cấp, tử vong nhanh chóng. Suy gan cấp do viêm gan nhiễm độc là căn bệnh có tỉ lệ tử vong lên tới 80% . Vì thế, bệnh nhi nhanh chóng được áp dụng các biện pháp hồi sức toàn diện và tích cực, trong đó biện pháp quan trọng hàng đầu là thay thế huyết tương nhằm bù đắp các yếu tố đông máu, dần loại bỏ độc chất khỏi cơ thể, tránh suy đa phủ tạng, hạn chế nguy cơ tử vong.

Bình thường, phác đồ thay huyết tương cho bệnh nhân viêm gan nhiễm độc là 24 giờ thay 1 lần, nhưng bệnh nhi này phải thay huyết tương 8 tiếng/lần mới hi vọng được điều chỉnh cân bằng nội môi cho bệnh nhi.

Hiện tại, ngoài bệnh nhi đang điều trị tại Trung tâm chống độc, còn 2 người nhà của bệnh nhân đang được điều trị tại BV tỉnh Hà Giang. “Có một điều may mắn cho bệnh nhi này, đó là số lượng bánh bệnh nhi ăn ít hơn (bệnh nhi ăn 4 chiếc) so với những người thân khác. Cả 4 người thân bệnh nhi đã tử vong đều ăn từ 10 - 14 chiếc. Như vậy, có thể lượng độc tố từ nấm mốc trong cơ thể cháu bé sẽ ít hơn, khả năng cháu bé được cứu sống sẽ cao hơn.

Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được độc tố nào gây hủy hoại tế bào gan nhanh chóng. Tuy nhiên thực tế, tất cả các trường hợp đều ngộ độc đều xảy ra sau khi ăn bánh trôi ngô bị mốc nên các chuyên gia chống độc đều hướng tới nguyên nhân ngộ độc do nhiễm độc tố vi nấm. Do đó, trong thời điểm hiện nay, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tốt nhất không nên ăn ngô mốc hoặc các thực phẩm chế biến từ ngô để lâu ngày, bột ngô ướt, bánh ngô đã chế biến cũng chỉ nên dùng trong ngày, không nên để lưu cữu dùng trong nhiều ngày dễ bị nhiễm nấm mốc độc. Trong quá trình chế biến cũng cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh việc nhiễm độc tố từ bên ngoài xâm nhập vào thực phẩm.                                    ”

Tú Anh