Krokodil - ma túy “ăn thịt người” kinh khủng nhất

Chúng ta vẫn biết đến các loại ma túy như hêrôin, cocaine, thuốc lắc… là những chất gây nghiện nguy hiểm, khiến người sử dụng bị ảnh hưởng về thần kinh, sức đề kháng và là một trong những con đường lây nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Krokodil - ma túy “ăn thịt người” kinh khủng nhất

 

Nhưng không phải ai cũng biết đến loại ma túy có khả năng “ăn thịt người” theo đúng nghĩa đen của nó…

 

Lần đầu tiên vào thập niên 30 của thế kỷ trước, trường hợp con nghiện bị loại chất gây nghiện mới có tên krokodil ăn ruỗng thịt từ trong ra ngoài đã được phát hiện tại bang Arizona, Mỹ, khiến dư luận thế giới kinh sợ. Các nhà chức trách Mỹ lo ngại đây là khởi đầu cho một dịch bệnh đáng sợ, sau khi phát hiện thêm một trường hợp nghiện ma túy krokodil khác cũng bị tàn phá cơ thể với những mảng da như bị đục ruỗng, lộ cả xương.

 

Từ đó đến nay không thấy nhắc gì đến nữa.

 

Khoảng 3 năm trở lại đây, loại ma túy này được sử dụng như một trào lưu, thậm chí trở thành “cơn sốt” tại Nga, Mỹ và một số nước khác. Sở dĩ loại ma túy này nhanh chóng được chuộng là bởi giá thành rẻ hơn 3 lần so với hêrôin. Thế nhưng mức độ nguy hiểm của nó lại cao hơn các loại ma túy khác hàng chục lần. Người ta gọi tên nó là krokodil (ma túy cá sấu).

 

Các nhà khoa học cho biết, Krokodil được pha trộn giữa codein với xăng hoặc dầu, sau đó được tinh lọc rồi tiêm vào cơ thể người dùng. Krokodil là một dạng thuốc phiện với thành phần chính là desomorphine - chất hóa học được nghiên cứu ra từ năm 1932 ở Mỹ. Desomorphine là một dẫn xuất của morphine nhưng mạnh hơn 8-10 lần với cùng liều lượng. Thông thường, krokodil được tổng hợp từ một số hợp chất gồm codeine, iốt, phốt pho đỏ cùng các phụ gia trộn lại với nhau.

 

Đặc điểm của krokodil là dạng ma túy có tác dụng trong thời gian ngắn hơn so với hêrôin, chỉ khoảng 1 tiếng rưỡi và chi phí sử dụng cũng rẻ hơn rất nhiều. Giá của krokodil rẻ cũng là bởi con nghiện có thể tự chế thuốc cho riêng mình bằng cách pha chế thủ công. Krokodil là một dung dịch màu caramel với mùi gắt của iốt. Những con nghiện sử dụng Krokodil đều có cùng một biểu hiện: vùng da con nghiện chích thuốc thường xuất hiện những vảy giống như da cá sấu, trên cơ thể có mùi i-ốt nồng nặc do quá trình tự chế thuốc để lại.

 

Theo phân tích của các bác sĩ, chuyên ngành, tác hại của krokodil là cực kỳ khủng khiếp, thậm chí hậu quả nó còn mạnh hơn cả hêrôin. Krokodil gây hại trên các mô mềm như da, bắt đầu từ những vảy tróc như cá sấu, nếu không điều trị dứt điểm ngay sẽ dẫn tới lở loét, hoại tử và thối rữa chân, tay.

 

Tuy nhiên, khi “phê” thuốc, con nghiện sẽ không còn cảm thấy đau đớn gì nữa và cứ thế càng nghiện nặng hơn, cho tới khi chết vì bị krokodil “ăn thịt”. Người nghiện hêrôin thường có thể sống thêm từ 5-7 năm sau khi nghiện nhưng đối với krokodil, người nghiện chỉ có thể sống thêm tối đa là 2-4 năm. Đó là chưa kể, tiêm chích krokodil cũng là một con đường lây truyền HIV/AIDS.

 

Tiến sĩ Artyom Yegorov làm việc trong một trung tâm cai nghiện ma túy ở Nga cho biết: “Desomorphine gây ra mức độ nghiện nặng nhất và những người nghiện krokodil luôn là những người khó cai nghiện nhất. Những cơn thèm thuốc mà hêrôin gây ra có thể kéo dài 5-10 ngày nhưng cơn thèm krokodil thì kéo dài hàng tháng, kèm theo đó là sự đau đớn mà không ai chịu nổi”.

 

Độc tính trong krokodil không chỉ dừng lại ở sức tàn phá của desomorphine. Phốt pho có trong hỗn hợp thuốc nếu lẫn phốt pho trắng có thể gây ra hoại tử xương hàm hay còn gọi là bệnh “hàm Phossy”. Nếu không phẫu thuật cắt bỏ xương hàm sớm, bệnh nhân sẽ bị tổn thương não, rồi từ từ chết trong đau đớn vì hoại tử.

 

Theo tin của ABC, Tolyatti - một thành phố gần dãy Ural (Nga) đã gần như bị hủy hoại bởi loại ma túy kinh khủng này. Hơn 30% bệnh nhân trong khu lao ở một bệnh viện nơi đây bị nhiễm HIV chỉ vì tiêm chích krokodil chung. Tại Nga, việc sử dụng ma túy điên cuồng đã khiến 2,5 triệu con nghiện phải nhập viện. Ngay sau khi nghiện loại ma túy này, những người này chỉ có thể sống 2-3 năm tiếp theo. Việc sử dụng krokodil đã lan truyền ở Nga như một dịch bệnh trong giới trẻ. Ngoài những di chứng ngoài da, loại thuốc gây nghiện này còn gây tổn thương não bộ, gây trở ngại trong việc diễn ngôn.

 

Các cơ quan chức năng ở Việt Nam đã lên kế hoạch đề phòng sự xâm nhập của loại ma túy này. Lâu nay dù lực lượng chức năng trong nước rất mạnh tay ngăn chặn các con đường buôn bán trái phép chất ma túy, nhưng thế giới có loại nào thì chỉ một thời gian ngắn sau “thị trường ngầm” trong nước cũng xuất hiện loại đó. Và mối lo ngại về hiểm họa mang tên ma túy krokodil hay còn gọi là ma túy cá sấu ngày càng nặng nề hơn. Bởi lẽ đại bộ phận giới trẻ trong nước thường mắc sai lầm khi “dính” vào ma túy không hẳn do thiếu hiểu biết, mà là do tâm lý muốn thử cảm giác, muốn khẳng định mình.

 

Nhiều bạn trẻ ở nông thôn có tâm lý này càng dễ “bập” vào những loại ma túy giá rẻ hơn, bởi sự phù hợp “túi tiền”. Hiện nay chưa phát hiện trường hợp bị krokodil “ăn thịt” nào ở Việt Nam. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu xã hội cho rằng, không nên loại trừ khả năng krokodil đã lén lút xâm nhập mà chưa đủ thời gian khiến cơ thể người sử dụng bị tàn phá nghiêm trọng.

 

Rất cần phải rung lên những hồi chuông cảnh báo về tác hại của loại ma túy kinh khủng này để các con nghiện, giới trẻ trong nước biết và phòng tránh bị lôi kéo, dụ dỗ, rủ rê “một lần thử cảm giác”.

 

Theo Thanh Nhã

Petrotimes