1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kinh hoàng nổi u, phù tai sau khi bấm lỗ tai

Ngoài nhiễm khuẩn, uốn ván… nhiều người sau khi bấm lỗ tai làm đẹp đã bị mọc những khối u đu bám như dị dạng.

U cục ùn ùn mọc sau khi xỏ lỗ tai

Thông tin từ khoa Tai mũi họng BV Nguyễn Tri Phương, TP HCM, Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều người đến xử lý sẹo lồi ở dái tai. Đáng chú ý là bệnh nhân nam 19 tuổi, ở Gò Vấp tới tiệm vàng mua khuyên và bấm lỗ tai “khuyến mãi” khi 16 tuổi. Sau đó cậu bị mọc sẹo lồi, đã đi thẩm mỹ viện xử lý 2 lần, nhưng sẹo tái mọc, tới khi to bằng quả chanh mới tìm đến bệnh viện để phẫu thuật. Các bác sĩ đã cắt bỏ sẹo lồi, 1 tháng sau thì vết thương lành, trút bỏ được mặc cảm u đeo bám tai 3 năm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt (An Giang), cũng đã phẫu thuật "nạo vành tai" cắt bỏ hoàn toàn 2 khối u sụn 2 - 5 cm trên 2 lỗ tai của bệnh nhân 17 tuổi ở Tân Hiệp, Kiên Giang. Khi nhập viện hai vành tai của cậu sưng to, đau đớn do bị nhiễm trùng quá lâu, gây biến chứng nặng. Bệnh nhân phải cắt bỏ khối nhiễm trùng, tái tạo lại vành tai.

Có chị em xỏ lỗ tai ở gần nhà, khi về thấy dái tai bị sưng, đau nhức lại cho là do mới xỏ lỗ tai. Tới khi những cục sẹo nhỏ xuất hiện thì đi cắt bỏ. Khi seo lồi tái mọc và ngày càng to, tuy không đau nhưng các khối u sần sùi bám hai vành tai như dị dạng mới đến bệnh viện khám chữa.

Có bệnh nhân xỏ lỗ tai bằng cách truyền thống là dùng kim khâu với chỉ, nhưng vẫn bị nhiễm trùng, gây sẹo lồi to như quả trứng.

Nhiều người lớn tự dùng kim xỏ lỗ tai cho trẻ, hoặc xỏ ở những nơi không vệ sinh cũng bị nhiễm trùng, biến chứng.

Theo các bác sĩ khoa Tạo hình – Thẩm mỹ của Bệnh viện Tai Mũi Họng, nhiễm trùng sau khi xỏ lỗ tai gây sẹo lồi to lâu năm rất nan giải cho các phẫu thuật viên khi cắt bỏ sẹo. Việc bấm lỗ tai làm đẹp có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu dụng cụ không đảm bảo tiệt trùng, hoặc sử dụng nhiều lần. Hay gặp là bị nhiễm trùng máu, uốn ván, viêm gan, vi rút tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, vi khuẩn mủ xanh, tăng nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm qua đường máu (HIV, viêm gan...). Một số người khác có cơ địa nhạy cảm có thể bị sẹo lồi, dị ứng, viêm nhiễm vùng tai, nhiễm trùng nặng… dẫn đến viêm sụn vành tai, sẹo lồi… Nhiều trường hợp còn gây rách mô, sẹo lồi do cơ địa kém, tổn thương thần kinh, dị ứng…

Việc bấm khuyên tùy tiện với các dụng cụ không tiệt trùng còn có thể làm nhiễm HIV/AIDS.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lời khuyên khi xỏ lỗ tai

Theo BS Nguyễn Phước Hiền (khoa Tai mũi họng BV Nguyễn Tri Phương, TP HCM), sau khi bấm lỗ tai có sẹo lồi hay không thường do cơ địa mỗi người. Nếu các vết thương xâm lấn được chống nhiễm trùng thì quá trình lành vết thương sẽ tốt hơn, hạn chế được sẹo lồi, nhưng ở những nơi vệ sinh kém khiến cho sẹo lồi to hơn, khó xử lý hơn. Nếu đeo khuyên làm bằng chất liệu không an toàn còn dễ bị dị ứng, làm tình trạng sẹo tệ hơn. Nguy hiểm hơn nữa là các em có thể bị viêm sụn vành tai.

Nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ có kết quả tốt. Nhưng nhiều người chủ quan để viêm đến mức hoại tử sụn, biến dạng vành tai… mới vào viện, thì việc điều trị phục hồi rất khó lấy lại hình dáng vành tai như cũ.

Sẹo lồi ít gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vết thương có thể gây hoại tử, viêm sụn, co rút, biến dạng lỗ tai gây mất thẩm mỹ, khiến nạn nhân mất tự tin.

Việc bấm lỗ tai ở bệnh viện, cơ sở y tế các nhân viên y tế có những hướng dẫn cụ thể để chăm sóc vết thương sau khi xỏ lỗ, tránh biến chứng.

Những ngày đầu sau xỏ lỗ, tai ngứa, hoặc sưng nhẹ ở chỗ xỏ thì không được xoa gãi, không dùng kem đánh răng, dầu gió… bôi vào vết thương vì rất dễ bị nhiễm trùng.

Hàng ngày dùng nước muối sinh lý rửa vết thương, dùng bông sạch lau khô là vết thương dần tự lành. Không vội đeo khuyên tai khi vết xỏ chưa lành hẳn vì dễ nhiễm trùng.

Nếu sau khi xỏ, hoặc bấm lỗ tai mà thấy sưng tấy vùng xỏ, mưng mủ, đau nhức, chảy máu kéo dài, dịch tiết có mùi hôi, nóng sốt… là đã bị nhiễm trùng. Lúc này nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị. Ở mức nhẹ bác sĩ sẽ chỉ định uống thuốc kháng sinh. Trường hợp nặng phải có sự can thiệp của bác sĩ.

Khuyến cáo

- Các bạn trẻ có cơ địa sẹo lồi không nên xỏ lỗ tai, hay các phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn. Nếu muốn thì nên đến bệnh viện, các cơ sở y tế uy tín để làm. Không nên đến các cơ sở làm đẹp, tiệm làm tóc, hàng bấm lỗ tai rong để xỏ lỗ tai mà “tiền mất tật mang”.

- Sau khi xỏ lỗ tai, tuyệt đối không sử dụng cồn, hay chất tẩy mạnh (như oxy già…) để vệ sinh tai, vì làm vết xỏ bị khô, nứt rất đau đớn.

- Chỉ dùng chỉ y khoa xiên lỗ xỏ, không dùng tăm, chỉ khâu, cuống chiếu… vì dễ bị nhiễm trùng.

Theo Ngọc Hà

Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm