Kinh hoàng hàng loạt nạn nhân cụt chân tay do bỏng điện

(Dân trí) - Ít nhất 9 trong số 17 nạn nhân bị bỏng điện đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải đoạn chi để giữ lại mạng sống. Tai nạn điện gây ra những hậu quả nặng nề nhưng cộng đồng chưa ý thức được nguy hiểm nên số nạn nhân đang không ngừng gia tăng.

Người khỏe mạnh bỗng thành phế nhân

Ngày 8/3, khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị cho 70 bệnh nhân bỏng, trong số đó có tới 17 bệnh nhân bị bỏng điện rất nặng.

BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa xót xa chia sẻ: Tai nạn điện chưa bao giờ giảm, số lượng bệnh nhân điều trị tại khoa luôn ở mức cao. Gần đây, liên tiếp nhiều trường hợp đã phải đoạn chi, trong đó có những ca nặng phải đoạn cả tứ chi để tránh nguy cơ nhiễm trùng hoại tử đe dọa tính mạng.

Đức đã phải đoạn cả tứ chi vì bị điện phóng khi đang dựng nhà xưởng
Đức đã phải đoạn cả tứ chi vì bị điện phóng khi đang dựng nhà xưởng

Trường hợp vừa bị đoạn tứ chi là nam thanh niên Trần Đăng Đức (23 tuổi, quê Quảng Trị). Ngày 27/2, Đức cùng với 4 người khác thi công dựng nhà xưởng cho một hộ gia đình tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Khi đang dựng cây trụ sắt sát đường điện cao thế, sau tiếng roẹt… em và một người khác bị hút vào cây trụ. Khi đường điện chập, biến áp gần đó phát thì quần áo trên cơ thể em bốc cháy”, nằm trên giường bệnh Đức bàng hoàng nhớ lại.

Vụ tai nạn xảy ra là do nhóm công nhân thi công nhà xưởng vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Hậu quả đã khiến 1 người chết tại chỗ, Đức và một nạn nhân khác phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Tại đây, qua thăm khám bác sĩ xác định tứ chi của bệnh nhân đã bị bỏng điện rất nặng gây chết gân, cơ, xương không thể điều trị bảo tồn. Để tránh nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử đe dọa sinh mạng, bác sĩ buộc phải đoạn bỏ cả tứ chi của bệnh nhân.


Anh Hóa vĩnh viễn mất đôi tay khi vô tình kéo cây sắt sát đường dây điện

Anh Hóa vĩnh viễn mất đôi tay khi vô tình kéo cây sắt sát đường dây điện

Một trường hợp đau đớn khác là anh Nguyễn Văn Hóa cũng đã mất cả 2 cánh tay sau tai nạn điện. Vợ nạn nhân cho hay, ngày 4/3, anh đang làm thợ hồ tại một công trình nhà ở tư nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, khi kéo cây sắt lên nóc căn nhà đang xây, bất ngờ đường điện chạy phía trước nhà phóng xuống khiến anh gục tại chỗ. Sau nhiều ngày điều trị, do tình trạng bỏng quá nặng, bác sĩ buộc phải đoạn bỏ cả 2 cánh tay của bệnh nhân.

Từ thực tế điều trị, BS Ngô Đức Hiệp cho hay: Tai nạn bỏng điện thường gặp nhất ở nhóm công nhân xây dựng khi làm việc trên những công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện hoặc công nhân treo bảng của các công ty quảng cáo. Tai nạn cũng xảy đến với những người trực tiếp làm công tác duy tu bảo dưỡng lưới điện (thợ điện) và một số nguyên nhân khác như: tai nạn sinh hoạt, sửa điện trong nhà; bị điện phóng khi lái máy cẩu băng qua đường điện… Ngoài tình trạng bỏng, bệnh nhân còn có nguy cơ bị những thương tích nguy hiểm khác như gãy xương, tổn thương cột sống gây đứt hoặc dập tủy… do té từ trên cao sau khi bị điện giật.

Ai cũng biết nếu bị điện giật là rất nguy hiểm có thể dẫn đến chết người, nhưng tai nạn vẫn xảy ra thường xuyên. Theo BS Đức Hiệp, nguyên nhân sâu xa chính là do ý thức của những người có liên quan, những trường hợp công nhân xây dựng gặp nạn thường là do cả chủ công trình xây dựng, người quản lý, sử dụng lao động và cả người lao động không đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong vệ sinh an toàn lao động. Nếu những công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện bị ngăn chặn thì nhiều người trong độ tuổi lao động đã không trở thành phế nhân.

Tai nạn nguy hiểm có thể phòng tránh

Phân tích chuyên môn của BS Đức Hiệp chỉ ra: “Bỏng điện là tai nạn đặc biệt nguy hiểm, nếu may mắn thoát chết, bệnh nhân cũng sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Bỏng điện có đặc điểm khác với bỏng nước, bỏng lửa (thường bị ngoài da, phần mềm) khi nạn nhân tiếp xúc với điện, cả cơ thể giống như điện trở. Do đó, tổn thương điện là tổn thương sâu trong cơ thể, những vùng điện trở mạnh sẽ tỏa nhiệt nhiều bệnh nhân sẽ bị chết cơ xương, tổn thương lục phủ ngũ tạng.

Điện trở càng cao thời gian tiếp xúc càng lâu thì tổn thương càng nặng, những vùng có điện trở cao sẽ chết cơ, xương không thể phục hồi. Vì thế khoảng 60% nạn nhân bị bỏng điện buộc phải đoạn chi.

Tai nạn bỏng điện thường xảy ra ở nhóm người trẻ, trong độ tuổi lao động
Tai nạn bỏng điện thường xảy ra ở nhóm người trẻ, trong độ tuổi lao động

Ngoài những nỗi đau về thể xác bệnh nhân phải đối mặt thì phía sau là cả một tấn bi kịch. Hầu hết nạn nhân bỏng điện đều là những người trong độ tuổi lao động, tuổi đời rất trẻ. “Mỗi ca bệnh phải đoạn chi không chỉ là nỗi đau với bệnh nhân, thân nhân người bệnh mà còn là quyết định rất khó khăn với những người làm công tác chuyên môn như chúng tôi. Bệnh nhân sau đoạn chi thường đối mặt với cú sốc tâm lý rất lớn, khó tái hòa nhập cộng đồng, nhiều người có xu hướng muốn tự tử. Ngoài điều trị chuyên môn, bệnh nhân cần được hỗ trợ, điều trị tâm lý” - BS Hiệp cho hay.

Khoảng 80% người bị bỏng điện, nếu điều trị thành công không phải đoạn chi cũng sẽ bị mất sức lao động. Những người phải đoạn chi sẽ trở thành gánh nặng đối với chính bản thân họ và gánh nặng cho gia đình, xã hội bởi mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều phải lệ thuộc vào người khác. Ngoài ra, những chi phí điều trị cho một ca bỏng điện rất lớn, nếu có bảo hiểm y tế mức đồng chi trả của người bệnh cũng khá cao, nếu không có bảo hiểm y tế thì đó sẽ là bi kịch.

BS Đức Hiệp khuyến cáo cộng đồng tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động, không vi phạm hành lang an toàn lưới điện
BS Đức Hiệp khuyến cáo cộng đồng tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động, không vi phạm hành lang an toàn lưới điện

Khẳng định bỏng điện là tai nạn nguy hiểm nhưng có thể tránh được, BS Đức Hiệp khuyến cáo: “Tuân thủ các quy tắc an toàn lưới điện, quy tắc an toàn lao động là việc đơn giản nhất để tránh tai nạn bỏng điện. Người sử dụng lao động cần phải chủ động bảo vệ sức khỏe sinh mạng cho nhân công bằng những vật dụng bảo hộ lao động đơn giản như quần áo, giày, găn tay, mũ bảo hiểm. Người lao động phải có ý thức tự bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm bằng việc mang đồ bảo hộ lao động, nói không với những công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện…”

Khi chẳng may có người bị bỏng điện hoặc bỏng tia lửa điện, người ứng cứu cần cách li nạn nhân khỏi nguồn điện bằng các vật dụng cách điện. Kịp thời nhấn tim, hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở; nếu nạn nhân bị té từ trên cao cần cố định cơ thể để hạn chế sang thương; kịp thời chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ chuyên môn.

Vân Sơn