Kích thích cơ thể sản xuất “thuốc”

Trong trường hợp cảm, ho, sổ mũi... hãy để cơ thể “chiến đấu”, còn chúng ta trợ lực bằng cách nghỉ ngơi, dùng món ăn dễ tiêu. Tuy nhiên, không nên “khoán trắng” cho cơ thể mà phải... giám sát. Ngoài ra, còn phải chủ động tạo ra “thuốc”.

 

Kích thích cơ thể sản xuất “thuốc”  - 1

Luyện tập là một trong những cách tạo "thuốc" cho cơ thể

Thyroxine sản sinh trong cơ thể giúp chống lạnh; estrogen, testosterol giúp duy trì nòi giống; insulin điều hòa nồng độ đường trong máu; các men tiêu hóa điều chỉnh những rối loạn tiêu hóa; những nội tiết tố cathecolamin, corticosteroid, endorphin... giúp hóa giải stress... Nếu những “nhà máy sản xuất” thuốc trong cơ thể “đình công”, chuyện gì sẽ xảy ra?

 

Đơn giản, cơ thể sẽ mắc bệnh và cần thêm “viện binh” là nguồn thuốc từ ngoài vào. Cortisol (corticoid) trong cơ thể do tuyến thượng thận tiết ra. Chúng tham gia vào quá trình chuyển hóa chất đường, chất đạm, chất béo; giúp cân bằng nước và muối khoáng; hỗ trợ hoạt động của tim mạch, thần kinh, cơ xương. Nếu bị bệnh nào đó, ví dụ: viêm họng, sốt... bác sĩ cho dùng phối hợp kháng sinh và corticoid trong khoảng năm - bảy ngày để vừa diệt vi trùng vừa kháng viêm.

 

Thế nhưng, trên thực tế, không ít phụ nữ sử dụng corticoid không theo toa bác sĩ, như dùng corticoid pha kem làm trắng da mà hậu quả là da bị teo, lão hóa sớm. Corticoid có tác dụng giữ nước, khiến người sử dụng trở nên “phì nhiêu” hơn, nặng cân hơn nên được không ít “lang băm” bỏ vào thuốc trị biếng ăn. Đối tượng sử dụng corticoid thường là người cao tuổi và trẻ em. Hậu quả: loãng xương, dễ gãy xương ở người cao tuổi và ngăn cản sự phát triển chiều cao ở trẻ em. Theo TS Phạm Văn Bùi – Phó giám đốc BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM, lạm dụng corticoid sẽ bị teo tuyến thượng thận, dẫn đến mắc nhiều bệnh khác rất nguy hiểm.

 

Làm sao kích thích cơ thể sản xuất “thuốc”?

 

Điều kiện đầu tiên: chỉ sử dụng thuốc khi cần và theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để không rơi vào tình huống như ví dụ về corticoid nêu trên. Trong trường hợp cảm, ho, sổ mũi... hãy để cơ thể “chiến đấu”, còn chúng ta trợ lực bằng cách nghỉ ngơi, dùng món ăn dễ tiêu. Nếu thấy ngày càng khỏe, chứng tỏ cơ thể đang trong thế thắng, nếu ngày càng mệt tức là cơ thể cần thêm “viện binh”. Lúc này, nên đi bác sĩ để được tư vấn, điều trị phù hợp. Nên nghỉ ngơi ngay khi cơ thể đòi “đình công” bằng các dấu hiệu: mỏi mệt, đau nhức, buồn ngủ... Thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể thanh toán “chất thải”, giúp phục hồi sinh lực. Khi cơ thể suy yếu, rất dễ bị mầm bệnh tấn công.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng - cố vấn Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM, cho biết: “Khi chúng ta có cảm giác tức giận, ngay lập tức cơ thể tăng tiết adrenalin làm tăng nhịp tim và huyết áp. Nếu cơ thể thường xuyên căng thẳng, mất ngủ thì các tuyến trong cơ thể sẽ hoạt động sai lệch, dẫn đến dễ mắc các bệnh về tim mạch, tiêu hóa”.

 

Đối với phụ nữ, giai đoạn mệt mỏi nhất là tiền mãn kinh, mãn kinh. Để giúp phụ nữ vượt qua  giai đoạn này một cách êm ái, Tây y dùng biện pháp bổ sung nội tiết tố tổng hợp từ ngoài vào cơ thể. Còn Đông y lại chọn cách kích thích cơ thể sản xuất “thuốc” như: châm cứu, xoa bóp.

 

Thế nhưng, chỉ tác động thôi chưa đủ, có thể chủ động tạo ra “thuốc” cho cơ thể  bằng sự rèn luyện mỗi ngày qua các bài tập yoga, thiền, dưỡng sinh...

 

Theo Phương Nam

Phụ nữ Online