Kĩ sư F0 giấu gia đình ở lại bệnh viện phụ việc bác sĩ

Quốc Anh

(Dân trí) - Khỏi Covid-19, kỹ sư Lê Minh Tiến giấu gia đình ở lại bệnh viện chăm sóc đồng nghiệp. Hơn một tháng làm tình nguyện viên, anh bảo: "Khi nào mình không đủ sức mới nghỉ".

F0 chăm đồng nghiệp F0

Anh Lê Minh Tiến (34 tuổi, ngụ Quận 11, TPHCM) phụ trách công nghệ thông tin tại một công ty đóng trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Những ngày giữa tháng 7, tài xế công ty anh dương tính với SARS-CoV-2 nhưng chưa được đưa đi cách ly tập trung, điều trị nên Tiến tình nguyện chăm sóc tại chỗ. Ít ngày sau, anh thấy đau họng và sốt, rồi biết mình mắc Covid-19.

Kĩ sư F0 giấu gia đình ở lại bệnh viện phụ việc bác sĩ - 1

Hơn một tuần theo chân, quan sát các điều dưỡng để "học việc", anh Tiến thuần thục thay bình oxy; cân chỉnh đường dây truyền dịch…

Ngày 21/7, Tiến cùng 6 đồng nghiệp cùng công ty được chuyển tới khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tổng hợp tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM).

"Ngày đầu vào viện mình thấy choáng, hoang mang vì có nhiều người bệnh nặng. Từ máy quạt, bình oxy đến tiếng rên rỉ xung quanh tạo thành thứ âm thanh sợ hãi" - anh nhớ lại.

Kĩ sư F0 giấu gia đình ở lại bệnh viện phụ việc bác sĩ - 2

Anh Tiến phụ nhân viên y tế những công việc nặng nhọc để họ có thời gian nghỉ ngơi và lo điều trị cho bệnh nhân.

Một tuần sau, anh cùng 2 đồng nghiệp được phép ra viện khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, Tiến bày tỏ nguyện vọng muốn được ở lại chăm sóc các đồng nghiệp còn chưa khỏe, dù được bác sĩ khuyên: "Về nghỉ ngơi một tuần rồi vào làm tình nguyện viên cũng không muộn".

Nói về lý do "xin" ở lại, Tiến bảo anh mong muốn có thể phụ giúp nhân viên y tế ít việc để họ có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bệnh nhân khác. "Những việc nặng thấy chị em làm vất vả quá" - Tiến chia sẻ.

10 ngày sau, đồng nghiệp của anh đều khỏi bệnh, được phép về nhà. Tuy vậy, từ đó đến nay, tờ giấy xuất viện ghi ngày 9/8 vẫn "đồng hành" cùng anh trong khu điều trị Covid-19.   

Phải tới ngày đồng nghiệp xuất viện, anh Tiến mới kể với gia đình hay mình khỏe mạnh và thuyết phục người thân cho ở lại làm tình nguyện viên, đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Kĩ sư F0 giấu gia đình ở lại bệnh viện phụ việc bác sĩ - 3

Mỗi sáng anh thay bình oxy một lượt cho các phòng bệnh rồi giúp bệnh nhân ăn uống, thay đồ, vệ sinh...

"Lần này, khi nói ở lại bệnh viện làm tình nguyện viên, bà xã cứ tưởng là giỡn. Nhưng mình bảo thiệt thì cũng đồng ý" - Tiến kể.

Anh Tiến là con một trong gia đình. Ở nhà có mẹ gần 60 tuổi, con gái hơn 4 tuổi. Vợ anh lâu nay cũng ở lại chỗ làm để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Tình nguyện viên, kiêm "bác sĩ tâm lý"

Ở lại chăm sóc F0, anh Tiến xác định phải đối diện với nguy cơ tái nhiễm, nhưng trong thâm tâm mong không phải trải qua thêm một lần điều trị Covid-19 nào nữa.

Anh Tiến kể trong thời gian làm tình nguyện viên có lần bị nóng, ho và đau họng nên phải uống thuốc, nhưng may mắn kết quả test nhanh âm tính. Chưa yên tâm, anh nhờ bác sĩ test lại lần nữa, chờ tới sáng hôm sau chụp X-Quang kiểm tra phổi bình thường mới đỡ lo.

Mỗi sáng, anh Tiến có nhiệm vụ thay bình oxy một lượt cho các phòng bệnh, giúp bệnh nhân ăn uống, thay đồ, vệ sinh… Xen vào đó là những cuộc trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe họ. 

Tâm lý chung của các bệnh nhân mới là hoang mang, lo sợ. Họ buồn vì không có người thân bên cạnh. Hiểu rõ cảm xúc đó, Tiến hay trò chuyện để bệnh nhân bớt cô đơn, ổn định tinh thần, cố gắng điều trị.

Kĩ sư F0 giấu gia đình ở lại bệnh viện phụ việc bác sĩ - 4

Tiến chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Anh nhớ có nữ bệnh nhân vào cấp cứu chỉ có mỗi bộ đồ mặc trên người, mê sảng  không nhớ số điện thoại, hay thông tin người nhà… chỉ nhớ mỗi tên mình. Lúc này, Tiến liên hệ nhóm bạn xin vài bộ đồ nữ, để bệnh nhân thay cho thoải mái. Hơn một tuần được điều trị và chăm sóc, người này đã khỏe và đi lại được.

"Nhiều bệnh nhân muốn liên hệ người nhà thì mình cho mượn điện thoại. Sau này, người nhà gọi quá trời nghe không kịp. Mình tạo được sự liên kết, người nhà yên tâm hơn và bệnh nhân không thấy cô đơn, yên tâm trị bệnh" - anh chia sẻ.

"Thần hộ mệnh"

Ở bệnh viện, nhiều bệnh nhân gọi Tiến là "thần hộ mệnh" vì thấy anh tận tình chăm sóc, mang tới sự lạc quan, năng lượng tích cực cho mọi người. Tiến kể động lực giúp anh vượt qua những mệt mỏi chính là khi nghe những lời động viên từ  bệnh nhân.

Tuy vậy, ở nơi mà lằn ranh sinh tử luôn tồn tại, anh bảo không khỏi đau lòng khi chứng kiến cảnh ly biệt.  

Kĩ sư F0 giấu gia đình ở lại bệnh viện phụ việc bác sĩ - 5

Khi được xuất viện, anh Tiến giấu gia đình để ở lại chăm sóc F0 cùng công ty và đến nay đã hơn một tháng làm tình nguyện viên.

Tiến kể trường hợp bệnh nhân xấu số anh đau xót nhất là cô gái 33 tuổi, nhập viện cùng người em trai. Anh chăm sóc cho 2 chị em từ đầu. Sau 15 ngày điều trị, tình hình có vẻ khá hơn nhưng đột nhiên bệnh tình cô gái trở nặng và không thể qua khỏi.   

"Mình xót xa vì bạn ấy còn quá trẻ" - Tiến nhớ lại.   

Gia đình trên có 3 người mắc Covid-19. Mẹ nằm ở tầng khác cũng được đưa về cùng phòng với 2 chị em. Sau khi có kết quả âm tính, người em ở lại chăm sóc mẹ đang thở máy.   

Chuyện mất mát đi qua, Tiến dần bình tâm lại và tìm động lực từ gia đình qua những cuộc trò chuyện. Tuy vậy, có hôm nhiều việc, không kịp liên lạc về nhà, mọi người lại lo lắng, hỏi thăm.

Mỗi lần gọi mẹ hỏi: "Con biết khi nào hết dịch không?". Con gái 4 tuổi của anh lại trả lời thay: "Ba đi chống dịch. Khi nào ba về mới hết dịch".

Tiến bảo: "Khi nào không đủ sức khỏe mình mới nghỉ. Mình sẽ gắng bảo vệ bản thân để giúp mọi người. Lúc này cả nước đang chống dịch mà".