Khuyến cáo về sàng lọc ung thư vú bằng chụp X-quang tuyến vú
(Dân trí) - Ung thư vú là loại ung thư thường gặp, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng sự biến đổi gen BRCA1 hoặc BRCA2, ô nhiễm môi trường, tia phóng xạ, hóa chất trong thực phẩm, thói quen hút thuốc lá… làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Sàng lọc ung thư vú bằng chụp X-quang tuyến vú giúp làm tăng tỷ lệ chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm, do đó làm tăng tỷ lệ điều trị khỏi. Hơn nữa, điều trị ung thư vú giai đoạn sớm thường ít phức tạp hơn và sẽ ít tốn kém hơn so với ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.
Khuyến cáo sàng lọc ung thư vú:
- Phụ nữ từ 20 tuổi trở lên nên tự khám vú sau sạch kinh 5 ngày, nếu phát hiện bất thường thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và kiểm tra.
- Phụ nữ từ 25 đến 40 tuổi:
+ Tự khám vú mỗi tháng sau khi sạch kinh 5 ngày.
+ Nên khám định kỳ ở cơ sở y tế chuyên khoa mỗi năm 1 lần.
- Phụ nữ từ 40 trở lên:
+ Tự khám vú mỗi tháng.
+ Khám lâm sàng tuyến vú định kỳ mỗi năm bởi bác sĩ chuyên khoa.
+ Chụp X-quang vú tầm soát định kỳ mỗi năm.
Đối với phụ nữ có tuyến vú loại đặc, nhất là thuộc nhóm nguy cơ, nên kết hợp siêu âm vú và/hoặc chụp cộng hưởng từ tuyến vú.
Đối với phụ nữ có các yếu tố nguy cơ của ung thư vú:
- Tiền sử gia đình có người thân (mẹ, chị em ruột) bị ung thư vú: nên bắt đầu chụp X-quang tuyến vú định kỳ từ tuổi = tuổi của người thân bị ung thư vú-10, hoặc sớm hơn (nhưng không trước 25 tuổi và không sau 40 tuổi).
Ví dụ: Người thân bị ung thư vú lúc 35 tuổi, tuổi nên bắt đầu chụp X-quang vú định kỳ là 25 tuổi.
- Trường hợp tiền sử gia đình có người thân bị ung thư buồng trứng hoặc có các yếu tố nguy cơ khác như:
+ Dậy thì sớm (trước 13 tuổi)
+ Mãn kinh trễ (sau 55 tuổi)
+ Không có con hoặc không cho con bú
+ Có con lần đầu muộn (sau 30 tuổi)
+ Béo phì sau mãn kinh
nên sàng lọc ung thư vú hàng năm bằng chụp X-quang tuyến vú từ tuổi 35 trở đi.