"Không thể nói uống rượu thế nào là an toàn"

(Dân trí) - Đó là nhận định của BS Đinh Dạ Lý Hương và BS Lê Quốc Nam, BV ĐH Y dược TPHCM tại buổi nói chuyện chuyên đề về Ngộ độc rượu chiều 24/10 tại Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe (Sở Y tế TPHCM).

Theo công bố mức độ ảnh hưởng của rượu đối với tri giác và hệ thần kinh của BS Lê Quốc Nam, ở mức độ 0,05% nồng độ rượu trong máu, người uống đã có những biểu hiện say như nói nhiều, hơi bị kích động, có sự giảm sút về suy nghĩ;  Mức độ 0,1%, cử động trở nên vụng về, cầm nắm vật dụng không chính xác; Mức độ 0,2%, dễ bùng nổ các cơn giận dữ, đi đứng loạng choạng do chức năng vùng vận động và kiểm soát của não bị ức chế; Mức độ 0,3%, người uống sẽ lú lẫn, không còn nhận thức được môi trường xung quanh; Mức độ 0,4% - 0,5%, người uống bị hôn mê. Nếu nồng độ cao hơn, các trung tâm kiểm soát nhịp thở và nhịp tim ở não bị ảnh hưởng, dẫn đến tử vong do suy hô hấp.

 

Tuy nhiên, rất khó để nói uống rượu như thế nào là an toàn, vì mỗi người có độ nhạy cảm với rượu khác nhau, tốt nhất nên từ bỏ uống rượu. Đặc biệt, tuyệt đối không nên uống khi bụng đói, không uống rượu chung với thuốc, nhất là với các loại thuốc panadol, paracetamol vì sẽ dẫn đến gan hư cấp tính có thể tử vong.

 

Nếu không chết, người uống rượu cũng tự mình gây ra những tổn hại lâu dài cho sức khỏe của chính mình. Trong đó, tim dễ bị tác động dẫn đến bệnh cao huyết áp hay đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quị. Rượu còn tác động lên các vi khuẩn có ích ở đường ruột dẫn đến sự hấp thu kém các chất dinh dương.

 

Ngoài ra, rượu còn làm tăng nguy cơ ung thư miệng, họng, thực quản, gan… Đặc biệt, về vấn đề sinh lý, người nam hay người nữ uống rượu đều sẽ bị giãm khả năng tình dục, người nữ uống rượu còn dễ bị xơ gan do khả năng chuyển hóa rượu ít hiệu quả hơn phái nam.

 

Người nữ khi mang thai mà uống rượu sẽ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật hay sẩy thai. Rượu qua nhau vào thai nhi ức chế giai đoạn phát triển trong tử cung và sau khi sanh. Nếu người mẹ nghiện rượu thì 35% nguy cơ sanh ra trẻ bị khuyết tật.

 

Còn với rượu dởm thì nguy cơ còn cao hơn nhiều. “Rượu dởm (chứa methanol) chậm say hơn rượu thật (ethanol) nhưng nguy hiểm vì rất độc, đào thải chậm và tích lũy dần dần. Tùy theo sự nhạy cảm của từng người, chỉ cần hấp thu khoảng 7 ml methanol là có thể bị hôn mê và tử vong”, BS Lý Hương cảnh báo.

 

Khi vào cơ thể, methanol sẽ chuyển hóa thành 2 chất kịch độc có tên là formaldehyd và acid formic. Các chất này làm ngừng hô hấp tế bào, nhất là tế bào thần kinh. Chúng tích luỹ dần ở dây thần kinh thị giác làm rối loạn khả năng nhìn, thậm chí người uống không còn nhìn thấy mọi vật và có khi mù hẳn, ngay cả khi được cứu khỏi “lưỡi hái tử thần”.

 

Bệnh nhân thứ 11 vừa tử vong vì ngộ độc rượu

 

Nạn nhân tên Lưu Minh H, 44 tuổi, ngụ Trần Quang Khải, Q.1, nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy gan và suy cả thận. Qua xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có hàm lượng độc chất methanol trong máu rất cao.

 

Chưa đầy một tháng qua, chỉ riêng tại BVND Gia Định đã có 7/11 ca tử vong vì ngộ độc rượu trong tổng số 25 ca ngộ độc rượu được đưa đến cấp cứu tại các BV.

 

Ngoài ra, theo thống kê trong thời gian gần đây, đã có 20 người thuộc các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, bị tử vong vì ngộ độc rượu.

 

Hiện tại, theo TS BS Lê Quốc Hùng, BV Chợ Rẫyt, thị lực của bệnh nhân Nguyễn Văn D. (đưa vào cấp cứu vì ngộ độc rượu ngày 29/9) vẫn còn rất kém, chỉ mới nhìn thấy sự vật trong giới hạn khoảng 30cm (trước khi uống phải rượu độc, thị lực ông D. vẫn bình thường).

 

Ngọc Thanh